Người phụ nữ ‘trở về từ cõi chết’ vì phá thai

Ngày 21/04/2015 01:09 AM (GMT+7)

Bà tin tưởng vì phòng khám khá tiện nghi, đặt ngay trung tâm TP.HCM và có cả bác sĩ nước ngoài hành nghề.

Nằm trên giường bệnh tại bệnh viện Từ Dũ, bà M.T.M (48 tuổi, tỉnh Bình Dương) vẫn chưa hết sợ hãi trước sự việc vừa xảy ra. Bà cho hay, có hai đứa con đã lớn. Mấy năm gần đây, kinh nguyệt không đều nên nghĩ là đến thời kì tiền mãn kinh.

Đầu tháng 4/2015, bà M cảm thấy bụng lớn bất thường. Bà nghĩ mình bị bệnh nên đến bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức khám. Bà không thể tin nổi khi bác sĩ thông báo bà đang mang thai tuần 16 hoặc 17. Thấy mình đã gần 50 tuổi, sức khỏe có hạn, không muốn sinh thêm nên bà đề nghị với bác sĩ được bỏ đứa con. Bác sĩ cho hay, thai đã quá lớn, không thể phá vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Người phụ nữ ‘trở về từ cõi chết’ vì phá thai - 1

Dù không được quyền phá thai nhưng phòng khám này vẫn thực hiện

Sau đó, bà lên bệnh viện Từ Dũ khám và đặt vấn đề được phá thai. Bác sĩ ở đây cũng khuyên bà không nên phá vì thai quá lớn và từ chối. Về đến nhà, bà buồn bã kể lại sự việc cho một vài người bạn thân biết. Những người này lên mạng tìm hiểu và giới thiệu bà nên đến phòng khám đa khoa Quốc tế tại quận 1 để “xử lý” cái thai.

Bà cho hay, khi được bạn bè giới thiệu, bà khá tin tưởng phòng khám này. Bởi, phòng khám khá tiện nghi, đặt ngay trung tâm TP.HCM và có cả bác sĩ nước ngoài hành nghề. Bà đặt rất nhiều hy vọng vào phòng khám này.

Khoảng 8 giờ ngày 10/4/2015, bà M đến phòng khám đa khoa Quốc tế. Theo bà, khi đến, bác sĩ đồng ý phá thai mà không cần hỏi về giấy tờ. Sau đó, bà được bác sĩ đặt thuốc để lấy thai nhi ra ngoài. Đến chiều cùng ngày, tử cung của bà vẫn không mở. Sau đó, bác sĩ quyết định dùng dụng cụ hút thai. Lúc này, bà rất đau đớn. Khi bà không còn chịu đựng nỗi nữa, phòng khám chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Từ Dũ.

“Rất may là tôi được đưa đến bệnh viện Từ Dũ kịp thời và được cứu sống. Bây giờ tôi vẫn còn rùng mình, sợ hãi khi nghĩ đến thời khắc hôm đó. Đây là bài học lớn cho tôi và tất cả mọi người”, bà chia sẻ.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (Phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ) cho hay, khi bà M được chuyển đến, trong bụng có gần nửa lít máu đen sạm, đầu thai nhi lọt vào ổ bụng làm thủng ruột non, thai nhi bị đứt, tử cung bị thủng mặc sau và tổn thương nhiều chỗ.

Nhận thấy ca bệnh đặc biệt nguy hiểm, một kíp mổ nhanh chóng được hình thành. Đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện phẫu thuật cắt bỏ tử cung và một phần ruột. Ngoài ra, việc tái tạo hậu môn tạm thời cho bệnh nhân cũng đã được thực hiện. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và tạm thời ổn định.

Sau khi sự việc xảy ra, đoàn kiểm tra của Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra phòng khám đa khoa Quốc Tế. Tiến sĩ – bác sĩ Bùi Minh Trạng (chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM) cho hay, trong giấy phép đăng ký, phòng khám này không có chức năng khám và theo dõi thai sản. Đoàn lập biên bản, xử phạt hành chính và tiếp tục điều tra làm rõ các sai phạm.

Trong khi đó, bà Quang Phụng Linh (giám đốc hành chính) cho hay, người thực hiện ca phá thai cho bà M là bác sĩ Lian Xing Fang (Liên Hạnh Phương, 57 tuổi, nguyên quán Hồ Bắc, Trung Quốc). Hiện tại, bác sĩ này đã bị phòng khám tạm đình chỉ công tác. Tuy nhiên, quyết định chính thức đối với bác sĩ này vẫn chưa có.

Người phụ nữ ‘trở về từ cõi chết’ vì phá thai - 2

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết

Được biết, bà Fang là bác sĩ sản phụ khoa có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp, có giấy phép lao động đối với người nước ngoài do Bộ Lao động thương binh và Xã hội cấp. Đại diện của phòng khám thừa nhận bà Fang đã vi phạm chuyên môn chữa bệnh, nội quy phòng khám. Phía phòng khám sẽ thể hiện trách nhiệm đối với bệnh nhân và rút kinh nghiệm sau sai phạm này.

Đây không phải là trường hợp duy nhất về việc các bác sĩ Trung Quốc sai phạm khi sang Việt Nam công tác. Trước đó, vào ngày 29/8/2013, phòng khám đa khoa Apollo (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) cũng bị kiểm tra, 10 bác sĩ người Trung Quốc chạy tán loạn. Tại phòng khám, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều loại thuốc, thiết bị được ghi bằng chữ Trung Quốc, không có đính kèm chữ Việt Nam. Ngoài ra, hồ sơ bệnh án cũng được ghi bằng chữ Trung Quốc. Điều đáng nói, một số nhân sự trong phòng khám được gọi là bác sĩ nhưng không chứng minh được bằng cấp.

Tiến sĩ – bác sĩ Bùi Minh Trạng (Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM) chia sẻ, các bác sĩ nước ngoài đến công tác tại Việt Nam là điều đáng trân quý. Tuy nhiên, họ đến công tác, hành nghề tại nước ta thì phải tuân thủ các nguyên tác, quy định của pháp luật Việt Nam. 

Hiện tại, Bộ Y tế đã gửi công văn đề nghị Sở Y tế TP.HCM xem xét, chấn chỉnh hoạt động hành nghề khám chữa bệnh của các phòng khám và người nước ngoài thực hiện khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Nếu phát hiện có vi phạm phải xử lý nghiêm.

Nhật Luân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot