Người cố ý làm oan cho ông Chấn sẽ phải hoàn trả tiền bồi thường

Ngày 08/06/2015 14:43 PM (GMT+7)

Việc lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao công bố bồi thường 7,2 tỷ đồng cho người tù oan Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) được xác định là số tiền bồi thường lớn nhất từ trước tới nay.

Ông Chấn mong muốn sớm nhận được tiền để trả nợ nhưng nhiều người băn khoăn liệu gia đình ông Chấn có nhận ngay được khoản tiền này hay phải chờ đợi?“Còn nhiều việc phải lo”

Gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn vốn thuộc diện kinh tế khá giả ở thôn Me, xã Nghĩa Trung (Việt Yên, Bắc Giang). Thế nhưng từ ngày ông Chấn vướng vào án oan gia đình ngày càng khánh kiệt.

Người cố ý làm oan cho ông Chấn sẽ phải hoàn trả tiền bồi thường - 1

Vợ chồng ông Chấn đang trông chờ khoản tiền bồi thường để trả nợ.  Ảnh: L.K 

Bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) cho biết, thời gian chồng đi tù bản thân bà vừa phải gánh vác trọng trách trụ cột gia đình, lại vừa phải đằng đẵng 10 năm đi kêu oan cho chồng.

“Trong thời gian tôi đi kêu oan, tài sản trong nhà lần lượt phải bán đi. Kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, con cái nheo nhóc, sớm bỏ học. Rồi tiền trong nhà cũng cạn kiệt, để có tiền tiếp tục đi kêu oan cho chồng, gia đình tôi đã vay mượn rất nhiều. Trong đó, tôi có nhờ bác Hoạt (ông Thân Ngọc Hoạt - anh đồng hao ông Chấn) cầm cố 3 "sổ đỏ" để vay tiền. Nếu lấy được khoản tiền bồi thường, gia đình tôi ưu tiên việc trả nợ trước" - bà Chiến cho biết.

Bà Chiến kể tiếp, mấy năm gần đây, bà bị nhiều bệnh nên phải đi điều trị thường xuyên. Còn ông Chấn sau khi ra tù về sức khỏe cũng suy giảm nhiều. "Thời gian này ông Chấn tiều tụy, không chịu ăn uống mấy. Hai vợ chồng dự định có tiền bồi thường sẽ đi chữa bệnh cho lành lặn, khỏe lại. Còn căn nhà biết là lụp xụp nhưng chúng tôi cũng chưa vội xây nhà mới, bởi lâu nay đã ở thế nên cũng chẳng sao, trước mắt còn nhiều việc phải lo lắm" - bà Chiến tâm sự.

Về khoản tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng, theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Tòa án đang làm các thủ tục để giải quyết. Tuy nhiên khoản tiền này có đến ngay được với gia đình người bị tù oan 10 năm không thì chưa rõ.

Thực tế, việc “chưa rõ thời gian nhận tiền bồi thường” là khá nhiều, xin dẫn một vụ để bạn đọc dễ hình dung. Ở một vụ án oan khác, ông Phạm Đức Bình (SN 1956) ở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được TAND TP. Hà Nội công khai xin lỗi 4.4.2014. Ông Bình bị kết án oan vì hai tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” và “sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa”.

Sau khi TAND TP.Hà Nội xin lỗi, đại diện Tòa đã tiến hành thương lượng với ông Bình về khoản tiền bồi thường. Cũng giống như trường hợp gia đình ông Chấn, để có tiền đi kêu oan ông Bình cũng phải vay mượn khắp nơi. "Tháng 4.2014 tôi và đại diện Tòa thương lượng xong. Đến tháng 11.2014, TAND TP.Hà Nội có Quyết định bồi thường cho tôi khoản tiền 630 triệu đồng. Thế nhưng đến nay đã 7 tháng trôi qua tôi vẫn chưa nhận được đồng nào. Tôi liên tục liên hệ với cán bộ tòa án để hỏi nhưng chỉ nhận được câu trả lời phải chờ" - ông Bình than vãn.

Thành lập hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả

Về khoản tiền 7,2 tỷ đồng bồi thường án oan cho ông Chấn, theo LS Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) thì nhà nước sẽ lấy từ ngân sách chi trả, bởi pháp nhân sai thì pháp nhân phải đứng ra giải quyết trước. Sau đó trong vòng 20 ngày sau khi chi trả tiền bồi thường cho ông Chấn, các cơ quan sẽ thành lập hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.

“Những ai làm oan cho ông Chấn đều bị xem xét trách nhiệm. Trong vụ này ngoài một điều tra viên đã chết, hiện cơ quan tố tụng đã khởi tố và đang điều tra một điều tra viên, một kiểm sát viên của Bắc Giang và một cựu thẩm phán TAND Tối cao. Nhưng cần phải đợi bản án của tòa mới có cơ sở xem xét trách nhiệm của họ" - LS Thanh cho hay.

Theo LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), trường hợp nếu tòa án tuyên các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán có lỗi cố ý trong việc làm oan cho ông Chấn thì những người này sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường cho nhà nước. Trong trường hợp tòa tuyên điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có lỗi vô ý thì họ không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.

Theo báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật" của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Từ 2011 -2014, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp bị oan khoảng trên 30 tỷ đồng. Kết quả giám sát cho thấy qua 3 năm vẫn chưa có trường hợp nào phải bồi hoàn.

Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, sau khi thương lượng thành công với ông Nguyễn Thanh Chấn, Tòa án sẽ ra quyết định giải quyết bồi thường và chuyển giao quyết định cho ông Chấn. 15 ngày sau khi nhận được quyết định, nếu ông Chấn không khiếu nại, khởi kiện thì quyết định sẽ có hiệu lực pháp luật. 

Sau đó, TAND Tối cao sẽ lập hồ sơ và đề nghị cấp kinh phí để chuyển qua Vụ Kế hoạch tài chính của tòa. Sau khi thẩm định hồ sơ, thấy đầy đủ thủ tục, Vụ Kế hoạch tài chính sẽ chuyển hồ sơ qua Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính. Vụ Hành chính sự nghiệp thẩm định tiếp. Hồ sơ hợp lệ thì trong 15 ngày, Bộ Tài chính sẽ cấp phát kinh phí qua tài khoản của TAND Tối cao. 

Trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận tiền, Tòa án sẽ phải chi trả tiền   bồi thường cho ông Chấn.

Theo Lương Kết
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot