“Nhà tù nổi” ngoài khơi Hawaii

Ngày 10/09/2016 08:30 AM (GMT+7)

Người dân Mỹ tiêu thụ loại hải sản chất lượng cao đánh bắt ngoài khơi bang Hawaii không thể ngờ rằng họ đang thụ hưởng công sức của hàng trăm lao động nước ngoài bị trả công rẻ mạt và bị giam hãm trên những con tàu đánh cá nhiều năm trời.

Cuộc điều tra kéo dài suốt 6 tháng của hãng tin AP đã phát hiện khoảng 700 nam giới đến từ Đông Nam Á (chủ yếu là Philippines, Indonesia, Việt Nam) và một số đảo quốc Thái Bình Dương được tuyển dụng làm việc trong đội tàu cá nêu trên (gồm 140 chiếc).

Họ không được bảo đảm những quyền cơ bản hoặc được bảo vệ. Dù không có giấy phép làm việc phù hợp, số ngư dân nước ngoài này vẫn được phép làm việc miễn không đặt chân lên bờ. “Người ta nói các ngư dân không có visa nên không được rời khỏi tàu, họ giống như tù nhân” – Chưởng lý Florence Nakakuni tại Hawaii mô tả.

Điều kiện sống trên những tàu cá được mô tả là “nhà tù nổi” này rất cùng cực. Theo AP, các ngư dân này là minh họa sống động cho nạn nhân của nạn buôn người, căn bệnh lao phổi và tình trạng thiếu ăn. Cá lưỡi kiếm và cá ngừ mà họ bắt được có thể bán với giá 1.000 USD/con, trong lúc tổng giá trị hải sản họ đánh bắt lên đến 110 triệu USD/năm. Tuy nhiên, họ chỉ nhận mức lương bèo bọt 70 cent (khoảng 15.500 đồng)/giờ. Trên một số tàu, họ được trả số tiền ít ỏi 350 USD/tháng.

“Nhà tù nổi” ngoài khơi Hawaii - 1

Ngư dân nước ngoài trên tàu đánh cá Mỹ ở Honolulu trong một lần được phân phát thuốc men và trái cây Ảnh: AP

Những ngư dân này thường ký hợp đồng 2-3 năm, một số liên tục gia hạn và ở lại cả chục năm trên tàu với thủy thủ đoàn gồm 5-6 người. Vất vả là thế nhưng họ có thể mất việc hoặc mất mạng bất cứ khi nào. Chẳng hạn, ngư dân Syamsul Maarif không được trả lương 4 tháng và bị đưa về làng quê ở Indonesia sau khi suýt bỏ mạng vì tàu cá bị chìm hồi đầu năm nay. “Chúng tôi muốn được đối xử như những lao động khác ở Mỹ nhưng chúng tôi chỉ là những con người nhỏ bé” - anh tâm sự.

Theo luật liên bang, công dân Mỹ phải chiếm 75% thủy thủ đoàn trên hầu hết tàu cá thương mại của nước này. Thế nhưng, các nhà lập pháp có uy tín đã hỗ trợ ngành công nghiệp lớn nhất bang Hawaii bằng cách thúc đẩy điều khoản cho phép chủ đánh cá thương mại tại đây miễn chấp hành quy định trên. Các chủ tàu cho biết họ phải tốn khoảng 10.000 USD để đưa 1 ngư dân nước ngoài đến Hawaii.

“Hầu hết số cá đánh bắt và bán ở Hawaii đều xuất phát từ việc bóc lột lao động nước ngoài. Điều này không khác gì hoạt động buôn người được hợp pháp hóa bởi chính luật pháp của chúng ta” - bà Kathryn Xian, người điều hành tổ chức phi lợi nhuận Liên minh Thái Bình Dương ngăn chặn nạn nô lệ (trụ sở ở TP Honolulu, bang Hawaii), chỉ trích.

Theo Lục San
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự