Nhiều kết quả bất ngờ trong cuộc khảo sát Thông tư 30

Ngày 03/03/2015 11:53 AM (GMT+7)

Với câu hỏi tác động của Thông tư 30 đến việc dạy và học được phản ánh từ những người trực tiếp thực hiện. Có thể thấy, đến 73,3% ý kiến cho rằng các em không chăm chú học như trước. Trong khi đó chỉ có 1,4% cho rằng các em học tốt hơn.

Trong tháng 1/2015, một cuộc khảo sát nhỏ có tên là “Khảo sát mức độ hài lòng về Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT” được thực hiện trên trang mạng xã hội “Chúng tôi yêu giáo dục tiểu học" – một cộng động mạng thu hút gần 22.000 thành viên bao gồm các giảng viên, giáo viên, phụ huynh học sinh, những người làm công tác nghiên cứu… quan tâm đến vấn đề giáo dục tiểu học.

Nhiều kết quả bất ngờ trong cuộc khảo sát Thông tư 30 - 1

Nhiều kết quả bất ngờ trong cuộc khảo sát Thông tư 30 - 2

Khảo sát mức độ hài lòng về Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT.

Nội dung bao gồm 13 câu hỏi, chủ yếu xoay quanh vấn đề hiểu biết bản chất Thông tư 30, hiểu biết về thời gian lao động của giáo viên, tác động của Thông tư đến hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh... Cuộc khảo sát đã nhận được khá đông người tham gia, nhưng chủ yếu là giáo viên vì đây là đối tượng trực tiếp chịu tác động của văn bản này.

Nhiều kết quả bất ngờ trong cuộc khảo sát Thông tư 30 - 3

82,2% số người tham gia khảo sát cho rằng, thông tư 30 là đổi mới cách đánh giá học sinh.

Kết quả cho thấy, hầu hết các ý kiến tham gia khảo sát chỉ nhìn nhận Thông tư 30 dưới một góc độ đổi mới cách đánh giá học sinh, nhưng rất ít ý kiến nhận ra được mục đích ẩn sâu bên trong của Thông tư 30 chính là một cuộc Cải cách giáo dục ở tiểu học. Từ việc thay đổi cách đánh giá sẽ dẫn đến thay đổi cách học tập của học sinh, cách dạy học và quản lý lớp của giáo viên.

Nhiều kết quả bất ngờ trong cuộc khảo sát Thông tư 30 - 4

65,8% cho rằng giáo viên làm trên 40 giờ mỗi tuần.

Theo Thông tư 28/2009 của Bộ GD-ĐT “Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông” thì định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần + 3 tiết chủ nhiệm, nhưng để dạy được 23 tiết như thế, giáo viên cũng phải tốn ít nhất 23 tiết để soạn bài, cùng với các buổi sinh hoạt chuyên môn, thao giảng, dự giờ… Có thể thấy thời gian lao dộng của giáo viên cũng trên 40 giờ (thậm chí có thể 48 giờ/tuần), thông qua khảo sát, chỉ có 65.8% số giáo viên biết rõ điều này còn gần 34% còn lại không hiểu rõ về việc này.

Nhiều kết quả bất ngờ trong cuộc khảo sát Thông tư 30 - 5

Học sinh không còn chăm chú học như trước.

Với câu hỏi tác động của Thông tư 30 đến việc dạy và học được phản ánh từ những người trực tiếp thực hiện. Có thể thấy, đến 73,3% ý kiến cho rằng các em không chăm chú học như trước. Trong khi đó chỉ có 1,4% cho rằng các em học tốt hơn.

Bên cạnh đó, do việc triển khai Thông tư 30 chưa "đến nơi đến chốn" nên giáo viên bị áp lực bởi quá nhiều các loại sổ sách (theo Thông tư 30 sẽ gồm:  a) Học bạ; b) Sổ theo dõi chất lượng giáo dục; c) Bài kiểm tra định kì cuối năm học; d) Phiếu hoặc sổ liên lạc trao đổi ý kiến của cha mẹ học sinh (nếu có); đ) Giấy chứng nhận, giấy khen, xác nhận thành tích của học sinh trong năm học (nếu có). Trong đó sổ theo dõi chất lượng học sinh buộc phải ghi chép gần như hàng ngày, ghi nhận xét và chấm chữa những sai sót của học sinh một cách tỉ mỉ đối với từng học sinh….

Chính vì thế số lượng công việc giáo viên tăng lên (95,2%) và vì thế thời gian của giáo viên dành cho việc hướng dẫn học sinh học tập trên lớp, thời gian tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh bị giảm đi (58.2%).

Nhiều kết quả bất ngờ trong cuộc khảo sát Thông tư 30 - 6

Phụ huynh chủ yếu không đọc nhận xét và không tham gia đánh giá học sinh.

Với 2 câu hỏi liên quan đến sự hợp tác của phụ huynh học sinh trong vấn đề giáo dục con em, có thể thấy rất rõ thực trạng của giáo dục tiểu học hiện nay là việc “giao khoán con em cho nhà trường” chiếm con số 86,3%.

Tương tự như thế, con số 92,5% phụ huynh không tham gia vào quá trình đánh giá học sinh so với 5,5% phụ huynh kết hợp tốt để đánh giá học sinh. Điều này phản ánh rõ sự "thất bại" của Thông tư 30 trong mong muốn phụ huynh học sinh cùng chung tay với giáo viên trong việc đánh giá học sinh.

Thực tế rất ít bậc cha mẹ có thể dành thời gian để đọc các lời nhận xét của giáo viên cũng như tham gia vào việc đánh giá quá trình học tập con em của mình.

Theo giáo viên Phạm Phúc Thịnh, người thực hiện cuộc khảo sát bày tỏ: "Thông qua đây có thể thấy các vấn đề của Thông tư 30 hiện nay đang gặp phải như sau:

Thứ nhất, việc triển khai thông tư 30 quá gấp gáp, vội vàng và gần như không có sự chuẩn bị, nên những người thực hiện và có liên quan chưa thể hiểu được phần “hồn” của Thông tư dẫn đến hiện tượng vừa làm vừa thăm dò, vừa làm vừa ngóng chờ “chỉ đạo” của Bộ Giáo dục. Trong khi đó, bản thân Bộ Giáo dục cũng chưa lường hết được các tình huống thực tế có thể xảy ra, nên có tình trạng nghe ngóng dư luận và đưa ra các chỉ đạo mang tính "chữa cháy" mà không có được sự nhất quán trong chỉ đạo từ Bộ đến Sở, Phòng.

Nhiều kết quả bất ngờ trong cuộc khảo sát Thông tư 30 - 7

Thứ hai, Thông tư 30 mang tinh thần đổi mới, nhưng chương trình, SGK vẫn còn đang là “kiểu cũ”, vì thế sẽ có nhiều sự so le trong quá trình thực hiện. Số lượng công việc, thời gian làm việc của giáo viên tăng lên đột ngột, trong khi đó chế độ chính sách của giáo viên gần như không có gì thay đổi. Điều này cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tâm tư, nguyện vọng của giáo viên thậm chí đến cả những người có liên hệ với giáo viên (chồng/vợ, con …) và khó có được sự ủng hộ của những người này.

Thứ ba, Thông tư 30 là sự học tập tiếp thu từ một số nước có nền giáo dục tiến tiến và hiện đại, mà ở những nền giáo dục đó có những ưu điểm nổi trội : Lương giáo viên đảm bảo mức sống trung bình khá, số lượng học sinh trong một lớp ít, điều kiện cơ sở vật chất vượt trội, phụ huynh học sinh có thời gian quan tâm đến việc học tập của con cái… Trong khi đó, tình hình thực tế của Việt Nam thì gần như ngược lại hoàn toàn. Do đó, khó có thể đem lại hiệu quả mong muốn như từng thấy ở các nước tiên tiến".

Vị này cũng bày tỏ, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu lại Thông tư 30 để có thể đưa ra những thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, bên cạnh đó cần có những thay đổi về chương trình, về quy định sĩ số học sinh trên lớp để tạo điều kiện thuận tiện cho giáo viên làm việc. Quan trọng hơn cả, là cần làm sao để các bậc cha mẹ, xã hội thay đổi về nhận thức, cùng cộng tác gắn bó mật thiết với giáo viên trong việc giáo dục học sinh.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự