Mỹ 'cuống cuồng' lo đối phó với dịch Ebola

Ngày 16/10/2014 09:28 AM (GMT+7)

Kể từ khi nữ y tá điều dưỡng gốc Việt Nina Pham, 26 tuổi là người Mỹ thứ hai được phát hiện bị nhiễm Ebola, giới chức y tế Mỹ nói riêng cùng các ban ngành nước này đã thật sự “cuống cuồng” lo lắng, triển khai một loạt các biện pháp để đối phó với dịch Ebola.

Eboa “tấn công” nước Mỹ

Nữ y tá điều dưỡng gốc Việt Nina Pham tốt nghiệp chương trình y tá năm 2010 và là bệnh nhân đầu tiên nhiễm Ebola trên đất Mỹ mà không di chuyển từ vùng có dịch. Hiện cô đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Texas Health Presbyterian ở TP. Dallas, nơi cô làm việc

Thông tin cô nhiễm virus Ebola được chính thức thông báo hôm 12/10.

Mỹ cuống cuồng lo đối phó với dịch Ebola - 1

Nữ y tá điều dưỡng gốc Việt Nina Pham

Phát ngôn viên của TP. Dallas cho biết, hiện các viên chức của thành phố đang chăm sóc và theo dõi chú chó của Nina Pham xem nó có bị nhiễm Ebola hay không.

Hiện sức khỏe của Nina Pham đã ổn định. Cô được nghỉ ngơi, thư giãn và có thể liên lạc với bạn bè qua điện thoại, email.

Nina Pham được cho rằng bị lây nhiễm virus khi chăm sóc bệnh nhân Thomas Eric Duncan, trường hợp đầu tiên nhiễm Ebola tại nước này và tử vong hôm 8/10 sau nhiều ngày cách ly.

Các điều tra viên về bệnh dịch đang xem xét vì sao cô lại bị nhiễm bệnh trong khi đã mặc đầy đủ quần áo bảo hộ lúc chăm sóc cho bệnh nhân trên.

Nữ y tá là bệnh nhân thứ ba được truyền huyết thanh từ bác sĩ Kent Brantly, một bệnh nhân nhiễm virus Ebola ở Liberia song đã bình phục

Bảo vệ các nhân viên y tế

Khoảng 70 nhân viên y tế tại bệnh viện Texas Health Presbyterian, bao gồm Nina Pham đã có tiếp xúc với bệnh nhân tử vong trên.

Bác sĩ David Lakey, ủy viên Sở Y tế bang Texas, ngày 12/10 cho biết: “Chúng tôi biết trước ca thứ hai mắc Ebola có thể là hiện thực và chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho khả năng này”.

Mỹ cuống cuồng lo đối phó với dịch Ebola - 2

Hai nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đang chờ để mang thi thể của một người bị nghi đã chết vì Ebola hôm thứ Hai tại Monrovia, Liberia. Ảnh: usnews

Bác sĩ Thomas R. Frieden - Giám đốc các Trung tâm Phòng và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo hôm 13/10 rằng việc Nina Pham dương tính với Ebola qua xét nghiệm hồi cuối tuần trước cho thấy các cơ quan này cần xem xét lại việc bảo vệ các nhân viên y tế của mình trong công tác chăm sóc bệnh nhân. BS Frieden cũng ngỏ lời xin lỗi sau khi ông nêu khả năng các nhân viên y tế có sơ suất để dẫn tới bị lây nhiễm.

Ông cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về lý do để xảy ra những sai sót và vi phạm quy trình chữa trị cho bệnh nhân Ebola, dẫn tới các nhân viên y tế bị lây nhiễm virus chết người này.

“Cuống cuồng” lo đối phó Ebola

Các quan chức y tế Mỹ cho biết, trước mắt, họ muốn lập các bệnh viện chuyên điều trị người bệnh nhiễm Ebola ở mỗi bang.

Trung tâm Phòng và Kiểm soát dịch bệnh nước này đã gửi các chuyên gia tới Texas để theo dõi những người có thể đã tiếp xúc với Thomas Eric Duncan.

Bất cứ ai có dấu hiệu bị sốt hoặc có các triệu chứng của Ebola sẽ được cách ly và làm các xét nghiệm xem có dương tính với virus này hay không. Nếu có, một loạt các quy trình nghiêm ngặt đảm bảo y tế sẽ được thực hiện. Quá trình này được lặp đi lặp lại cho đến khi không có trường hợp mới nhiễm bệnh.

Giới chức địa phương gần bệnh viện Texas Health Presbyterian đã đến gõ cửa từng nhà, gọi điện và phát tờ rơi để cố gắng trấn an người dân.

Mỹ cuống cuồng lo đối phó với dịch Ebola - 3

Các nhân viên của đội ứng phó khẩn cấp với các dịch vụ bảo vệ môi trường. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng cần có thêm nỗ lực quốc tế mạnh mẽ nhằm đối phó với dịch bệnh chết người đang vượt khỏi biên giới Tây Phi.

Bên cạnh đó, lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các quan chức liên bang đã ra công bố hôm 8/10 rằng hành khách từ Tây Phi nhập cảnh vào Mỹ sẽ được kiểm tra Ebola tại 5 sân bay quốc tế của nước này là John F. Kennedy, Washington-Dulles, Newark và Chicago’s O’Hare, Hartsfield-Jackson, Newark Liberty.

Thủ tục này sẽ bắt đầu tại sân bay Kennedy ở New York vào 11/10. Sau đó sẽ bắt đầu tại 4 sân bay khác vào cuối tuần này.

Việc kiểm tra chỉ áp dụng với các hành khách đến từ vùng dịch như Guinea, Liberia và Sierra Leone, bao gồm đo thân nhiệt, tìm hiểu về tình trạng sức khỏe và khả năng tiếp xúc với nguồn bệnh.

Các bệnh viện trên toàn nước Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho những việc cần làm nếu bệnh viện của mình phải đối mặt với virus chết người  Ebola.

Mỹ cuống cuồng lo đối phó với dịch Ebola - 4

Các nhân viên y tế diễn tập để chuẩn bị ứng phó với nguy cơ lây lan của dịch Ebola. Ảnh chụp màn hình, nguồn Abcnews.

Một số bệnh viện đã và đang gửi bản cần ghi nhớ về Ebola cho nhân viên. Những cuộc diễn tập đảm bảo rằng các nhân viên của bệnh viện biết tất cả mọi thứ cần làm để ứng phó với dịch bệnh khủng khiếp này đã diễn ra. Từ làm thế nào để xác định bệnh nhân bị nhiễm Ebola đến cách thức thoát ra khỏi quần áo bảo hộ mà không đặt mình vào vị trí nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm virus.

Chính phủ Hoa Kỳ đã nhanh chóng có kế hoạch theo dõi sự phát triển của một loại vaccine thử nghiệm trên những con khỉ để chống lại virus Ebola. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo nó sẽ có hiệu quả ở người.

Trước đó, các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh, không có nguy cơ lây truyền bệnh dịch Ebola từ những người đã tiếp xúc với virus nhưng chưa có triệu chứng. Tiến sĩ Thomas R. Frieden cho biết hôm 2/10 rằng tỷ lệ nhiễm Ebola ở Mỹ là rất thấp.

Theo Lan Dương (Gia đình và Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan