Ngành xuất bản: Sách độc gây 'ô nhiễm' môi trường giáo dục

Ngày 06/02/2015 15:02 PM (GMT+7)

Năm 2014 là một năm chứng kiến hàng loạt những sai phạm của một số nhà xuất bản. Nhiều quyển sách độc được tung ra làm ảnh hưởng khá lớn đến người đọc.

Chưa kể đến những “ung nhọt” trong xuất bản đã dẫn đến tình trạng sách kém chất lượng được bày bán nhan nhản. Những “ung nhọt” này cần phải tiến hành "đại phẫu" sớm, để nâng cao vai trò của ngành xuất bản trong thời gian tới.

Ngành xuất bản: Sách độc gây ô nhiễm môi trường giáo dục - 1

Một trong những quyển sách còn nhiều sai sót được phản ánh trong thời gian vừa qua.

Sách độc gây "ô nhiễm" môi trường giáo dục

Năm 2014, tình trạng những quyển sách độc gây "ô nhiễm" môi trường giáo dục tiếp tục "tra trấn" người đọc bằng những quyển sách kém chất lượng. Trong bộ sách Tiếng Anh nhập môn - một bộ sách dành cho lứa tuổi nhi đồng, do nhà sách Mỹ Đình và NXB Mỹ Thuật liên kết phát hành có chi tiết dạy từ tiếng Anh August (tháng 8), bằng cách dẫn hình minh họa là một cậu bé công an, đứng trước lá cờ Trung Quốc. Không chỉ vậy, nhiều bài học khác của quyển sách cũng đậm chất Trung Quốc khi đưa hình thư viện với dòng chữ tiếng Hoa, xe cứu hỏa số 119 (số cứu hỏa của Trung Quốc), hình người mẹ mặc trang phục sườn xám vào sách.

Sách độc còn làm rối loạn môi trường giáo dục cho người trẻ bằng nhiều cách khác. Bộ sách Kiến thức dành cho thiếu nhi từ 6-12 tuổi, của NXB Kim Đồng và công ty văn hóa giáo dục Long Minh, được giới thiệu thuộc top những quyển sách bán chạy nhất với hơn một triệu bản, tái bản nhiều lần ở Anh, Mỹ và một số nước khác. Bên cạnh những kiến thức về khoa học, xã hội cuốn sách này còn dạy cho trẻ những chuyện gian lận, nói dối...

Trong đoạn làm thế nào để gian lận, trẻ em được dạy cách gian lận khi làm bài thi như sau: "Thu tất cả các câu trả lời vào máy thu âm và nói với cô giáo rằng, bạn đang cố giảm bớt căng thẳng bằng cách nghe nhạc qua tai nghe; Viết đáp án lên tay áo của bạn". Sách còn dạy thêm những cách gian lận khác như: "Dán bìa sách giáo khoa lên bìa sách hướng dẫn giải bài tập và dùng nó như sách giáo khoa. Kết bạn với một bạn học khác lớp người đã làm bài kiểm tra ấy trước đó". Bí quyết cuối cùng của trò gian lận kết thúc bằng cách giả vờ... ngất xỉu.

Sách độc còn dạy trẻ những điều khó thể tưởng tượng như cuốn Phát triển tư duy toán học cho bé (tập 3, NXB Đồng Nai): Phân biệt nặng nhẹ với hình quả táo và sầu riêng. Sau đó đưa ra kết luận, quả táo nhỏ hơn sầu riêng nên quá tảo nhẹ hơn quả sầu riêng. Hay con voi rất to nên nặng hơn con kiến bé nhỏ. Hay sách độc còn "giết" trẻ bằng sự sai sót của mình. Trong quyển sách: "Chuẩn bị cho bé vào lớp 1- làm quen với chữ cái", hàng loạt từ bị viết sai chính tả một cách trầm trọng. Thùng rác thì viết thùng giác, con ngựa thì viết thành quả ngựa, quả đu đủ thì gọi là cái đu.

Điều đáng nói hơn, những quyển sách độc này không chỉ "giết" trẻ bằng sự sai sót trong khâu biên tập chữ nghĩa, mà dạy trẻ chơi xấu, hoan hỉ trước nỗi khổ của người khác. Như truyện Chuột trắng kiêu căng trong bộ sách 99 chuyện kể cho bé (NXB Đồng Nai), truyện Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác trong bộ 101 truyện mẹ kể cho con nghe (NXB Đồng Nai)... Có thể nói, những quyển sách độc kiểu này về lâu dài làm tha hóa thị hiếu thẩm mỹ, đạo đức, chính trị, pháp luật... tạo ra sự vô cảm, nhẫn tâm hoặc vô trách nhiệm trong tâm hồn tuổi trẻ, cổ xúy cho sự băng hoại đạo đức xã hội.

Những “ung nhọt” cần phải loại bỏ

Các quyển sách độc đang "giết" chết thiếu nhi được bắt nguồn từ sự yếu kém của các nhà xuất bản. Bà Huỳnh Xuân Hạnh, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM nhận định: "Không phải NXB nào cũng có điều kiện, năng lực thực hiện bản thảo và năng lực tài chính về dòng sách này, nên đã xảy ra trường hợp cấp phép dễ dãi. Ngoài ra, tâm lý làm sách cho thiếu nhi, người lớn sẽ không quan tâm nên hay dở cũng không sao. Vì thế sách nhảm có kẽ hở ra đời. Hậu quả này chỉ được khắc phục khi có phụ huynh và truyền thông phản ánh".

Sách bẩn đang đánh gục doanh nghiệp

Ông Vũ Đình Hòa, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Văn hóa Văn Lang cho biết: "Sách bẩn là một trong những nguyên nhân đánh gục các doanh nghiệp làm ăn chân chính hoạt động trong lĩnh vực này. Nó cũng gián tiếp điều chỉnh giảm nhu cầu đối với nguồn sách đọc chính thống được liên kết xuất bản từ các doanh nghiệp chân chính".

Nói về những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của những quyển sách gây ô nhiễm môi trường giáo dục, Giám đốc nhà xuất bản ĐHSP TP.HCM Lê Thanh Hà cho biết: "Việc cho ra đời quá nhiều nhà xuất bản, nhưng không có kế hoạch đào tạo bài bản những người làm công tác xuất bản dẫn tới việc các NXB thiếu tính chuyên nghiệp. Nguyên nhân thứ hai là do cơ chế tài chính. Trừ một số ít NXB được chủ quản bao cấp lương và cơ sở vật chất, đa số NXB phải tự hạch toán và tự nuôi bộ máy. Thậm chí, trong tài chính khó khăn, NXB không đủ tiền thuê nhà. Để tồn tại, NXB làm mọi cách để có thu nhập, trong đó cấp nhiều giấy phép để có thu nhập và xây dựng bộ máy siêu gọn nhẹ, gọn tới mức không đủ để làm việc, nên phải đặt toàn bộ số phận của mình vào đối tác liên kết. Các đối tác này vì thế có điều kiện quyết định một số hoạt động của nhà xuất bản".

Chỉ ra thêm những nguyên nhân dẫn đến sách độc, ông Lê Thanh Hà nói: "Do cạnh tranh quyết liệt của các NXB để giành được quyền cấp giấy phép, các NXB hạ phí biên tập, phí xuất bản dẫn tới biên tập qua loa hoặc không biên tập. (Có NXB chỉ biên tập 1.000 đồng/trang). Ngoài ra, nhiều NXB hiện nay do không đủ năng lực tự xuất bản, chủ yếu phải nhờ các đối tác liên kết do đó phải "chiều" các đối tác này dẫn đến bị đối tác thao túng".

Cho rằng vai trò của NXB kém khẳng định vị trí, bà Quách Thu Nguyệt, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED nhận định: "Thay vì hợp tác, liên kết để cùng phát triển một số NXB đã tự bỏ vai trò cầm trịch, gác cửa được pháp luật quy định. Không kiểm soát chặt chẽ quy trình xuất bản, làm hết trách nhiệm với xuất bản phẩm do đơn vị mình cấp phép, liên kết xuất bản nên nhà xuất bản đã đánh mất hình ảnh, uy tín của đơn vị bằng việc tạo những kẽ hở cho xuất bản phẩm xấu xuất hiện trên thị trường". Những tiêu cực trong ngành xuất bản như: Làm sách có yếu tố giật gân, bạo lực, mê tín dị đoan, khai thác yếu tố tình dục, đầu độc tâm lý trẻ thơ, biên sách cẩu thả, in sách không giấy phép, sách "xào nấu"... bắt nguồn từ sự tham lam của các nhà xuất bản nhằm thu về lợi nhuận càng nhiều, bất chấp đạo đức kinh doanh.

Ngành xuất bản: Sách độc gây ô nhiễm môi trường giáo dục - 2

Theo bà Quách Thu Nguyệt, một số đơn vị xuất bản vì chạy theo lợi nhuận đã đánh mất đạo đức kinh doanh.

Cũng theo bà Quách Thu Nguyệt, kinh doanh sản phẩm tri thức nhưng vì mục tiêu lợi nhuận, một số cá nhân, công ty sách tư nhân bất chấp đạo đức của người làm nghề, bất chấp những tác hại của sản phẩm xấu đối với cộng đồng và tương lai thế hệ trẻ. Thủ phạm gây nhiễu loạn môi trường xuất bản không ai khác chính là các đơn vị tư nhân làm sách. Thông qua liên kết xuất bản được luật xuất bản cho cấp phép. Lợi dụng những yếu kém của đội ngũ nhân viên NXB, kẽ hở của quy trình xuất bản, các đơn vị liên kết xuất bản đã không ngần ngại tung ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng để thu lợi nhuận càng nhiều càng tốt.

Chia sẻ về tình hình sách hiện nay, Giáo sư Huỳnh Như Phương cho biết: "Thị trường sách sôi động và phức tạp. Chúng ta lại chưa tìm được một mô hình xuất bản tiên tiến, phù hợp với thời đại công nghiệp hóa. Những quy định hiện hành về xuất bản là cái áo quá chật so với đòi hỏi của một cơ thể văn hóa đang nảy nở. Về cung cách tổ chức, sự thiếu minh bạch trong mối liên kết giữa những người làm sách tư nhân và những nhà quản lý xuất bản đang gây ra những hệ lụy không đáng có liên quan đến quy trách nhiệm xã hội. Mối quan hệ giữa xuất bản và phát hành cũng có điều bất hợp lý, gây thiệt thòi cho người sản xuất".

Theo Mai Thy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan