Những cái chết đau lòng vì chuyển giới

Ngày 04/12/2015 00:08 AM (GMT+7)

Đó là câu chuyện của bạn Tố Anh, một người chuyển giới đã chứng kiến 10 người bạn đồng cảnh ra đi chỉ vì không được chăm sóc hậu phẫu tốt sau khi ra nước ngoài phẫu thuật.

Đối với những người chuyển giới, trước ngày Quốc hội thông qua quyền chuyển đổi giới tính (ngày 24/11/2015), ngoài việc họ phải sống dưới sự kỳ thị, sống như những người “vô hình” trong xã hội, thì vấn đề chăm sóc sức khỏe đối với những người muốn được sống thật với giới tính của mình cũng là một vấn đề đáng phải suy nghĩ.

Có lẽ vì những lý do trên, nên khi trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Lương Thế Huy - Giám đốc Chương trình Quyền LGBT (quyền cho người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới) của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã bộc bạch: “Đêm ngày 23/11, nhiều người không thể ngủ vì hồi hộp và tới sáng ngày 24/11 khi Quốc hội chính thức thông qua quyền chuyển đổi giới tính với số phiếu tán thành lên tới 80,77%, chúng tôi đã thực sự bật khóc trong hạnh phúc bởi từ đây, chúng tôi được pháp luật công nhận với đúng giới tính mình mong muốn, được sống và hưởng những quyền lợi với đúng con người thực của mình”.

Những cái chết đau lòng vì chuyển giới - 1

Rất nhiều người thể hiện sự hài lòng sau khi Quốc hội thông qua việc phẫu thuật chuyển giới.

Theo ông Huy, sở dĩ ông nói là: “Được sống và hưởng những quyền lợi với đúng con người thực của mình” là vì trước đó, khi chưa được công nhận, cộng đồng người chuyển giới đã phải trải qua những khó khăn, khó khăn đó chỉ có những người trong cuộc mới có thể hiểu được.

“Trường hợp tôi đã trực tiếp được tiếp xúc đó là bạn Tố An (TP.HCM), người đã chứng kiến nhiều câu chuyện ra đi đáng tiếc của các bạn đồng cảnh ngộ do phẫu thuật chuyển giới đem lại.

Trước đây, do pháp luật Việt Nam không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thậm chí cấm thực hiện phẫu thuật giới tính tại Việt Nam nên Tố An đã phải sang Thái Lan thực hiện phẫu thuật giới tính.

Nhiều bạn bè đồng cảnh Tố An mong muốn chuyển giới đã cố gắng dành dụm tiền để đi ra nước ngoài thực hiện phẫu thuật nhưng vấn đề hậu phẫu rất kém và dẫn tới nhiều chuyện đáng tiếc.

Tố An nhớ mãi không thể quên một lần, có người bạn sang Thái Lan để phẫu thuật từ nam sang nữ nhưng tới khi về Việt Nam, bạn đó bị nhiễm trùng xuất huyết bộ phận sinh dục. Tố An đưa bạn vào viện cấp cứu khi cơ thể đã mất quá nhiều máu, cái chết cận kề.

Khi tới nơi, bạn ấy được cấp cứu tận tình nhưng sau đó, trình bày nguyên nhân để kê bệnh án, phía bệnh viện đã ngần ngại bởi điều này chưa được cho phép trong luật. Nếu đúng luật, bạn đó phải quay trở lại Thái Lan, nơi phẫu thuật ban đầu để điều trị.

Và Tố An cũng kể cho tôi rằng, bạn ấy đã phải chứng kiến tới 10 người bạn đồng cảnh ra đi chỉ vì không được chăm sóc hậu phẫu tốt do ra nước ngoài phẫu thuật…

Tố An cũng cho biết, sau khi ra nước ngoài làm phẫu thuật trở về Việt Nam có một ngoại hình như mong muốn, nhưng lại khác với giới tính trên giấy tờ nên những người phẫu thuật chuyển giới vẫn là những người vô hình trong xã hội, không được công nhận nhân thân, giới tính mới và trở thành “người vô hình” sống ngoài sự thừa nhận của pháp luật.

Không thể làm chứng minh nhân dân, không thể mua bán, đăng ký tài sản như (xe máy, nhà đất…) và thậm chí cũng không thể mua vé máy bay”, ông Huy kể lại.

Từ câu chuyện trên, vị giám đốc trẻ cho biết, nếu lần này Quốc hội không thông qua, những người chuyển giới không được thừa nhận thì những cơ sở y tế ở Việt Nam không được can thiệp. Như vậy, những nhiều người chuyển giới sẽ vừa bị “chết oan”, vừa không được sống thật với giới tính của mình.

Từ câu chuyện trên, phóng viên có đặt câu hỏi, đối với con người dù là ai, nhưng khi mắc bệnh thì bác sĩ không bao giờ được từ chối, đặc biệt là những trường hợp cấp cứu?

“Chúng tôi cũng thắc mắc về vấn đề đó và chúng tôi đang làm một khảo sát về việc, có bao giờ bệnh viện biết bạn là người chuyển giới mà không cấp cứu không? Hiện chúng tôi đang tổng hợp lại kết quả”, ông Huy trả lời.

Cuối cùng, khi nói về việc được Quốc hội thông qua và công nhận quyền chuyển đổi giới tính, ông Huy cho biết: “Khi được pháp luật thừa nhận và được thực hiện đầy đủ quyền công dân, giảm được vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người chuyển giới

Đồng thời sẽ được thực hiện phẫu thuật chuyển giới, chăm sóc y tế kịp thời tại các cơ sở y tế trong nước. Đặc biệt là sẽ hạn chế người chuyển giới đi nước ngoài, giảm chi phí và rủi ro do phẫu thuật chui”.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện về người chuyển giới