Ngày về của đứa trẻ trong Chiến dịch Không vận Trẻ em 1975

Ngày 09/04/2015 09:13 AM (GMT+7)

Julie Davis, người có mặt trên máy bay đi sơ tán từ Sài Gòn tới Seattle, Mỹ vào năm 1975 đã chia sẻ câu chuyện của mình nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến dịch Không vận Trẻ em Việt Nam.

Tôi chỉ mới là đứa trẻ một tuổi khi chiếc máy bay Boeing 747 đưa tôi và hàng trăm em bé khác rời Sài Gòn. Đích mà chúng tôi đến chính là Seattle, Houston, Minneapolis, Mỹ. Ba mươi năm sau, tôi trở về Việt Nam để tìm lại trại trẻ mồ côi, nơi tôi đã nhận được sự cưu mang ngay từ những ngày đầu có mặt trên cõi đời này.

Ngày về của đứa trẻ trong Chiến dịch Không vận Trẻ em 1975 - 1

Những đứa trẻ mồ côi ở trại Ghềnh Ráng – Julie nghĩ rằng cô chính là đứa bé đang nhìn về phía máy ảnh (Ảnh do Julie Davis cung cấp).

Tôi đã tới thành phố ven biển miền Trung Quy Nhơn, nơi cách khoảng 650km về phía Bắc TP.HCM. Trại trẻ mồ côi đã từng nằm ở đó. Hình ảnh bên ngoài của khu nhà hầu như không thay đổi, nhưng trại trẻ mồ côi đã không còn ở đó nữa. Tôi nghĩ đó chính là trại trẻ mồ côi năm xưa, là đích đến trong chuyến hành trình của tôi.

Chúng tôi di chuyển trên một chiếc ô tô dọc theo những con hẻm nhỏ. Thỉnh thoảng xe dừng lại ở những cửa hàng ven đường và người dẫn đường của tôi xuống hỏi thăm tin tức về sơ Emilienne- người đã trực tiếp chăm sóc tôi trong những ngày ở trại trẻ.

Tôi biết đến sơ Emilienne qua các tài liệu được cung cấp bởi các cơ quan kiểm soát việc nhận con nuôi. Nếu không có sơ, tôi đã không còn sống để có mặt trên chuyến không vận khỏi Sài Gòn năm đó. Nhưng trước khi trở lại Việt Nam, tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ tìm lại được sơ. Tôi nghĩ rằng sơ đã mất hoặc chuyển đi từ nhiều năm trước.

Cuối cùng, xe của chúng tôi đi vào một con hẻm nhỏ và dừng lại ở trước một cánh cửa sắt lớn. Hướng dẫn viên cho biết đây chính là nơi sơ Emilienne đang sống. Một người phụ nữ Việt Nam với vóc dáng nhỏ nhắn đi ra. Hướng dẫn viên nói với sơ rằng tên tôi là Nguyễn Thị Thanh Trúc.

Ngày về của đứa trẻ trong Chiến dịch Không vận Trẻ em 1975 - 2

Sơ Emilienne và Julie năm 2003 (Ảnh do Julie Davis cung cấp)

Ngay lập tức, sơ biết rõ tôi là ai. Sơ rất xúc động và ôm chầm lấy tôi như thể tôi là con của sơ vậy. Sơ nắm chặt tay tôi và muốn giữ tôi ở lại. Với sơ Emilienne, những kỷ niệm từ năm 1975 đã ùa về như chỉ mới xảy ra vào ngày hôm qua.

Sơ nói với tôi rằng tôi đến với trại trẻ mồ côi từ bệnh viện. Khi được đưa đến, tôi vẫn còn chưa được cắt dây rốn. Mẹ tôi đã bị ốm rất nặng. Chính sơ đã cắt dây rốn và đặt tên cho tôi theo họ Nguyễn của sơ.

Ngày về của đứa trẻ trong Chiến dịch Không vận Trẻ em 1975 - 3

Julie và con gái (Ảnh do Julie Davis cung cấp)

Sơ nói rằng kể từ năm 1975, đã có bốn hoặc năm người con khác từ Ghềnh Ráng đã trở lại trại trẻ mồ côi để tìm sơ. Mỗi năm trôi qua, sơ lại tự hỏi tại sao tôi đã không trở lại. Sơ lo lắng rằng có lẽ tôi không bao giờ muốn trở lại nơi đó.

Sơ nói :"Ta đã tự hỏi điều gì đã xảy ra với con trong suốt quãng thời gian đó và hiện tại con đang làm gì? Cuộc sống của con có ổn không? Và con đã lập gia đình chưa?".

Sơ nói rằng, sơ mong một ngày nào đó tôi có thể trở lại sống với sơ tại tu viện. Sơ nói sẽ giúp tôi tìm được một công việc phù hợp. Tôi có một cảm giác ấm áp như đang ở nhà mình vậy.

Sơ Emilienne cảm thấy xúc động hơn tôi, có lẽ vì sơ có rất nhiều điều để nhớ. Tất nhiên, ở thời điểm đó, sơ đã là một người trưởng thành, nhưng nó cũng là một thời kỳ đau thương trong lịch sử Việt Nam. Để nói lời tạm biệt với tất cả các bé trước khi đi di tản là điều rất khó khăn với sơ.

Ngay trước khi Sài Gòn được giải phóng, sơ Emilienne muốn được sơ tán cùng với các bé. Nhưng khi cuộc di tản diễn ra, sơ đã òa khóc và nói rằng sơ không thể đi cùng. Sơ nói rằng có quá nhiều trẻ em ốm yếu bị bỏ lại phía sau - những đứa bé không đủ điều kiện sức khỏe để di tản bằng trực thăng. Cô không muốn bỏ rơi chúng ở lại.

Tôi nhận thấy thấy rằng tôi đã mang ơn sơ quá nhiều.

Sơ thật là can đảm và tận tình vận động sự giúp đỡ từ các tổ chức và chính quyền địa phương để nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi. Sơ đã kêu gọi "Hãy cứu lấy những đứa trẻ". Tôi cảm thấy sơ đã thực sự mở ra đường sống và cho chúng tôi cơ hội. Cô sẵn sàng hy sinh cơ hội của chính mình để dành nó cho chúng tôi.

Chúng tôi trao đổi địa chỉ e-mail và hứa sẽ liên lạc thường xuyên. Sơ muốn xem các bức ảnh từ thời thơ ấu của tôi. Khi chúng tôi lái xe đi, tôi cảm nhận thấy một nỗi buồn khó tả. Và tôi biết rằng phải sau một thời gian dài nữa tôi mới có điều kiện quay trở lại nơi này.

Ngày về của đứa trẻ trong Chiến dịch Không vận Trẻ em 1975 - 4

Trại trẻ mồ côi Ghềnh Ráng nơi Julie từng sống (Ảnh do Julie Davis cung cấp)

Ngày về của đứa trẻ trong Chiến dịch Không vận Trẻ em 1975 - 5

Khu nhà nơi đã từng là trại trẻ mồ côi Ghềnh Ráng vào năm 2003 (Ảnh do Julie Davis cung cấp)

Sau chuyến đi đến Việt Nam đã làm tôi thay đổi suy nghĩ về cách nuôi dạy con cái. Tôi sẽ sống cuộc đời còn lại của tôi như thế nào? Chuyến đi đó chắc chắn đã làm thay đổi cách nghĩ của tôi về chính bản thân và quá khứ.

Trong nhiều năm trước đây, tôi luôn cảm thấy mặc cảm. Tôi đã từng rất xấu hổ vì là một người gốc Việt và tôi cảm thấy xấu hổ vì chỉ là con nuôi.

Nhưng chuyến hành trình trở về Việt Nam và gặp lại sơ Emilienne đã thay đổi cách nghĩ của tôi về chuyện con nuôi và chuyện tôi là một người Việt Nam.

Tôi đã trở về Việt Nam để khép lại một chương trong cuộc đời tôi, một chương mới sẽ bắt đầu. Tôi không biết tương lai của tôi với Việt Nam sẽ ra sao, nhưng tôi biết rằng trải nghiệm này đã giúp tôi nhận ra nhiều điều cùng một lúc, tôi là một người Mỹ, nơi tôi được nhận làm con nuôi, và điều quan trọng nhất, tôi là một người Việt Nam.

Hoàng Nam (Kuow)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan