Những phụ nữ ở 'phố ve chai': Gồng mình lao động để con được đi học

Ngày 16/05/2016 05:09 AM (GMT+7)

Vì cuộc sống ở quê nghèo khốn khó, nhiều phụ nữ rời bỏ tìm đến TP. HCM để làm nghề nhặt và mua ve chai. Dù nắng hay mưa, họ miệt mài rong ruổi khắp các ngóc nghách, tuyến đường phố để kiếm tiền cho con được đến trường và nuôi sống gia đình.

Ở TP. HCM đi đâu cũng lác đác nhìn thấy những khu phụ nữ làm nghề nhặt và thu mua ve chai. Những nơi như phố Trần Nhân Tôn (quận 5), phố Lý Chính Thắng (quận 3), phố Chợ Lớn (quận 6)…họ còn tập kết lại thành “xóm ve chai” để giúp đỡ nhau.

Tại phố ve chai trên đường Trần Nhân Tôn có hàng chục người phụ nữ nghèo làm nghề này. Giống như những công việc khác, nghề nhặt và mua ve chai của những phụ nữ nơi đây bắt đầu từ lúc sáng sớm khoảng 5h và kết thúc vào buổi chiều tối, thậm chí cũng có lúc tới nửa đêm.

Chúng tôi trò chuyện với cô Nguyễn Thị Hương (56 tuổi, quê ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) vào TP. HCM hành nghề nhặt ve chai kiếm tiền nuôi con ăn học. Cuộc sống nơi thành phố đầy kham khổ, cô sống chung với những người dân quê nơi xóm trọ “ổ chuột” rộng chưa đến 18 mét vuông tại hẻm số 95/15, đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh.

Ngày qua ngày, cứ sáng sáng tầm 5h sáng, cô Hương lại cặm cụi đẩy xe đi nhặt và mua ve chai. Trưa không về trọ, ăn vội bữa cơm đạm bạc thì cô Hương mượn gốc cây, bóng mát mái hiên nhà ai nằm chợp mắt một lát cho khoẻ rồi tiếp tục đi làm.

Cô tâm sự: “Cô vào đây kiếm sống nuôi con. Ở ngoài quê là khổ quá nên cô mới đi vào trong này. Vào đây làm nuôi chúng nó. Ngoài quê ruộng vườn không có, làm vất vả quá làm không đủ ăn. Đi vậy bữa có bữa không...”

Những phụ nữ ở phố ve chai: Gồng mình lao động để con được đi học - 1

'Phố ve chai' trên đường Trần Nhân Tôn nơi nhiều phụ nữ tập kết để bán sau một ngày nhặt và mua ve chai khắp thành phố

Cũng là tâm tư người cùng quê, chị Mùi đã theo nghề này lâu năm kể: "Gia đình tôi ở quê nghèo lắm, sinh thêm đứa con nghèo lại càng nghèo hơn. Tôi liền bàn với chồng từ Bình Định vào TP. HCM kiếm kế sinh nhai, chứ ở quê nghèo khổ “chó ăn đá, gà ăn sỏi” không biết tới lúc nào mới có đủ cái ăn. Thấy ý của tôi đúng nên chồng liền nghe theo. Lên TP. HCM chân ướt chân ráo, chữ nghĩa học chưa rành, bằng cấp không có, nghề nghiệp không. Ban đầu hai vợ chồng chỉ đi nhặt những thứ phế thải người ta vứt đi bán kiếm tiền đủ mua cơm. Sau này bắt đầu chuyển sang mua bán ve chai nên có đồng ra đồng vào dù lắm vất vả".

Biết giờ nuôi con ăn học vất vả đủ đường, nhưng quan niệm của chị là đời chị đã khổ vì không được học hành, thì con cái chị phải được học tới nơi tới chốn, có khổ mấy cũng phải cho các con ăn học đàng hoàng. Năm ngoái thằng con lớn của chị thi đậu Đại học trên TP. HCM. Đó cũng là niềm hãnh diện của vợ chồng chị với làng xóm, họ hàng.

“Hai vợ chồng mới đây bàn nhau chia ra chồng về quê chăm mẹ già, chăm luôn con bé học lớp 10. Còn tôi tiếp tục mưu sinh nuôi thằng lớn học đại học. Sống cảnh chồng nơi, vợ nơi cũng khổ đủ bề, nhưng vì con mình phải cố gắng, khổ mấy chi cũng chịu được, khó khăn mấy cũng vượt qua. Mơ ước của tôi đơn giản chỉ là mình được khỏe mạnh để tiếp tục chăm lo cho gia đình và con cái”, chị Mùi tâm sự.

Những phụ nữ ở phố ve chai: Gồng mình lao động để con được đi học - 2

Theo các chị buôn ve chai, làm nghề này không phải đi ăn xin, ngày bê tha, tối ngủ cầu như một số người khác là may mắn

Chị Hoa, quê Quảng Ngãi làm nghề ve chai được 2 năm tâm sự: “Quê tôi cũng nghèo lắm, hồi xưa khi còn yêu nhau tôi và chồng cũng đi làm công nhân ở Bình Dương. Về quê cưới nhau xong rồi sinh con, tính ở luôn quê nhà lập nghiệp nhưng gia cảnh nghèo quá, vốn liếng, nghề nghiệp cũng không. Sinh con xong được 1 tuổi để lại cho bà nội nuôi, hai vợ chồng dắt nhau vào TP. HCM làm ăn. Giờ chồng làm thợ hồ bên Bình Dương, còn tôi đi buôn ve chai ở đây. Hai vợ chồng động viên nhau lo làm ăn, kiếm tiền gửi về nuôi con. Hi vọng sau này chúng lớn lên có được tương lai tươi sáng hơn ba mẹ chúng bây giờ. Âu cũng là cái khổ”

Theo các chị, năm nào cứ đến tháng 8, tháng 9 là lại có thêm nhiều người mới gia nhập “xóm ve chai”. Họ là những phụ huynh có con thi đậu ĐH, CĐ tại TP. HCM. Ở quê làm ruộng một năm 2 – 3 vụ chẳng đủ tiền mua giống, phân bón, công chăm sóc nên đành khăn gói theo con lên TP. HCM buôn ve chai, vừa chủ động được thời gian, mà vốn liếng bỏ ra lại ít.

Ngồi nghe các chị nói về gia đình, chúng tôi để ý một người phụ nữ ngồi một góc phòng im lặng, đôi mắt đọng một nỗi buồn. Chủ động bắt chuyện với chị, chúng tôi được chị cho biết tên Loan, quê tỉnh Phú Yên. Chị Loan tâm sự chị cũng là một trong những người vào đây đi buôn ve chai để nuôi các con ăn học.

Chị có được ba đứa con hiện đang ở quê với ông bà nội. Đứa lớn đang học ĐH, hai đứa học cấp 3. Số chị Loan thiệt thòi hơn so với các chị em khác là chồng chết vì bệnh ung thư cách đây 6 năm. Một mình chị phải nuôi ba đứa con ăn học. Cuộc sống cơ cực đành để con cho ông bà nội nuôi, một mình chị vào TP. HCM bươn chãi.

Chị Loan đôi mắt ngấn lệ tâm sự: “Hồi nhỏ bọn chúng chưa hình dung ra được công việc của mẹ, mỗi lần gửi tiền, gửi quà về chúng đều vui lắm. Giờ bọn chúng lớn rồi, học ĐH với cấp 3 rồi, chúng hiểu được công việc hàng ngày của mẹ vất vả như thế nào, nhận tiền mẹ gửi không vui như trước. Đứa nào cũng đòi bỏ học phụ mẹ kiếm tiền, không muốn mẹ làm cái nghề này. Nhưng tôi không chịu, đời mẹ khổ rồi, các con phải có học thức để sau này có được tương lai tươi sáng cho mình…”

Theo các chị, làm nghề này không cần bằng cấp, học hành gì cả. Nhưng cái cốt là phải nhanh nhẹn, chịu khó dãi nắng, dầm mưa. Cuộc sống cứ quần quật từ sáng tới tối, hằng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, với các chị niềm vui trong công việc là quan trọng nhất, và điều cốt yếu hơn nữa là có một công việc để làm, không phải đi ăn xin, ngày bê tha, tối ngủ cầu như một số người khác là may mắn.

Ngồi lắng nghe tâm sự của các chị, chúng tôi cảm nhận được nghị lực tuyệt vời, sự hy sinh và trái tim cao cả của những người mẹ. Các chị đã làm tất cả chỉ để “gieo” niềm tin nơi con chữ cho các con mình đến trường thoát cái nghèo dai dẳng.

Văn Luận - Thanh Hiếu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự