Nhân viên hàng không ‘phù phép’ số tiền ‘khủng’

Ngày 29/09/2014 21:18 PM (GMT+7)

Đây được xem là vụ án hy hữu liên quan đến các công ty hàng không.

Cấu kết “rút ruột” công ty

Công ty China Airlines là công ty cổ phần hàng không quốc gia Đài Loan (100% vốn nước ngoài), hoạt động tại Việt Nam từ năm 1991, có trụ sở ở phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. China Airlines làm đại lý chính thức cho hãng hàng không Mandarin Airlines.

Công ty China Airlines trải qua 8 đời Tổng giám đốc, 8 Kế toán trưởng điều hành và quản lý công ty qua các nhiệm kỳ. Bên cạnh các kế toán trưởng là người Đài Loan, công ty còn tuyển dụng các nhân viên kế toán, thu ngân, trong đó có, Diệp Kinh Chi, Lữ Cẩm Hy (cùng 31 tuổi, ngụ quận 11) và Phó Vi Nhất (41 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh)  .

Vào cuối năm 2011, tổng giám đốc China Airlines tại Việt Nam làm đơn tố cáo đối tượng Hy, Chi, Nhất đã có hành vi thông đồng với nhau chiếm đoạt số tiền 5,7 triệu USD của Công ty China Airlines và 184.000 USD của Hãng hàng không Mandarin.

Nhân viên hàng không ‘phù phép’ số tiền ‘khủng’ - 1

Ba bị cáo đứng nghe tuyên án

Qua quá trình điều tra, công an xác định, ba bị cáo được nhận vào làm thu ngân, kế toán tại công ty ở các thời kỳ khác nhau. Từ năm 1998 đến 2011, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo và chênh lệch tỷ giá thị trường giữa đồng USD và VND với giá do công ty quy định, ba bị cáo rút bớt tiền của công ty ăn chia rồi hợp thức hóa chứng từ nhập vào hệ thống máy tính.

Để che giấu hành vi sai phạm, Chi đã làm sai lệch các chứng từ, đưa số tiền chiếm đoạt vào mục chênh lệch tỉ giá để tất toán. Có khi, các bị cáo còn chiếm đoạt cả tiền mặt rồi bỏ vào ba lô mang ra công viên hoặc Đại lộ Đông Tây chia nhau.

Trong quá trình điều tra, cả ba bị cáo đều cho rằng số tiền mình bị quy kết chiếm đoạt là không chính xác. Chi khai chiếm đoạt 6 tỉ đồng, Hy chiếm đoạt 4,15 tỉ đồng và Nhất chiếm đoạt 480 triệu đồng, tổng cộng chỉ gần 11 tỉ đồng.

Mua siêu xe, gửi tiết kiệm “khủng”

Trong phiên tòa, đại diện China Airlines cho rằng, số tiền bị ba bị cáo chiếm đoạt không phải 5,7 triệu USD và 184.000 USD mà thực chất là hơn 387 tỷ đồng và 90.720 USD. “Sau khi xem xét đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ, chứng từ, phía công ty đã có công văn khai báo với Bộ Công an số tiền thất thoát là 12,428 triệu USD”, vị đại diện khẳng định. Bên cạnh đó, để chứng minh lời mình nói, phía công ty cũng cung cấp thêm ba thùng carton hóa đơn, chứng từ.

Có mặt tại phiên tòa, giám định viên cho rằng con số thiệt hại mà China Airlines đưa ra là không thống nhất. Do China Airlines đưa ra các chứng từ liên quan chứng minh số tiền chiếm đoạt như trên thì phía cơ quan chức năng không thể làm căn cứ để giám định. Do đó, giám định viên chỉ có thể sử dụng các chứng từ của các bị cáo trích xuất từ máy vi tính và thực nhận chiếm đoạt cũng như xác nhận của lãnh đạo công ty trong quá trình điều tra để xác định. Theo giám định, ba bị cáo “rút ruột” 17 tỷ đồng.

HĐXX nhận định, trong phiên tòa, chỉ có bị cáo Nhất là thành khẩn nhận tội. Hai bị cáo Chi và Hy đều phủ nhận lời khai ban đầu. Không chỉ thế, hai bị cáo này còn khai mình bị điều tra viên đánh đập. Họ cũng tố ngược phía China Airlines rằng công ty cho người đánh mình. “Điều này đã vô hình chung, các bị cáo đã tự tước đi tình tiết giảm nhẹ là khai báo thành khẩn của mình”, chủ tọa nói.

Trong hồ sơ cũng xác định Chi đã sử dụng số tiền chiếm đoạt để mua siêu xe. Hy lại gửi nhiều sổ tiết kiệm giá trị hàng tỷ đồng. Người thân của các bị cáo đều thừa nhận đây là số tiền của công ty China Airlines nên chấp nhận nộp lại để khắc phục hậu quả. Trong khi đó, các bị cáo lại khai, đây là số tiền của gia đình nhưng không xác định được nguồn gốc.

Từ những điều trên, Tòa nhận định, hành vi phạm tội của các bi cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và phạm tội nhiều lần nên cần phải xử mức án nghiêm khác. Cuối cùng, Tòa tuyên phạt Chi 14 năm tù, Hy 12 năm tù và Nhất 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Khôi Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự