Những đứa bé suýt bị chôn sống theo mẹ

Ngày 30/07/2013 06:44 AM (GMT+7)

Khi họ vừa đến nơi thì cũng vừa lúc người ta sắp sửa cho hai cháu bé vào quan tài và đóng nắp lại. Bất chấp luật làng, các anh chị đã lao vào, giật hai cháu lại từ trên tay một người phụ nữ.

Cho vô hòm theo mẹ để nó bú!

Đó là câu chuyện xảy ra vào cái đêm hãi hùng nhưng cũng đầy may mắn cách đây 14 năm, ngày 06/10/1999. Y Phắc ở làng Đăk Tang (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) người dân tộc Xơ Đăng, năm đó mới 36 tuổi nhưng đã đẻ con tới 7 lần.

Làm rẫy một năm chỉ có một mùa không đủ ăn, mà lại đẻ nhiều quá, nên Y Phắc ốm nhách, héo queo như cây lúa thiếu nước. Không đủ ăn nên đứa nhỏ trong bụng của Y Phắc cũng đói. Có hai lần, Y Phắc đẻ ra hai đứa nhỏ xíu chỉ bằng con chó con. Nó yếu quá, chưa kịp khóc thì đã chết.

Những đứa bé suýt bị chôn sống theo mẹ - 1

 Hai cháu Ngọc Linh (đánh dấu X) đang ăn cơm tại Trung tâm BTTXH Kon Tum.

Lần này Y Phắc đẻ ra không phải một, mà tới hai đứa lận! “Trời ơi! Chỉ có con heo, con chó mới đẻ ra được nhiều đứa, chớ người thì đâu có đẻ nhiều đứa được? Vậy nó là con ma, con gì chớ không phải con người rồi!”. Nhiều người trong làng la lên. Họ chạy từ trong làng ra tới tận rẫy, nói nhỏ vào tai nhau: “Con Y Phắc nó đẻ ra ma rồi! Làng mình bị con ma nó về rồi! Coi chừng chớ nó bắt nhiều người chết, rồi nó làm cho cây lúa không có hột, cây mì không có củ, con heo con gà bị chết, làng mình bị đói, bị bệnh mất!”. Nỗi kinh sợ loang ra khắp cả làng Đăk Tang.

Y Phắc đẻ con xong, máu từ trong người cứ chảy ra miết. Những người đàn bà trong làng đã lấy đủ thứ lá thuốc về nấu cho uống mà máu vẫn cứ chảy không hết được. Chảy đúng một ngày đêm, Y Phắc không còn sức nữa. Y Phắc lịm đi, kêu cũng không nói, ai lắc cũng không dậy. Rồi lần lần con mắt nhắm lại, cái mũi cũng không thở nữa. Y Phắc chết.

Y Phắc chết, cả làng sợ lắm. “Con Y Phắc đẻ ra con ma, con ma đã bắt Y Phắc đi trước. Rồi lần lần nó bắt tới những người khác trong làng mà thôi!”. Mọi nỗi kinh sợ dồn lên hai sinh linh bé nhỏ đang khát sữa mẹ, khóc oe oe trong đống vải rách rưới dơ bẩn.

“Phải cho nó theo mẹ nó thôi, nếu để nó sẽ gây thêm nhiều cái họa cho làng”, già làng A Beo nói với dân làng.

Cha đứa bé, A Dáp, sợ quá. A Dáp thương con lắm. Nhưng lời già làng đã nói ra thì không sai, không ai dám cãi. A Dáp muốn xin làng đừng giết hai đứa nhỏ, nhưng rồi cũng sợ lỡ sau này nó làm cho làng mang nhiều tai họa thì biết làm sao? Đêm đó A Dáp khóc hết nước mắt.

Theo tục làng, con ma nó sống vào ban đêm, nên muốn giết nó thì phải giết trước khi trời sáng. Chỉ chờ tới gần sáng là sẽ cho luôn hai đứa nhỏ vô hòm, rồi đưa ra rìa làng chôn.

Nhưng hai cháu bé này đã gặp may hơn bao đứa trẻ khác cùng hoàn cảnh. Sinh mạng hai cháu bé đã thoát được lưỡi hái của tử thần. Chỉ cần các anh chị ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Kon Tum chậm trễ vài phút, là các cháu đã không có mặt ở ngày hôm nay.

Hai cháu được đặt tên là Ngô Võ Ngọc Linh và Hà Dương Ngọc Linh. Họ được lấy theo hai vị lãnh đạo thuộc vào hàng cao nhất của tỉnh ngày ấy, nhận làm người đỡ đầu cho hai cháu, còn tên đặt theo ngọn núi cao ngất, là nóc nhà Tây Nguyên chở che cho những tộc người của vùng đất này. Về sau này khi hai cháu đến trường, được làm giấy khai sinh chính thức lấy họ cha, đổi tên lại là A Ngọc Linh Anh và A Ngọc Linh Em.

Một tập tục lạ lùng

Dưới chân ngọn núi Ngọc Linh cao 2.596m so với mặt nước biển, hàng trăm năm qua người Ba Na, người Xơ Đăng, người Ê Đê, người Dẻ Triêng và bao nhiêu tộc người đã sinh ra, được ngọn núi cao vòi vọi che chở, nuôi dưỡng, lớn lên, tạo nên những nền văn hóa đặc sắc của một vùng đất. Nhưng cùng với những nét văn hóa độc đáo ấy, từ thuở hoang sơ cũng đã hình thành nên những tập tục nặng nề đè nặng lên đời sống của con người, mà trong đó việc chôn con theo mẹ là một tập tục khủng khiếp.

Những đứa bé suýt bị chôn sống theo mẹ - 2

Y Dằn, người đã có công cứu hai cháu bé Ngọc Linh, và A Dáp.

Bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, ngày đó là Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum, cho biết, xuất phát của tục này cũng từ chế độ mẫu hệ trong cộng đồng người đồng bào dân tộc ít người. Người phụ nữ sinh con và phải đảm trách công việc nuôi con, vì vậy khi người phụ nữ chết, đứa bé không ai nuôi nên phải chôn theo mẹ để nó được bú. Quan niệm của người đồng bào dân tộc là sau khi chết, người nằm dưới mồ vẫn còn sống. Chính vì vậy mới có tục cho người chết ăn từ khi mai táng cho đến khi làm lễ bỏ mả mới thôi.

Khi mai táng người chết, một số tộc người Tây Nguyên vẫn cắm cái ống tre một đầu thông vào quan tài dưới huyệt mộ, một đầu để nhô lên khỏi mặt đất. Hàng ngày, người sống vẫn mang cơm ra mộ, trút vào ống tre cho người nằm dưới mộ ăn. Đến khi nào làm lễ bỏ mả, mới hết cho ăn, và ngôi mộ không bao giờ được thăm nom, được nhắc tới nữa.

Chính vì quan niệm sau khi mai táng người vẫn còn sống, nên khi người phụ nữ sinh con mà chết đi, thì người ta cho cháu bé vào hòm theo mẹ để nó bú! Hoặc khi người con gái trong làng không chồng mà có thai, làng phạt heo bò rất nặng, rồi phải ra bìa rừng dựng chòi mà ở, vượt cạn một mình. Không thuốc men, không bà đỡ, có khi cơm gạo cũng không. Rồi gió, rồi mưa, rồi tối lửa tắt đèn…, nên đa số bà mẹ đều chết sau khi sinh. Đứa bé thiếu may mắn sinh ra không cha, không người nuôi, nên tốt nhất là cho theo mẹ để mẹ nó nuôi!

Một số tộc người ở Tây Nguyên còn cho rằng, nếu đứa bé mà sống, thì sau này mẹ nó là con ma sẽ theo về làng, quấy phá, gây ra tai họa, dịch bệnh, khiến trâu bò heo gà và con người sẽ chết. Vì vậy phải chôn đứa bé để mẹ nó không về làng tìm nó, làng sẽ không bị con ma quấy phá. Riêng việc sinh đôi sinh ba, dù người mẹ không chết thì những đứa trẻ vẫn không thoát khỏi cái chết. Nếu đẻ ra một lúc nhiều đứa, thì đó là con ma chứ không phải là con người, nên cần phải giết đi để trừ họa cho làng.

Ông Phạm Châu Tuệ ngày đó là Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Kon Tum, kể rằng trước kia ở một số vùng khi sinh đôi người ta sẽ bóp chết, hoặc hoặc cột chung hai đứa bé lại rồi dùng xà gạc chặt đứt đôi, hoặc lấy nhau thai đắp lên mặt cho ngạt thở chết, hoặc có lúc người ta quẳng các cháu ra rừng cho thú ăn thịt.

Những điều nghe cứ tưởng như trong các truyện cổ tích từ xửa từ xưa, nhưng hóa ra nó lại là sự thực, hiển hiện ngay trên vùng đất giàu bản sắc văn hóa này, từng ngày từng giờ đe dọa các sinh linh bé nhỏ.

Chính vì vậy, hai anh em Ngọc Linh được cứu sống là cơ may muôn một. Hai cháu đã có được sự may mắn hơn bao nhiêu cháu bé khác, giờ đây được nuôi dưỡng, học hành tử tế, quả là điều kỳ diệu.

Những người chống lại luật tục

Chúng tôi về làng Đăk Tang, nơi đã xảy ra câu chuyện lạ lùng và được biết, sự kỳ diệu giúp hai cháu bé thoát khỏi cái chết trong gang tấc hoàn toàn không phải là một thế lực siêu nhiên, một cơ may thần bí nào, mà cũng chính từ con người. Đó chính là Y Dằn, người em gái của A Dáp, cô của hai đứa bé. Giữa một ngôi làng còn đầy rẫy những hủ tục đeo bám, đè nặng lên cuộc sống con người, bà như đốm lửa lóe sáng bất chợt soi rọi vào vùng đầy u mê tăm tối này. Bà chính là cứu tinh, đã đưa hai đứa bé từ cõi chết trở về với cuộc đời.

Những đứa bé suýt bị chôn sống theo mẹ - 3

Hai cháu Ngọc Linh đang xem ti vi

Thấy anh trai mình vật vã khóc than, nhìn hai cháu bé sắp sửa bị cho vào hòm, bà cũng vừa lo sợ, vừa đau lòng không khác gì người cha đứa bé. “Làm sao để cứu nó khỏi chết?”, câu hỏi cứ luẩn quẩn mãi trong đầu Y Dằn. Mang nó đi giấu thì bà không dám, vì làng mà biết được thì họ cũng sẽ xử phạt bà rất nặng. Mà có giấu được thì rồi sau này làng biết cũng sẽ giết. Chợt một ý nghĩ lóe lên: “Nhờ người khác cứu đem đi!”.

Những năm tháng chiến tranh, bà có tham gia lực lượng du kích, nên có quen biết một số cán bộ người Kinh. Vậy là suốt đêm đó, bà một mình chạy bộ mấy chục cây số từ làng Đăk Tang ra thị trấn Đăk Tô. Bà đến nhà một cán bộ quen biết cũ, hớt hơ hớt hải vừa kể vừa khóc. Người cán bộ này đã gọi điện thoại về Trung tâm Bảo trợ xã hội Kon Tum. Ngay lập tức, Trung tâm cử cán bộ đánh chiếc ôtô đi suốt trong đêm, và đã giành lại được hai cháu bé từ cõi Mang Lung trở về.

Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Kon Tum từ trước đến nay đã có 7 cháu bé được cứu được từ việc bị chôn theo mẹ đưa về nuôi dưỡng. Hai cháu A Dứ và A Dáy người dân tộc Jơ Rai ở xã Ia Sia, huyện Sa Thầy được một người y tá làm việc ở trạm Y tế xã cứu từ năm 1992. Nay 2 cháu đã được một gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi. Một cháu khác được một người ở TP.HCM nhận làm con nuôi.

Còn có 2 cháu nữa là Y Đức và cháu trai A Cung Bắc. Cha bé gái Y Đức (dân tộc Jơ Rai, xã Mo Ray, huyện Sa Thầy) chết khi cháu còn trong bụng mẹ. Người mẹ sinh cháu xong bị hậu sản cũng không sống được. Y Đức bị làng bỏ đói chờ cho chết để cho vô chung hòm của mẹ. May sao khi đi tuần tra, các chiến sĩ đồn biên phòng 709 đã kịp giật lại. Vào tháng 3-1997, các chiến sĩ biên phòng trong khi tuần tra đã cứu được cháu A Cung Bắc ở huyện Đăk Tô, khi làng đã chuẩn bị đóng nắp quan tài. Mẹ cháu, một phụ nữ Xơ Đăng đã bị thổ tả khi vừa sinh cháu.

Không chỉ ở Kon Tum, mà hầu như ở một số tộc người Tây Nguyên trên nhiều địa bàn, rải rác tục này vẫn ám ảnh các sinh linh bé nhỏ. Ngày 15-4-2001, chị Huỳnh Thị Trúc (ở thôn Hà Lòng, xã Đăk Đoa, huyện Mang Yang) vào buôn bán trong làng Đê Toác, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang (nay là huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai), thấy có đám ma của Hanh, một phụ nữ mới 26 tuổi. Khi nghe già làng nói với người làng là bóp cho đứa bé chết rồi cho vô hòm, chị đã hét lên: “Không được giết nó! Tôi báo công an bắt làng tội giết người!”, rồi lại nói: “Để tôi làm mẹ nó cho”.

Nói xong chị ôm đứa bé chạy một mạch về quán của mình. Rồi chị hối thúc chồng lấy xe máy, nhanh chóng rời khỏi làng. Đứa bé được chị đặt tên là Trần Trọng Hiếu. Sau nhiều năm gặp lại, ông Hngoch, trưởng làng Đê Toác, nói rằng giờ ông đã thấy được cái bụng tốt của chị Trúc. Cảm động là ông Chủ tịch xã Kon Chiêng đã viết cho chị cái “Giấy chứng nhận quyền nuôi con người”.

Hai cháu Ngọc Linh nay đã học đến lớp 8. Ông Phạm Châu Tuệ nay là Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Kon Tum, cho biết dự định sau khi hai cháu học xong bậc Trung học cơ sở, sẽ cho cháu vào học trường thiếu sinh quân. Ở đó các cháu vừa học ngành, vừa học văn hóa đến hết bậc Trung học phổ thông. “Nếu không có Y Dằn, giờ hai đứa nó cũng đã chết rồi. Biết ơn Y Dằn lắm”, A Dáp ông nói.

Đến nay thì hủ tục này gần như đã không còn nữa. Đó là kết quả của quá trình kiên trì suốt những năm qua trong công cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới ở địa bàn dân cư, và trong đó phải kể đến công lao đi đầu của những người như Y Dằn, của chị Trúc, của người y tá trong làng và các chiến sĩ đồn biên phòng. Họ là những người đầu tiên đã dũng cảm đứng lên chống lại hủ tục lạc hậu, rọi ánh sáng vào những góc tối của buôn làng xa xăm.

Theo Đặng Vỹ (Infonet)
Nguồn:

Tin liên quan