Nỗi đau chưa nguôi ở làng có phu trầm bị sát hại

Ngày 19/02/2014 15:48 PM (GMT+7)

Đã gần 1 năm trôi qua sau vụ 5 phu trầm ở xã Quảng Sơn và Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bị giết chết giữa rừng, nhưng nỗi đau vẫn luôn ám ảnh làng trầm nghèo..

5 người đàn ông trụ cột bị sát hại dã man đã khiến những gia đình nghèo lâm vào hoàn cảnh khốn cùng…

Ám ảnh trong từng giấc ngủ

Thôn Tân Sơn, xã Quảng Sơn có chừng hơn trăm hộ dân, nằm sát bìa rừng. Đất đai khô cằn, không có nghề phụ nên bao đời nay cả làng sống dựa cả vào rừng. Trai tráng trong làng lớn lên không vào Nam kiếm sống thì cũng lặn lội đạp rừng tìm trầm…

Nỗi đau chưa nguôi ở làng có phu trầm bị sát hại - 1

Bà Hoàng Thị Nhung (93 tuổi) khóc con trai Nguyễn Văn Thăng

Mới sau Tết nhưng cả làng Tân Sơn vắng hắt hiu, hằn sâu một nỗi buồn bất tận. Những ngày này 1 năm trước, những người đàn ông của làng đã có một chuyến đạp rừng tìm trầm đầu năm với hy vọng may mắn thoát nghèo. Thế nhưng, chuyến đi chưa kịp kết thúc thì người làng đã nhận được hung tin 2 trong số 3 người ở làng họ đã bị sát hại giữa rừng sâu.

Trong căn nhà xập xệ, bà Hoàng Thị Hoa (52 tuổi) - mẹ của phu trầm Đinh Xuân Thân ngồi thơ thẩn nhìn ra cửa. Gần một năm nay bà vẫn ngồi đó như những lần ngóng con trai đi trầm về. Hai vợ chồng bà Hoa sống với nhau có được 4 mặt con. Từ khi 2 đứa con gái đầu mất vì bệnh tật từ nhỏ thì chồng cũng bỏ đi để lại một mình bà lam lũ nuôi 2 con. 

Cuộc sống dù vất vả nhưng mấy mẹ con rau cháo dựa vào nhau sống qua ngày. Khi trưởng thành, người anh đi làm ăn xa còn anh Thân ở nhà làm thuê nuôi mẹ già. Và trong chuyến đi trầm định mệnh ấy, anh đã vĩnh viễn không bao giờ trở về. Đưa tay lau dòng nước mắt, bà Hoa kể: “Hắn mới đi được mấy chuyến nhưng chuyến mô cũng lỗ vốn cả, tui khuyên ở nhà nhưng hắn không chịu. Nói đi mãi rồi cũng sẽ trúng thôi, có tiền con kiếm nghề chi đó mần ăn lâu dài để nuôi mạ, ai ngờ mô…”.

Gần một năm trôi qua nhưng nỗi đau vẫn hiện hữu trên khuôn mặt của bà Nguyễn Thị Hường (56 tuổi) ở thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh. Bà Hường là mẹ nạn nhân Nguyễn Văn Sáu - 1 trong 5 phu trầm bị sát hại. Bà Hường có 4 người con trai đều lấy việc đạp rừng tìm trầm làm nghiệp. Hàng chục năm với hàng ngàn chuyến đạp rừng, những người con của bà Hường hy vọng một ngày trúng trầm mà đổi đời, nhưng “lộc trời” chưa thấy đâu thì 1 người đã nằm xuống giữa rừng.

“Từ ngày con trai bị sát hại dã man đến nay, đêm nào tui cũng ngủ mơ về con. Cứ nhắm mắt lại là thấy cảnh con bị trói, bị đánh đập giữa rừng. Có đêm tỉnh dậy không tài nào chợp mắt được vì nhớ con” - bà Hường kể.

Tương lai những đứa trẻ không cha sẽ ra sao?

Trong 5 phu trầm xấu số, có 2 người đã có gia đình là anh Hoàng Thanh Hiền ở thôn Bắc, xã Quảng Minh có 2 con nhỏ và anh Trần Văn Trị ở thôn Tân Sơn, xã Quảng Sơn có 3 đứa con nhỏ. Họ ra đi, để lại đàn con thơ dại và tương lai chúng không biết sẽ đi về đâu.

Nỗi đau chưa nguôi ở làng có phu trầm bị sát hại - 2

4 mẹ con chị Hoàng Thị Hoè ở thôn Chay ôm nhau khóc khi chồng là anh Trần Văn Trị bị chết trong rừng.

Theo dự kiến, ngày 27.2 tới, TAND tỉnh Quảng Trị sẽ xét xử sơ thẩm hình sự vụ án 5 phu trầm bị giết hại. Hai bị can Hồ Văn Công (SN 1975, trú thôn Tà Rùng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) và Hồ Văn Thành (SN 1974, trú thôn Nguồn Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa) bị truy tố 4 tội danh đặc biệt: Giết người, cướp tài sản, bắt cóc người nhằm chiếm đoạt tài sản và tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Chị Hoàng Thị Hòe (33 tuổi), vợ anh Trị, hằng ngày phải đi làm thuê đủ thứ việc để nuôi 3 đứa con nhỏ. Sức vóc của một người phụ nữ, dù là công việc nặng nhọc như khai thác gỗ trồng thì mỗi ngày chị cũng kiếm được 70 - 100 nghìn đồng. Số tiền đó đủ để mẹ con sống đắp đổi qua ngày. 

Nhưng khi nói đến chuyện học hành của các cháu thì chị lặng người đi. Chị ngậm ngùi cho biết, khi anh Trị bị bắt, bọn cướp đòi nộp 15 triệu đồng tiền chuộc, chị đã phải vay mượn khắp nơi, nhưng cuối cùng anh cũng không về được. Số tiền đó đành dùng để thuê người đưa thi thể anh Trị về quê an táng. Xong việc, chị nợ nần ngập đầu. 

Ông Hoàng Văn Thuận - Trưởng thôn Tân Sơn cho biết, gia đình chị Hòe thuộc diện hộ nghèo. Mất đi trụ cột gia đình, mọi gánh nặng đều đè lên vai chị Hòe. Đứa con gái lớn mới học hết lớp 6 nhưng phải nghỉ học để đi làm thuê cho một gia đình ở thị xã Ba Đồn. Đứa thứ hai đang học lớp 4, chắc học hết cấp 1 cũng cho nghỉ vì mẹ không đủ tiền để chu cấp.

Trong ngôi nhà chưa kịp hoàn thiện, chị Hòe ôm đứa con út vào lòng nhìn lên bàn thờ chồng mà nước mắt cứ trào ra. Cháu Trần Thị Lệ Hằng (5 tuổi) cứ ngây ngô hỏi mẹ “răng ba đi lâu về rứa mẹ hè?”. Có lẽ, cháu còn quá nhỏ để hiểu nỗi mất mát quá lớn và tương lai sẽ ra sao khi lớn lên không còn chỗ dựa vững vàng của người cha… 

Theo Phan Phương (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan