Những công xưởng chế “thần dược” từ phế phẩm

Ngày 04/02/2015 09:14 AM (GMT+7)

Thực tế phá án, có vụ các đối tượng khai, trực tiếp sản xuất bột thực phẩm chức năng (TPCN) ở trong nước, nguyên liệu có thể là bột sắn hoặc các loạt bột khác không rõ nguồn gốc.

Trung tá Vũ Công Chí, Đội phó đội Chống hàng giả (PC46, Công an TP.Hà Nội) cho biết:  Thời gian qua, rất nhiều trường hợp thực phẩm chức năng (TPCN) bị quảng cáo quá lên về công dụng chữa bệnh khiến nhiều người nghĩ rằng đó là “thần dược”, nhu cầu thị trườngngày càng tăng. Hơn nữa, kinh doanh mặt hàng này rất có lãi nên nhiều đối tượng đã nghĩ ra cách để gian lận hoặc làm giả TPCN để tung ra thị trường. Công an Hà Nội đã bắt nhiều vụ TPCN giả, trong đó vụ hơn 10 tấn bị bắt hôm 24/1 có khối lượng lớn nhất.

Thực tế phá án, có vụ các đối tượng khai, trực tiếp sản xuất bột TPCN ở trong nước, nguyên liệu có thể là bột sắn hoặc các loạt bột khác không rõ nguồn gốc. Sau đó, đặt hàng nhiều “đầu mối” khác, mỗi nơi đảm nhiệm một công đoạn như sản xuất vỏ hộp, vỏ thuốc con nhộng, tem chống hàng giả, giấy chứng nhận đúng hãng... Cuối cùng, đối tượng đầu vụ sẽ “chập” lại để đóng gói hoàn thiện các loại TPCN này để bán ra thị trường. Cũng có vụ, các đối tượng nhập nguyên liệu TPCN, vỏ hộp, máy dập nắp hộp, nhãn mác... từ Trung Quốc về Việt Nam, rồi mới đóng hàng mang đi bán. Nhiều viên TPCN khi bị phát hiện đã ẩm mốc, hết hạn sử dụng từ lâu.

Một thủ đoạn vô cùng tinh vi, nhằm tránh bị phát hiện, nhóm đối tượng thường giao hàng cho các hiệu thuốc và chợ thuốc ở địa điểm đã hẹn trước mà không giao dịch trực tiếp tại kho hàng. Theo lời khai của các đối tượng, giá thành của một hộp TPCN giả chỉ khoảng vài chục nghìn đồng, thế nhưng khi bán ra thị trường, giá được “hét” lên tới cả triệu đồng. Vậy thì liệu có đảm bảo được chất lượng hay không?

Việc các đối tượng sản xuất, buôn bán TPCN giả là hành vi rất đáng lên án. Mới đây, lực lượng chức năng cũng bắt một số vụ các đối tượng sản xuất, buôn bán TPCN giả chủ yếu dành cho bà bầu, trẻ em còi xương, người già yếu... Đơn cử, khi cơ thể người ta đang rất cần bổ sung một loại vi chất nào đó mà chẳng may mua phải hàng giả, lượng vi chất đó không được bổ sung kịp thời thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, vì lợi nhuận khủng mà các đối tượng đã “bán rẻ lương tâm”.

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế): Còn quá nhiều lỗ hổng pháp lý!

Những công xưởng chế “thần dược” từ phế phẩm - 1

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục ATTP (bộ Y tế).

Hiện nay, luật pháp chưa có những quy định cụ thể chặt chẽ về sản xuất, kinh doanh và công bố của TPCN, trong khi đây lại là sản phẩm sức khỏe, đòi hỏi những điều kiện khắt khe. Chính điều này tạo ra nhiều khó khăn trong việc quản lý, khiến nhiều doanh nghiệp lợi dụng “kẽ hở” để sản xuất TPCN kém chất lượng và quảng cáo “thổi phồng”.

Cũng do lợi nhuận từ việc bán TPCN rất lớn, kinh doanh mang lại nhờ lợi nhuận cao nên mặt hàng này là “miếng mồi ngon” cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng giả. Hơn nữa, việc xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, chưa có một định lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng đối với mỗi mặt hàng TPCN. Hiện tại, tất cả TPCN khi công bố đều dựa vào kết quả kiểm nghiệm trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, các chất có hoạt tính sinh học chưa định lượng được trong các cơ sở kiểm nghiệm chất lượng. Do đó chưa đo lường được hàm lượng của các chất có hoạt tính sinh học.

Bên cạnh đó, ở nước ta vẫn thiếu các cơ sở pháp lý của các nghiên cứu khoa học dược động học, độc học, thử nghiệm lâm sàng chứng minh tác dụng của hoạt chất sinh học có trong TPCN. Chính vì thế khó lượng hóa được tác dụng, độc tính, thời gian bán hủy của các chất có hoạt tính sinh học trong TPCN. Việc để doanh nghiệp tự công bố công dụng của sản phẩm cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp “thổi phồng” công dụng của TPCN. Việc thử nghiệm lâm sàng cũng không bắt buộc cũng chính là một trong những “đầu mối” để TPCN dễ bị làm giả.

Theo quy định quốc tế, điều kiện cơ sở sản xuất TPCN phải hội đủ các yếu tố: Cơ sở, trang thiết bị, con người, quy định, phòng thí nghiệm kiểm nghiệm, nguyên liệu an toàn. Thực tế ở Việt Nam, điều kiện sản phẩm lưu hành cũng chưa có quy định chặt chẽ. Lẽ ra, trước khi sản phẩm lưu hành phải đánh giá chất lượng, tính an toàn của sản phẩm.

Theo V.Hậu – N.Giang – A.Văn – N.Hường
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot