Người Hà Nội phát ốm vì thức trắng đêm chờ nước về

Ngày 21/08/2015 07:37 AM (GMT+7)

Mất nước sạch kéo dài khiến cuộc sống của hàng ngàn người dân thủ đô bị đảo lộn. Người dân phải mua nước bình, khoan giếng lấy nước sử dụng. Nhiều người phát ốm vì thức trắng đêm hứng từng xô nước.

Người dân vẫn “khát” nước sạch

Sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà lần thứ 13 xảy ra ngày 13.8 khiến hàng ngàn hộ dân ở một số quận nội thành Hà Nội như Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm… mất nước.

Người Hà Nội phát ốm vì thức trắng đêm chờ nước về - 1

Người dân đang phải khoan giếng lấy nước sử dụng do bị mất nước kéo dài.

Theo phản ánh của người dân sinh sống tại tổ 1 và tổ 2, làng Phú Mỹ (đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), tình trạng mất nước sạch đã kéo dài gần hai tháng qua khiến cuộc sống của người dân nơi đây đảo lộn, sinh hoạt khó khăn.

Bà Đoàn Xuân Lan (số nhà 27, ngách 52/25/42 đường Mỹ Đình) cho biết: “Từ khoảng cuối tháng 6, gia đình tôi đã bị mất nước. Nhiều hôm 2 vợ chồng thức trắng đêm để canh nước nhưng không được giọt nào. Chồng tôi thức mấy đêm liền, phát ốm gần một tuần mới khỏi”.

Đang xách xô sang nhà hàng xóm xin nước giếng khoan, bà Tâm (tổ dân phố số 2, phường Mỹ Đình 2) chia sẻ: “Không dám xin nhiều vì nhà hàng xóm cũng mất tiền điện chạy máy bơm. Nhiều hôm, có một xô nước mà ba bà cháu phải tắm chung. Anh tắm lại nước của em, bà tắm lại nước của cháu”.

Người Hà Nội phát ốm vì thức trắng đêm chờ nước về - 2

Do không có diện tích đất để khoan giếng, hàng ngày bà Tâm phải đi xin nước nhà hàng xóm

Tương tự, khu vực Khâm Thiên (quận Đống Đa) cũng đã bị mất nước gần 10 ngày nay. Chị Nguyễn Thị Thanh (kinh doanh quán bia địa chỉ 217 Khâm Thiên) cho biết: “Mỗi ngày, tôi mua 100.000 đồng/50 lít nước để sinh hoạt. Đồ nhậu cho khách cũng hạn chế nấu nướng, thiếu nước nên doanh thu cũng giảm đáng kể”.

Trong khi đó, chị Ngân (khu tập thể 5T2 khí tượng thủy văn Hà Nội) nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết, gần một tháng qua, khu tập thể nhà chị bị thiếu nước nghiêm trọng, nửa tháng mới có một lần. Bao nhiêu vật dụng trong nhà như xô, chậu, xoong, nồi… đều được tận dụng để đựng nước. Việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cũng phải hạn chế.

Lý giải việc nhiều khu vực nội thành bị mất nước nhiều ngày qua, chiều 19.8, tại cuộc họp báo Thành ủy Hà Nội, ông Võ Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, khi vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13, Tổng Công ty Cổ phần Nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã đóng van tại điểm đấu cấp nước vào địa bàn của Công ty Nước sạch Hà Nội (khu vực Big C) nên nhiều quận như Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Hoàng Mai đã bị mất nước.

Đến 7h sáng 17.8, Viwasupco mới vận hành van trở lại và duy trì cấp nước, nhưng một số khu vực cuối mạng lưới vẫn gặp khó khăn như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa... 

Khoan giếng lấy nước sử dụng

Trong lúc mòn mỏi chờ nước sạch, nhiều người dân phải thuê thợ về khoan giếng để lấy nước sử dụng.

Bà Đoàn Xuân Lan (tổ 2, phường Mỹ Đình 2) cho biết, hai ngày trước, gia đình bà phải thuê thợ khoan giếng. Nước giếng khoan nhà bà Lan sâu hơn 30m, có mùi tanh nên gia đình bà phải đầu tư thêm một giàn máy lọc nước giá 2,5 triệu đồng để lọc rồi mới sử dụng.

Người Hà Nội phát ốm vì thức trắng đêm chờ nước về - 1

Gia đình cô Đàm Xuân Lan phải khoan giếng, mua máy bơm, máy lọc nước mất hơn 10 triệu đồng để lấy nước dùng.

Bà Tảnh, hàng xóm nhà bà Lan cũng mới khoan giếng xong được hai ngày. Bà chia sẻ: “Đi xin nước mãi cũng ngại vì hàng xóm phải mất tiền điện chạy máy bơm. Với lại, bây giờ hàng xóm khoan hết rồi mình cũng phải khoan lấy một cái, biết đến khi nào có nước sạch mà đợi. Từ hôm mất nước đến nay, xóm tôi đào được hơn 10 cái giếng rồi ”.

Theo anh Đinh Xuân Long - một thợ khoang giếng, ngày trước, mỗi tháng anh chỉ đào chừng 28-30 giếng, chủ yếu là giếng trong các công trường. Tuy nhiên, khoảng một tháng trở lại đây, người dân gọi điện đặt hàng anh Long khoan giếng tăng đột biến.

“Có ngày tôi nhận khoan đến 5-6 giếng. Một tháng gần đây, tôi đã khoan khoảng 100 giếng, chủ yếu là khoan cho các hộ gia đình sử dụng”, anh Long nói.

Mới khoan giếng xong, ông Lê Văn May (tổ dân phố số 2, phường Mỹ Đình 2) cho biết: “Cũng may mắn là chỗ nhà tôi khoan lên còn có nước chứ nhiều nhà khoan đến 2-3 lần vẫn không đúng mạch. Nước giếng có mùi tanh nhưng vẫn phải sử dụng. Mong sao các cơ quan chức năng sớm có biện pháp đưa nước sạch về cho dân chúng tôi sử dụng chứ dùng nước giếng khoan mãi thế này không đảm bảo và nguy cơ mắc bệnh là rất cao”.

Theo Triệu Quang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot