Người con gái chạy trốn chữ duyên để phụng dưỡng mẹ già

Ngày 03/05/2015 08:13 AM (GMT+7)

Thương mẹ bị liệt chỉ nằm một chỗ và em trai điên loạn không có ai nương tựa, chị Nguyễn Thị Iêm đã hi sinh hạnh phúc riêng của mình ở nhà chăm em, chăm mẹ.

Ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Iêm (44 tuổi, trú xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam) là căn nhà cấp bốn cũ kỹ, xuống cấp. Trong nhà không có gì ngoài chiếc bàn thờ được quét tươm tất, một chiếc giường ở dưới chái để người mẹ nằm.

Ở gian nhà dưới, chị Iêm đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình. Mời chúng tôi ngồi nhưng chị bối rối vì chiếc ghế nhựa đã cũ lâu ngày chưa chùi bụi.

“Đã rất lâu rồi nhà mới có khách tới chơi, gia đình bao năm quá khó khăn nên không sắm được gì cả” – chị Iêm vội giải thích.

Khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về cuộc sống gia đình và câu chuyện tình cảm, chị Iêm không giấu nổi cảm xúc, hai hàng nước mắt chực lăn dài trên má.

Chị bảo cũng chỉ vì chữ nghèo và hoàn cảnh không cho phép nên chị ở vậy nuôi mẹ và em, không xây dựng cuộc sống gia đình.

Chị Iêm tâm sự: “Gia đình tôi có 3 người, mẹ già bị liệt đã hơn hai mấy năm, còn một người em trai nhưng từ khi sinh ra đã nhận thức không như người bình thường. Mẹ tôi lúc trước có giúp che giấu cách mạng, nhưng rồi cũng không hưởng chế độ gì. Hiện tại, cuộc sống gia đình hoàn toàn dựa vào tiền công tôi đi làm thuê để nuôi mẹ và em…”.

Người con gái chạy trốn chữ duyên để phụng dưỡng mẹ già - 1

Cái nghèo như cái gông cứ đeo suốt cả đời mẹ con chị.

36 năm là hộ nghèo, điều này thật khó tin nhưng đúng là cái nghèo cứ đeo đuổi cả đời mẹ con chị.

Hàng tháng, ba người nhà chị Iêm nhận được khoản tiền trợ cấp 180 ngàn đồng. Số tiền này dùng để đong gạo trong tháng không đủ, chị phải đi làm thuê để kiếm tiền phụ vào chăm lo cho mẹ và em trai.

Khi chúng tôi hỏi về việc lập gia đình, chị Iêm bùi ngùi nhìn sang mẹ là bà Nguyễn Thị Lâm (80 tuổi).

“Vì cha tôi mất sớm, gánh nặng gia đình đặt hết lên trên vai mẹ phải chăm lo cho tôi và người em trai. Năm tôi 20 tuổi cũng có người đến làm quen nói chuyện muốn cưới làm vợ. Nhưng rồi tôi không lập gia đình, cũng vì mẹ, vì em trai và cũng vì cái nghèo túng...” - chị Iêm bùi ngùi.

Hơn 20 năm trước, chị Iêm là một cô gái nết na, thùy mị trong vùng. Chồng mất sớm, một mình bà Lâm phải đi làm thuê khắp nơi, chị Iêm phải thay mẹ chăm sóc cho em trai.

Chẳng may trong một lần đi làm thuê, bà Lâm bị ngã, nghĩ là bình thường nên bà Lâm ở nhà để tự chăm sóc. Tưởng nằm một thời gian sẽ khỏe lại, ai ngờ không được chữa trị, sức khỏe suy yếu rồi bà Lâm dần bị liệt, không đi lại được chỉ nằm một chỗ.

Nhà không có đất đai canh tác, số tiền hỗ trợ 180 ngàn hàng tháng không đủ nuôi cả ba người. Để có tiền mua thuốc, chăm lo cho mẹ và em trai, chị Iêm phải đi làm thuê đủ nghề. Dù cố gắng làm lụng nhưng đã 36 năm qua gia đình vẫn không thoát nổi chữ nghèo vì gánh nặng quá lớn.

Mỗi ngày thức dậy, chị phải lo vệ sinh, tắm rửa rồi cho mẹ và em ăn mới đi làm. Người em trai chị không ổn định về thần kinh nên có khi đi khắp nơi, chị phải đi tìm kiếm. Vì vậy, công việc đi làm cứ bữa được bữa mất, cuộc sống càng thêm vất vả.

Tâm sự về chuyện tình cảm của mình, chị Iêm nói: “Ngày đó, có một số người cũng đến nhà nói chuyện, nhưng tôi để ý anh là một người quê gốc ở xã Tam Hòa. Anh tính tình hiền lành, siêng năng trong công việc. Hai chúng tôi cũng đã nói với hai bên cha mẹ rồi nhưng việc mẹ tôi bất ngờ bị nạn, cuộc sống gia đình khó khăn hơn lúc nào, em trai lại bị bệnh khiến tôi không thể nào bỏ mẹ, bỏ em đi tìm hạnh phúc riêng cho mình”.

Thương chị Iêm, người con trai đó nói sẽ chờ, làm việc để cùng lo lắng cho mẹ của chị. Nhưng chị Iêm không đồng ý, chị không muốn anh chịu khổ cùng mình.

Chị Iêm chia sẻ: “Mẹ tôi bị đau ốm phải nằm một chỗ, em trai tôi lại bị điên loạn. Tôi đi lấy chồng rồi ai sẽ lo lắng miếng ăn, giấc ngủ, ai chăm lo, vệ sinh cho cả hai. Nghĩ tới mà nhiều đêm tôi khóc không nguôi, tôi từ chối anh cũng vì không muốn anh cực khổ cùng mình. Tôi vẫn còn nhớ đó là mưa nặng hạt của tháng 11, cách đây hơn 20 năm. Anh khoác trên mình chiếc áo mưa tìm tới nhà nhưng tôi không ra gặp. Anh vẫn cứ chờ dưới mái hiên nhà. Một ngày, hai ngày rồi một tuần trôi qua như thế, anh đứng đợi mà lòng tôi đau nhói, muốn ra gặp anh, muốn nói rõ tất cả nhưng không thể. Tôi sợ khi ra gặp anh rồi sẽ không thể giữ được cảm xúc của mình, không quyết tâm được nữa. Thế rồi anh cũng không đến nữa, chúng tôi chia tay nhau từ đó…”.

Bà Lâm cho biết, ngày chị Iêm có quen người con trai đó, bà cũng cầm tay dặn dò khuyên con nên tìm hạnh phúc cho mình khiến chị bật khóc.

Bà Lâm nghẹn ngào kể: “Nó nói thương tôi, thương em, con đi rồi ai lo cho cả hai. Chăm lo mẹ suốt đời, mẹ chết rồi con cũng chết theo mà thôi!”.

Sau khi chia tay, chị Iêm lăn mình vào công việc để cố quên đi. Một năm sau anh lấy vợ, còn chị gác hẳn chuyện tìm hạnh phúc riêng cho mình để yên tâm lo cho mẹ và em trai.

Chị Iêm nói: “Đã gần 24 năm qua, mỗi khi nhắc lại chuyện tình cảm ngày đó tôi vẫn ngỡ như là mới xảy ra thôi. Giờ có gặp lại vẫn chào hỏi nhau như người bạn, anh giờ đã có vợ con, gia đình hạnh phúc”.

Tôi hỏi, nếu bây giờ được quay lại ngày hôm đó chị có quyết định khác không? Chị Iêm im lặng trong giây lát nói: “Tôi vẫn sẽ quyết định vậy, bởi bao năm qua, nếu không có tôi cho chăm lo cho mẹ, cho em thì tôi sợ cuộc sống đã cướp đi hai người thân yêu nhất của cuộc đời mình”.

T. Lâm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot