Nhiều chị em bỏ hàng chục triệu mua sâm không giá trị

Ngày 13/09/2015 07:09 AM (GMT+7)

Chuyên gia chỉ cách phân biệt sâm giả, sâm thật bằng cách bẻ củ, nếu lõi trong suốt, nếm có vị đắng đắng thì có thể đó là sâm thật. Tuy nhiên, đây chỉ là cách nhận biết nhận biết thông thường và không phải ai cũng có thể phân biệt chính xác.

Bát nháo thị trường sâm

Từ trước đến nay, nhân sâm được biết đến là dược liệu quý và có giá trị. Loại dược liệu này hầu như chỉ được những gia đình giàu có sử dụng. Điều đáng nói, thời gian gần đây, giá sâm bắt đầu có dấu hiệu giảm. Khi được hỏi, những người bán hàng thường bảo: “Sâm có nhiều loại. Sâm Ngọc Linh giá cao, còn sâm Hàn Quốc và một số nước khác giá rẻ”.

Theo tìm hiểu, trên thị trường sâm Ngọc Linh tại TP HCM hiện tại đang được bán với giá từ 55 đến 70 triệu 1 kg. Tất cả các cửa hàng được hỏi đều cho rằng: “Đây là sâm rừng, tuổi thọ trên 10 năm, hoạt chất nhiều, giá trị chất lượng lớn”.

Vào vai người cần mua sâm đến một cửa hàng trên đường 3/2, người chủ giới thiệu khá nhiều loại sâm. Nếu không có tiền mua sâm Ngọc Linh thì em có thể mua các loại sâm ngoại. Sâm Nhật có giá 5 triệu đồng 1 kg, sâm Hàn Quốc giá 6 triệu đồng, bạch sâm giá 2 triệu đồng….

Nhiều chị em bỏ hàng chục triệu mua sâm không giá trị - 1

Mỗi cửa hàng chào giá sâm mỗi khác

Tại một cửa hàng khác trên đường Lê Hồng Phong, chủ cửa hàng giới thiệu, đẳng sâm loại 1 năm có giá 500 nghìn đồng, loại 2 năm có giá 850 nghìn đồng và loại 3 năm có giá hơn 1,5 triệu đồng. “Đây là sâm trồng, còn sâm rừng thì giá cao hơn nhiều. Nếu muốn mua sâm rừng thì phải đặt hàng và chờ chừng nửa tháng”, chị này nói.

Đường Hải Thượng Lãn Ông được biết đến là thiên đường của dược liệu tại TP HCM. Khi đến đây, người viết bất ngờ vì giá sâm mỗi cửa hàng mỗi khác. Có những cửa hàng cùng một loại sâm nhưng giá chênh nhau từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

Bất ngờ nhất là sâm khô, giá chỉ khoảng 500 đến 700 nghìn đồng. Theo chúng tôi được biết, 1 kg sâm khô được làm từ 5 kg sâm tươi. 1 kg sâm tươi rẻ nhất 700 nghìn đồng. Vậy, 1 kg sâm tươi nếu bán rẻ nhất giá 3,5 triệu đồng. So sánh đơn giản như thế cũng dễ dàng nhận thấy có nhiều điều đáng ngờ ở đây.

Chủ một cửa hàng tiết lộ: “Em mua sâm thì đừng tham rẻ. Bởi, sâm rẻ là sâm đã bị rút hết hoạt chất. Nếu em muốn rẻ thì trên đường này giá nào cũng có. Thậm chí, có loại sâm trên 10 tuổi, có giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, khi mua về dùng, em mới biết được giá trị như thế nào”.

Coi chừng sâm rác

Chị Lê Thị Giang (quận Tân Phú) cho biết, vài tháng trước, sức khỏe chồng xuống dốc, thường xuyên đau ốm. Nghe người quen giới thiệu, mua sâm về tẩm dưỡng sức khỏe sẽ ổn định. Từ giới thiệu, chỉ bỏ ra 70 triệu đồng mua 1 kg sâm Ngọc Linh. Thế nhưng, cho chồng sử dụng vẫn không có gì khác biệt. Trò chuyện với bạn bè, chị mới biết, có thể sâm mình mua là giả. 

Trong khi đó, anh Nguyễn Duy Hiền (quận Bình Tân) lại mua loại sâm Hàn Quốc với giá 5 triệu đồng 1 kg. Tới khi dùng gần hết, một người bạn đến cho hay, củ sâm anh mua chỉ là sâm rác, rất ít hoạt chất. "Tôi thấy sâm giá rẻ nên chắt bóp để mua. Không ngờ mua phải sâm đểu", anh nói.

Nhiều chị em bỏ hàng chục triệu mua sâm không giá trị - 2

Khi mua sâm cần tìm hiểu kĩ để tránh trường hợp "mất tiền oan"

Một người bạn làm trong nghề đông y cho biết, hiện tại, sâm bán trên thị trường khá nhiều nhưng phần lớn trong số ấy là sâm rác. Gọi là sâm rác, vì sâm chỉ còn rất ít hữu ít.

Anh cho hay, sâm thu hoạch được, giang thương dùng máy ly tâm cho củ sâm quay liên tục với vận tốc siêu nhanh. Lúc này, hoạt chất trong củ sâm sẽ được lấy ra gần hết. Mặc dù vậy, củ sâm vẫn còn dáng vẻ ban đầu. Tức, sâm chỉ còn bã, còn hoạt chất thì ít.

Do lòng tham, giang thương cho xác sâm ngâm vào hóa chất được pha chế đặc biệt bằng đường hóa học. Khi xác sâm đã ngậm đủ nước, giang thương lấy ra, để ráo rồi mang đi tiêu thụ.

Ông Đặng Hùng Chúc (Ủy ban thường trực hội đông y huyện Buôn Đôn – tỉnh Đắc Lắc) được biết đến là người nghiên cứu về sâm. Ông cho hay, sâm thực sự có giá trị khi thời gian "sống" được vài chục năm. Lúc này, sâm mới tích tụ được hoạt chất.

Trong khi đó, sâm bán trên thị trường hầu hết là sâm trồng. Mà thời gian được trồng hầu hết chỉ được vài năm. Do đó, chất lượng của sâm không có hiệu quả cao.

Ông cũng cho rằng, không phải bất kì ai cũng có thể dùng sâm. Đối với những người có sức khỏe bình thường thì không nên dùng sâm. Bởi, nếu khi khỏe đã dùng sâm, đến lúc bệnh tật sẽ nhờn thuốc. Do đó, nếu dùng không đúng thì sẽ phản tác dụng.

Riêng sâm rác được ngâm đường hóa học dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe khi dùng. Tuy nhiên, để mua một kg sâm, người dân thường bỏ ra số tiền rất lớn. Do đó, người dân cần phải tỉnh táo khi mua sâm để tránh tình trạng mất tiền oan.

Chuyên gia này đưa ra cách nhận dạng sâm giả và sâm thật. Bẻ củ ra, nếu lõi trong suốt, nếm có vị đắng đắng thì có thể đó là sâm thật. Tuy nhiên, đây chỉ là cách nhận biết nhận biết thông thường và không phải ai cũng có thể phân biệt chính xác.

Bạch Hưng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự