Những dịch vụ vừa "sốt" vừa "hốt bạc" sau Tết

Ngày 20/02/2013 20:00 PM (GMT+7)

Thuê người giúp việc, làm đẹp, gửi mai đào.... là những dịch vụ sôi nổi nhất trong những ngày đầu xuân năm mới.

Dịch vụ thuê người giúp việc sốt sình sịch

Sau Tết Nguyên đán, nhiều gia đình tại Hà Nội đổ xô đến các trung tâm môi giới người giúp việc (Ôsin) để đăng ký tìm người giúp việc. Dù phí môi giới tăng cao nhưng cung vẫn không đủ cầu do nhiều người làm nghề này chưa muốn đi làm vì nhiều lý do khác nhau khiến dịch vụ người giúp việc trở nên đắt hàng.

Tại nhiều cơ quan, công ty, doanh nghiệp, sau những lời chào hỏi, chúc tụng đầu năm mới là việc nhờ nhau tìm hộ người giúp việc.

Chỉ trong vòng một buổi chiều, trung tâm giới thiệu việc làm trên phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội đã tiếp nhận hơn 15 hồ sơ cần tìm người giúp việc. Chị Thùy Linh, nhân viên ở đây cho biết: "Ra Giêng, nhiều gia đình muốn mướn người giúp việc để đỡ đần. Vì nhiều osin về quê ăn Tết rồi không lên hoặc đòi tăng lương cao quá nên chủ nhà phải đi tìm người mới".

Những dịch vụ vừa quot;sốtquot; vừa quot;hốt bạcquot; sau Tết - 1
Kiếm người giúp việc ngày Tết rất khó (ảnh minh họa).

Nhân viên này cho biết thêm, thuê osin vào thời điểm trước và sau Tết đều không dễ. Thông thường, khách hàng phải chờ từ 5 ngày đến một tuần mới tìm được người ưng ý. Theo đó, phí dịch vụ cũng đắt hơn, từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng cho một vụ giới thiệu thành công, tùy theo sự đòi hỏi khắt khe của chủ nhà. Thậm chí, trong thời gian chờ đợi, không ít chủ nhà chấp nhận thuê osin theo giờ với giá khá cao, khoảng 100.000-150.000 đồng mỗi giờ.

Ngoài lý do người giúp việc trẻ ham vui, người già bận hội hè, nhiều người khác tìm được công việc tốt hơn hoặc cố tình làm cao để được tăng lương. Trong khi đó, đa số các trung tâm giới thiệu việc làm hiện nay đều chỉ ký kết với khách trong khoản giới thiệu người, còn thời hạn làm việc là do chủ nhà và người giúp việc tự thỏa thuận. Trong khi đó, hầu hết người giúp việc không muốn bị ràng buộc nên rất hiếm người yêu cầu ký hợp đồng. Chủ nhà khi mới thuê cũng muốn tìm hiểu nết ăn, nết ở của người làm nên cũng không đề cập đến vấn đề này.

Gửi đào, mai sau Tết đắt hàng

Theo các chủ vườn ở quận 12, Thủ Đức, huyện Hóc Môn - TPHCM, bắt đầu từ mùng 6 Tết, khách đã rộn rịp đưa mai đến gửi. Tùy theo thỏa thuận mà chủ vườn cho người đến tận nhà chở mai hoặc khách đem cây đến gửi.

Ông Thành, chủ vườn mai Minh Thành ở xã An Phú Đông, quận 12, cho biết khách quen đã liên lạc gửi mai từ mùng 4, mùng 5 Tết nhưng đến mùng 6 ông mới khai trương và nhận tại vườn. Người gửi mai phần lớn là khách cũ từ nhiều năm nay.

Chị Hồng, nhà ở đường Lạc Long Quân, quận 11, cho biết mỗi năm chị đều gửi mai cho các chủ vườn chăm sóc. Riêng năm ngoái, chị để mai ở nhà tự chăm sóc nhưng hoa lại không nở được như ý. Tết đến, chị lại phải đi mua chậu mai khác về chưng, vì thế năm nay, chị phải đem cả 2 chậu đi gửi. Năm ngoái, chị gửi 1 chậu mai với giá 1 triệu đồng. Năm nay, chủ vườn mai vẫn lấy giá này nhưng chị phải tự mang đến.

Một số chủ vườn cho biết giá dịch vụ chăm sóc mai cũng tùy theo khách, tùy theo giá trị của cây mà họ nhận gửi. Bởi khi nhận mai, chủ vườn phải làm hợp đồng trách nhiệm, nếu để cây chết hoặc không ra hoa như ý thì phải bồi thường giá trị đến 70% hoặc thế chậu khác cho khách chưng Tết. Chị Quyên, chủ vườn mai Lê Sang, quận 6, kể: Năm ngoái do năm nhuận nên tỉ lệ mai ra hoa đẹp chỉ đạt 70%-80%, vì vậy chị phải bù cho nhiều khách hàng các chậu mai khác.

Chưa kể do năm nhuận nên chi phí chăm sóc lại cao hơn, tính ra tiền lãi không đủ bù chi phí. “Tôi định năm nay tăng giá 5%-10% nhưng nhiều khách quen lại than phiền khó khăn. Hy vọng năm nay  thời tiết sẽ thuận lợi hơn cho việc chăm sóc, tỉ lệ mai ra hoa cao, đẹp… và chủ vườn sẽ có lãi khá” -  chị Quyên  mong mỏi.

Dịch vụ làm đẹp rủ nhau chặt chém

Để “tân trang” ở đâu để cải thiện vẻ "xác xơ" vì ăn chơi thả phanh ngày Tết, nhiều chị em đổ xô đi làm đẹp đầu năm. Chính vì thế mà dịch vụ này trở nên hót, các chủ cửa hiệu ra sức chặt chém.

Nhiều tiệm làm đẹp như gội đầu, làm nail đều tăng giá từ 20% - 50% trong những ngày đầu năm mới. Biết được nhu cầu làm đẹp của chị em sau Tết khá cao nên nhiều tiệm nail, salon làm tóc, spa… vẫn giữ mức giá cao như trước Tết với đủ các lý do.

Những dịch vụ vừa quot;sốtquot; vừa quot;hốt bạcquot; sau Tết - 2
Nhiều cửa hàng làm đẹp thi nhau chặt chém khách dịp ra Tết (Ảnh minh họa)

Chị Ngọc Khánh, nhà ở Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM), cho biết chị phải đến công ty khai trương vào mùng 6 Tết. Vì thế, mùng 5 chị đi làm lại tóc, móng tay, chân…

Đến một salon làm tóc, nail quen thuộc trong khu Phú Mỹ Hưng, chị mới 'tá hỏa' bởi giá dịch vụ ở đây đã tăng lên gấp đôi so với ngày thường.

Giá làm móng tay - chân từ 120.000 đồng nay tăng gấp đôi, lên 240.000 đồng. Còn gội đầu, sấy tóc từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng.

Thắc mắc thì chủ salon nhỏ giọng: 'Chị thông cảm. Do đầu năm, nhân viên nghỉ Tết chưa lên nên phải chia nhau ra làm. Ít ngày nữa tiệm của em sẽ hạ về giá cũ' - chị Ngọc Khánh bức xúc.

Không chỉ các tiệm làm nail, tóc có điều kiện 'chém' những ngày đầu năm, mà một số spa cũng không 'tha' cho khách.

Rạp chiếu phim hốt bạc

Sau Tết, giới trẻ có rất nhiều thú tiêu khiển nhưng một trong các địa điểm được ghé thăm nhiều nhất chính là rạp chiếu phim.

Những dịch vụ vừa quot;sốtquot; vừa quot;hốt bạcquot; sau Tết - 3
Dòng người đứng chật kín tại các làn xếp hàng chờ mua vé.

Trong 2 ngày đi làm đầu tiên của năm Quý Tỵ, các rạp chiếu phim đã đón số lượng rất lớn dân công sở và giới học sinh, sinh viên. Dù là trong giờ hành chính, lượng người tới rạp vẫn đông.

Mặc dù Trung tâm chiếu phim Quốc gia đã tăng giá vé lên 45.000 đồng (vé thường) và 55.000 đồng (vé VIP) từ 1/2/2013 nhưng mức tăng này dường như không hề ảnh hưởng tới tâm lý khách hàng. Điều đó được thể hiện rõ khi vé VIP thường được bán hết trước.

Tình trạng đông đúc cũng diễn ra phổ biến ở nhiều rạp chiếu phim khác. Dù mới đi vào hoạt động từ năm ngoái nhưng Megastar ở Tây Sơn vẫn đông nghịt khách đứng ngồi chờ mua vé và chờ tới giờ vào rạp.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan