Những mặt hàng “hái ra tiền” nhờ vào tháng cô hồn

Ngày 27/08/2015 05:06 AM (GMT+7)

Trong tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn), việc kinh doanh của một số mặt hàng như quần áo, điện thoại, xe máy… ế dài song những mặt hàng gắn với đời sống tâm linh như đồ ăn chay, vàng mã, hay chim, cá phóng sinh được coi là “hái ra tiền”.

Đồ ăn chay

Theo quan niệm của người Việt, vào tháng 7 âm lịch, ăn chay để thanh tịnh, sức khỏe, may mắn cũng là để báo hiếu cho tổ tiên đã khuất. Vì vậy những cửa hàng bán, phục vụ đồ ăn chay trong những ngày này nhộn nhịp hẳn lên.

Những mặt hàng “hái ra tiền” nhờ vào tháng cô hồn - 1

Quán cơm chay

Chị Nguyễn Thy Hương, chủ quán cơm chay trên đường Nguyễn Văn Bảo (Q. Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Bình thường quán chỉ phục vụ chủ yếu cho sinh viên và người ăn chay trường. Nhưng vào đầu tháng 7 âm lịch, số lượng khách tới quán tăng gấp 3 – 4 lần so với ngày rằm hàng tháng. Thậm chí tôi còn thuê thêm lao động thời vụ để có đủ người phục vụ. Ngoài những khách hàng ăn tại quán, số lượng đặt mang về cũng nhiều”.

Cùng với những cửa hàng phục vụ thức ăn chay tại chỗ, những mặt hàng đồ ăn chay đóng gói sẵn cũng được nhiều người chọn về để biến thành những món ăn gia đình hằng ngày. Tại các siêu thị, cửa hàng, giá cả các mặt hàng rau, củ… cũng tăng lên vào dịp rằm tháng 7 này.

Hoa quả

Hoa quả là vật cúng lễ không thể thiếu. Trong những dịp như thế này sẽ mang lại lợi nhuận khá cao cho các tiểu thương.

Nếu vào ngày thường tiểu thương chỉ bán được 1 đến 2 mâm trái cây, có khi còn bị ế thì hiện nay một ngày có thể bán từ 4 – 5 mâm trái cây là chuyện bình thường.

Những mặt hàng “hái ra tiền” nhờ vào tháng cô hồn - 2

Mặt hàng hoa quả tiêu thụ nhanh trong tháng này.

"Người mua trái cây để mang vào chùa cúng lễ, thường không mặc cả mà chỉ quan tâm tới chất lượng của mâm trái cây và hình dáng trang trí đẹp", anh Thanh, người bán trái cây trên đường Nguyễn Thái Sơn cho biết.

Ngoài mặt hàng hoa quả, những mặt hàng cúng lễ khác biệt như ngô, mía, lạc, khoai… và các loại bánh cấp, bánh cúng cũng được nhiều người mua. Giá của mỗi loại từ 5.000 – 10.000 đồng/bịch.

Vàng mã

Với quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch hàng năm người ở thế giới bên kia sẽ được về nhà. Con cháu đốt vàng mã là tỏ lòng hiếu thảo, tình cảm gửi đến người thân của mình “nơi suối vàng”. Vàng mã chủ yếu là tiền âm phủ, quần áo bằng giấy, và có cả những đồ đạc trong gia đình để cuộc sống bên kia tiện nghi nhất.

Những mặt hàng “hái ra tiền” nhờ vào tháng cô hồn - 3

Giá mặt hàng vàng tăng đột biến.

Theo ghi nhận tại chợ Lớn (Q.5, TP.HCM) những sạp bán vàng mã có những món đồ có giá lên đến 1 – 2 triệu đồng. Không ít người sẵn sàng đốt cả ô tô, biệt thự, những đồ chơi cao cấp cho người đã khuất cho dù những món hàng này không hề rẻ.

Cũng tương tự như bán đồ chay, trong tháng 7 âm lịch, lượng tiêu thụ hàng mã tăng đột biến, đây là mặt hàng được coi là “hái ra tiền” trong tháng này.

Bán chim phóng sinh

Theo truyền thống, thả chim phóng sinh mang ý nghĩa cứu vớt chúng sinh thoát khỏi giam cầm hoặc cái chết. Người thả chim phóng sinh sẽ tích góp công đức, tránh được bệnh tật và tăng tuổi thọ. Chính vì vậy, những người bán chim phóng sinh… vào những dịp này luôn kiếm được bộn tiền.

Những mặt hàng “hái ra tiền” nhờ vào tháng cô hồn - 4

Mặt hàng chim phóng sinh không thể thiếu trong dịp rằm tháng 7.

Một số người bán chim phóng sinh tại Chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Giá chim sẻ từ 20.000 – 25.000 đồng/con, chim bồ câu dao động từ 50.000 – 55.000 đồng/con, chim chích dao động từ 40.000 – 45.000 đồng/con. Vào những ngày đầu tháng 7 đã có rất nhiều người đến hỏi mua, có ngày phải hẹn khách hàng vào ngày khác mới có chim”.

Trung bình mỗi lồng chim khách hàng mua với số lượng từ 21 – 31 con (thường phóng sinh số lẻ) có giá từ 400.000 – 500.000 đồng.

Hiện nay còn có nhiều hoạt động đặt hàng online với tiêu chí chim phóng sinh tốt khỏe, và có giao hàng tận nhà.

Ngọc Sang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan