Nguy cơ bị vô sinh, ung thư vì tinh hoàn nằm lạc chỗ

Ngày 24/06/2016 14:23 PM (GMT+7)

Khi trẻ bị viêm nhiễm đường sinh dục, tinh hoàn nằm lạc chỗ... nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhẹ thì vô sinh, nặng thì ung thư.

Bố mẹ giật mình khi nhận thông báo

Theo kết quả việc khám sàng lọc của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), trong tổng số trẻ tham gia sàng lọc là 2675 trẻ, trong đó chỉ có 1023 trẻ phát triển bình thường (chiếm 38,24%); 465 trẻ (chiếm 17,38%) cần chú ý vấn đề vệ sinh hàng ngày do dính, bán dính bao quy đầu, viêm nhiễm; 1187 trẻ (chiếm 42,29%) cần can thiệp chuyên khoa ở các dạng khác nhau.

Điều đáng nói, khi nhà trường thông báo kết quả khám sàng lọc, nhiều phụ huynh đã giật mình và không tin đó là kết quả của con mình. Chị Trịnh Thị Thơm (Trần Hưng Đạo – Hoàn Kiếm – Hà Nội), một trong số những phụ huynh có con trai 4 tuổi tham gia trong buổi khám sàng lọc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong đợt tháng 5 vừa qua là ví dụ điển hình.

Chia sẻ với phóng viên, chị Thơm cho biết: “Khi mới nhận được tin báo cháu bị hẹp bao quy đầu, gia đình không tin là cháu bị như vậy. Vì thế, ngay hôm sau gia đình đưa cháu đến bệnh viện để kiểm tra và kết luận của bác sĩ đúng như kết quả khám sàng lọc mà nhà trường thông báo”.

Sau khi có kết luận của bác sĩ, gia đình chị Thơm ngay lập tức đã cho cháu làm thủ thuật tiểu phẫu nong bao quy đầu, đồng thời nghe theo hướng dẫn và về nhà làm theo lời dặn của bác sĩ khi vệ sinh bộ phận sinh dục cho cháu.

“Hàng ngày tôi vẫn vẫn vệ sinh cho cháu bình thường, nhưng sau khi bác sĩ hướng dẫn tôi mới thấy từ trước đến nay mình làm sai hoàn toàn. Thực tế, từ trước đến nay tôi chỉ vệ sinh bên ngoài cho cháu chứ không bao giờ rửa kỹ như bác sĩ bảo. Khi làm theo hướng dẫn, 1 tháng sau đi khám lại bác sĩ nhận xét kết quả rất khả quan, vì thế gia đình cũng đỡ lo hơn”, chị Thơm chia sẻ.

Theo chị Thơm, bình thường ai cũng nghĩ vệ sinh bé trai đơn giản, nhưng điều đó là sai lầm, các bác sĩ tư vấn, có những trường hợp khi vệ sinh cho bé trai còn phải cẩn thận hơn cả cháu gái. “Nếu không được khám sáng lọc thì gia đình chúng tôi không thể biết được con bị bệnh và nếu cứ để như vậy không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra khi cháu trưởng thành”, chị Thơm chia sẻ.

Khác với chị Thơm, con chị Hoài đã gần 4 tuổi, trong đợt khám vừa qua cũng bị liệt vào danh sách cần phải can thiệp ngay vì một tinh hoàn của con nằm lạc chỗ. Chị Hoài chia sẻ: “Khi nhận được thông báo, tôi cảm giác như mất đi một cái gì đó, tôi không tin vào những gì mình vừa đọc được.

Quả thật, hàng ngày tôi tắm rửa cho cháu nhưng chẳng mấy khi để ý và sờ chi tiết vào bộ phận đó của con, vì thế khi nhận được thông báo tôi rất bất ngờ”.

Nguy cơ bị vô sinh, ung thư vì tinh hoàn nằm lạc chỗ - 1

Một bé trai đang được nhân viên y tế tư vấn chuẩn bị khám sàng lọc. (Ảnh: Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của quận Hoàn Kiếm)

Ngoài vô sinh còn dễ bị ung thư

Theo kết quả khám sàng lọc của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), trong số 1187 trẻ cần can thiệp chuyên khoa này thì có 56 trẻ cần can thiệp càng sớm càng tốt. Lý do vì 56 trẻ này thiếu tinh hoàn, cá biệt có 16 trường hợp thiếu cả hai bên tinh hoàn.

Đối với trường hợp tinh hoàn ẩn hoặc tinh hoàn lạc chỗ, TS Lê Vương Văn Vệ (Chuyên gia về Nam học và hiếm muộn) cho biết, tinh hoàn được hình thành từ khi còn là bào thai và dần dần tinh hoàn theo ống bẹn tụt xuống bìu vào khoảng tuần thứ 29 đến 30 của thai kỳ.

Trong trường hợp trẻ sinh ra tinh hoàn vẫn nằm trong ổ bụng hoặc bẹn mà không xuống được bìu thì tinh hoàn đó không có khả năng sinh tinh dù cho nó vẫn có khả năng chế tiết được testosteron. Theo TS Vệ, tinh hoàn nằm lạc chỗ cần phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi bệnh nhân được 1 tuổi. Bởi sau một tuổi, tinh hoàn ẩn không thể tự di chuyển xuống bìu được mà bắt đầu có sự thay đổi về cấu trúc và chức năng theo hướng xấu đi.

Qua thực tế khám chữa bệnh, TS Vệ cho rằng, các bệnh nhân bị tinh hoàn nằm lạc chỗ không phải hiếm. Tuy nhiên, họ phát hiện và đến khám khi đã quá muộn không thể đưa về đúng vị trí của nó. Những trường hợp đó chỉ còn các phẫu thuật cắt bỏ để tránh nguy cơ ung thư.

Còn riêng vấn đề trẻ bị viêm nhiễm hoặc hẹp bao quy đầu, BS Nguyễn Thị Nhã – Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện) cho rằng, viêm nhiễm đường sinh dục, dính hoặc hẹp bao quy đầu cũng có thể dẫn đến vô sinh hiếm muộn, bởi điều đó sẽ làm viêm hoặc tắc ống dẫn tinh. Mặc dù tinh trùng được sinh ra, nhưng không xuất được ra ngoài và như vậy là không thể thụ tinh được.

“May mắn là hiện nay công nghệ y học đã có sự phát triển vượt bậc, chỉ cần có vài con tinh trùng trong mào tinh, họ cũng có thể lấy ra và tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm được. Chỉ cần tinh trùng trong mào tinh còn sống là có tỉ lệ thành công”, BS Nhã cho hay.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dấu hiệu vô sinh