Những bệnh nhi suýt tử vong vì 'ăn tóc'

Ngày 10/03/2014 00:12 AM (GMT+7)

Nhiều trường hợp nhập viện vì bên trong có dị vật lớn là búi tóc dày, chiếm gần hết dạ dày. Nếu các bệnh nhi này không được chữa trị kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong.

Thi nhau vào viện vì “ăn tóc”

Trưa 9/3/2014, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) xác nhận, khoa ngoại tổng hợp vừa tiếp nhận, phẫu thuật, lấy trong dạ dày của một bệnh nhân khối tóc khá lớn. Nạn nhân là em T., quê ở tỉnh Long An, vừa tròn 12 tuổi.

Trước đó, vào đầu tháng 2/2014, bé T. thường xuyên đau bụng, nôn ói, gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh Long An. Các bác sĩ ở đây khám và chẩn đoán bệnh nhân bị đau bụng và theo dõi viêm ruột. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian dài, bệnh nhân có dấu hiệu ngày càng nặng nên bệnh viện tỉnh cho chuyển viện lên bệnh viện tuyến trên.

Sáng 27/2/2014, bé T. nhập viện bệnh viện Nhi Đồng 1. Người thân cho biết, cách đây chừng 2 năm, cứ mỗi lần buồn, bé thường bứt tóc cho vào miệng. Gia đình nhiều lần khuyên nhủ, căn dặn nhưng thói quen này vẫn không thay đổi. Cũng từ khi có thói quen “ăn tóc”, bé ăn ít hơn và thường đau bụng từng cơn.

Những bệnh nhi suýt tử vong vì ăn tóc - 1

Búi tóc được lấy ra từ bệnh nhân T.

Ngay sau đó, bé T được đưa đi siêu âm và nhận dạng, bên trong dạ dày có vật kết rắn trong dạ dày kéo dài đến tá tràng. Bé T. tiếp tục được nội soi tiêu hóa và xác định dị vật trong bụng chính là một khối tóc lớn có đường kính 5 cm, dài 10 cm. Do dị vật lớn, không thể lấy ra bằng phương thức nội soi nên bác sĩ đành phải phẫu thuật mở dạ dày lấy búi tóc, đồng thời xác định nạn nhân bị thủng ruột.

Theo các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bé T. không phải là trường hợp “ăn tóc” duy nhất. Trước đây, vào 3/3/2013, bé gái có tên là Đoàn Thụy Anh Th., ngụ tỉnh Đồng Tháp cũng được gia đình cho nhập viện với triệu chứng nôn ói, đau bụng, ăn ít, mệt mỏi… Qua chụp Xquang, siêu âm, nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện một khối tóc nằm gọi lỏn trong bao tử của bé. Ba hôm sau, bé được tiến hành phẫu thuật nội soi lấy búi tóc ra ngoài.

Sau đó khoảng chừng 1 tháng, bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng tiếp nhận bệnh nhân C.N. (5 tuổi) với những biểu hiện tương tự. Tiến hành khám, kiểm tra, bác sĩ phát hiện một búi tóc lớn chiếm 1/3 dạ dày của bé. Sau đó, bác sĩ tiến hành phẫu thuật, lấy ra một búi tóc 200 g. Hiện nay, bé đã ổn định, sức khỏe bình thường.

Trao đổi với chúng tôi, anh L.T.T (bố của N.) cho biết, trước khi nhập viện vài ngày, cháu ăn rất ít, thường xuyên ói mửa, khó chịu. Cứ ngỡ cháu bị đường ruột, vợ chồng anh mua thuốc về uống nhưng vẫn không thuyên giảm. Một hôm, khi cháu đang ngủ, anh phát hiện ở bụng bé nổi lên một cục khá lạ. Anh sờ vào thì phát hiện một khối u lớn.

Đặc biệt, khối u này có thể di chuyển theo tay anh chứ không đứng nguyên vị trí. Lo sợ con gái mắc bệnh nghiêm trọng nên đưa đến bệnh viện. Lúc này, tóc trên đầu cháu đã bị nhổ xơ xác. Ngoài ra, anh còn cho hay, từ khi bé 1 tuổi đã bắt đầu có dấu hiệu nhổ, lượm tóc bỏ vào miệng.

Có thể tử vong vì ăn tóc

Bác sĩ Nguyên Minh Ngọc, phó khoa tiêu hóa, bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, trong quá trình công tác, cũng bắt gặp một số bệnh nhân ăn tóc, nhưng với số lượng lớn như ba bé trên thì khá hiếm. Việc ăn tóc có thể liên quan đến tâm lý chứng bệnh giật tóc (tên gọi là Trichotillomania). Chứng bệnh này thường xảy ra ở các bé gái, chiếm trên 50%. Ngoài ra, các bé có biểu hiện cô đơn, thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình cũng có thể gặp trường hợp ăn tóc. Chứng bệnh này thường bắt đầu từ thời thơ ấu, nhưng đến chừng 10 tuổi mới biểu hiện rõ.

Trong khi đó, bác sĩ Trương Thị Mai Nhàn cho hay, những đứa trẻ ít nhận được sự quan tâm của người thân có thể dẫn đến trầm cảm, giảm nhận thức, gây ức chế và tìm đến cách giải tỏa tiêu cực bằng cách đưa mọi đồ vật bắt gặp vào miệng và tóc cũng không nằm ngoài những điều này. Việc ăn phải những vật không thể tiêu hóa có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Riêng đối với tóc, nếu ăn nhiều, trong khoảng thời gian dài thì có thể dẫn đến tử vong.

Những bệnh nhi suýt tử vong vì ăn tóc - 2

Một búi tóc được lấy ra từ nạn nhân

Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, trưởng khoa siêu âm bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, các phụ huynh nếu nhận thấy con có dấu hiệu nhổ tóc cho vào miệng, đầu tóc có dấu hiệu bất thường, thường xuyên đau bụng, nôn ói, nên đưa con đi siêu âm. Nếu thấy các bé có dấu hiệu bứt tóc thì nên đưa đi khám tâm lý để được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, phụ huynh phải thường xuyên chăm sóc, quan tâm đến các bé.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Công Thoại, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, với những điều ghi nhận ở trên thì chưa thể xác định các bệnh nhân có biểu hiện tâm lý hay không. Để có kết luận cuối cùng cần thiết có sự kết hợp, theo dõi chặt chẽ từ các bác sĩ trực tiếp điều trị.

Nhật Phát
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan