Mức án nào cho người vợ dội nước sôi hãm hại chồng vì đi nhậu?

Ngày 01/02/2017 10:06 AM (GMT+7)

Người vợ thẳng tay dội nước sôi hãm hại chồng vì đi nhậu say ngày tết có thể bị phạt mức tù cao nhất là chung thân.

Ngày 30/1 (tức mùng 3 Tết Đinh Dậu), trên địa bàn xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) vừa xảy ra vụ việc nghiêm trọng, chồng đi uống rượu về bị vợ đun nước sôi đổ lên người dẫn đến bỏng nặng.

Thông tin ban đầu, trước đó, khoảng 22h ngày 26/1 (tức đêm 29 Tết Đinh Dậu), sau khi đi uống rượu tất niên về, giữa anh Cao Đình N. (37 tuổi, trú tại xóm Phú Tiến, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn) và vợ xảy ra mâu thuẫn. Chờ chồng lên ghế ngủ say, Đặng Thị Châu Hoa (vợ anh N.) lặng lẽ chốt cửa, xuống bếp lấy ấm siêu tốc đun nước sôi dội lên người chồng.

Hoa đã dùng cả ấm nước sôi dội lên mặt, người, bụng… chồng, mặc cho anh N. van xin. Chưa hả cơn giận, Hoa còn ghì chặt người chồng xuống ghế, lấy tay bịt miệng không cho nạn nhân la hét.

Mức án nào cho người vợ dội nước sôi hãm hại chồng vì đi nhậu? - 1

Anh N. bị bỏng nặng do người vợ độc ác gây ra.

Phát hiện sự việc, một số hàng xóm chạy sang giải cứu anh N. và đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu. Sau khi sự việc xảy ra, ban công an xã đã xuống lập biên bản hiện trường để phục vụ điều tra.

Trước sự việc nghiêm trọng này, luật sư Trần Huy Tuấn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm về cần phải điều tra nhanh chóng để xử lý về hành vi độc ác của người vợ này.

Trong trường hợp này, luật sư cho biết: “Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh rõ, có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi cố ý gây thương tích nếu đủ căn cứ”.

“Theo thông tin đã phản ánh, có thể thấy động cơ xâm hại sức khỏe của đối tượng Hoa với chồng của mình thể hiện rõ ràng bằng các hành động liên tiếp thể hiện tính chất dã man, độc ác. Vì vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, với hành vi cố ý gây thương tích, tùy theo mức độ nghiêm trọng và mức độ thương tật để lại trên cơ thể nạn nhân mà người gây ra sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Tuấn nêu rõ.

Cụ thể, theo điểm e, khoản 3, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với hành vi xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác.

Về xử lý hình sự, Điều 104, Bộ luật Hình sự quy định cụ thể về các mức phạt. Theo đó, tùy theo tỷ lệ thương tật và các đối tượng bị xâm hại khác nhau mà người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến tù chung thân.

Theo Dương Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan