Nỗi đau của người đàn bà từng là “giai nhân” đất Cảng

Ngày 18/06/2015 16:03 PM (GMT+7)

Người đàn bà ngồi trước mặt tôi là Hoàng Thị Bích, năm nay 75 tuổi. Thời trẻ, bà được xem là một giai nhân.

“Hồng nhan bạc phận”, thời xuân xanh, bà từ chối rất nhiều lời cầu hôn vì nói như bà là chưa tìm được “một nửa của mình”. Đến lúc tìm được một người đàn ông để nương tựa, bà lại phải hứng chịu sự bạc bẽo từ chính những người con riêng của chồng. Để rồi, ở những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, bà phải đối diện với nỗi cô đơn cùng cực...

Hồng nhan cô đơn

Bà Bích quê gốc ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội nhưng sinh ra và lớn lên ở phố Đại Cồ Việt sầm uất. Cụ thân sinh ra bà vốn là con gái của một nhà đại tư sản, nổi tiếng ở chợ Hôm, Hà Nội vào những năm 20 của thế kỷ trước. Con nhà giàu, lại xinh đẹp nên ở Hà Nội vào thời điểm đó, dường như ai cũng biết tiếng mẹ bà.

Nỗi đau của người đàn bà từng là “giai nhân” đất Cảng - 1

Ở những năm tháng cuối đời, sự cô đơn luôn ám ảnh những người già (ảnh minh họa).

Thế nhưng số phận như đã được sắp đặt, năm hơn 30 tuổi, đã trải qua một đời chồng và ba mặt con, mẹ bà mới gặp gỡ và nảy sinh tình yêu với một anh chàng lãng tử người gốc Hải Phòng. Chàng trai đó chính là bố của bà Bích sau này. Mối tình đầy ngang trái mà say đắm đã đưa hai con người ấy đến với nhau, bất chấp dư luận và những phản đối gay gắt của gia đình được coi là danh gia vọng tộc. Rồi bà Bích ra đời như một minh chứng về tình yêu, sự gắn bó giữa họ.

Bà Bích nhớ lại, ngay từ khi mới sinh ra, bà đã được hưởng sự chăm sóc chu đáo từ bố mẹ và người thân trong gia đình. Là cháu gái của một nhà đại tư sản, bà được hưởng một cuộc sống đầy đủ, an nhàn của một tiểu thư khuê các. Cho đến năm 15 tuổi, những bất đồng giữa bố và ông ngoại bà đã buộc gia đình bà phải chuyển về Hải Phòng sinh sống.

Đó cũng chính là thời điểm bố bà chìm sâu vào “cuộc tình” với nàng tiên nâu. Ông nghiện rất nặng. Và để thỏa mãn cơn nghiện của ông, của cải, đồ đạc trong nhà cứ thế đội nón ra đi. Mẹ bà, vì yêu và chiều chồng một cách mù quáng, đã vô tình tiếp tay và dung túng cho những cơn nghiện của ông. Bà tìm đủ mọi cách và bằng nhiều nghề khác nhau để kiếm tiền cho ông được thỏa mãn cơn khát thuốc phiện.

Khác xa với những năm tháng êm đềm ở Hà Nội, tại Hải Phòng, cả gia đình bà phải trải qua những chuỗi ngày bĩ cực. Cuộc sống ở cái thành phố gần biển cứ thế trôi đi trong những ồn ào, náo nhiệt, cùng quẫn và đắng cay.

Dẫu vậy, bà Bích vẫn được bố mẹ cho ăn học tử tế. Thừa hưởng nhan sắc rực rỡ từ mẹ, vẻ thanh tú, lịch lãm thời trai trẻ của bố, mới bước vào dậy thì, thiếu nữ Hoàng Thị Bích đã nổi tiếng cả vùng chợ Đà Nẵng. Ở đất Hải Phòng ngày ấy, vẻ đẹp nền nã, rất Hà Nội của Hoàng Thị Bích như một cơn gió lạ, nhẹ nhàng thổi nhưng lưu lại trong lòng người những ấn tượng khó phai.

Nỗi đau của người đàn bà từng là “giai nhân” đất Cảng - 2

Cách cư xử của các con riêng của chồng khiến bà Bích vô cùng khổ tâm.

Ngặt một nỗi, cô gái xinh đẹp ấy lại chẳng đem lòng yêu ai. Tuổi mười tám, đôi mươi rực rỡ nhất của cuộc đời, được nhiều chàng trai theo đuổi, si mê nhưng trái tim của cô gái Hoàng Thị Bích không hề rung động. Những lo toan cuộc sống cùng với suy nghĩ “ở vậy để báo hiếu cha mẹ” khiến những năm tháng thanh xuân của cô Bích trôi đi lặng lẽ và nhanh chóng. Khi mẹ qua đời, thương bố tuổi già neo đơn, bà càng không có ý nghĩ lấy chồng.

Điều trớ trêu ở chỗ “ông tơ, bà nguyệt” sắp xếp để bà đến với ông khi bà đã... 50 tuổi, cái tuổi mà nhiều người phụ nữ đã điền viên cùng con, cháu. Lúc ấy ông cũng đã gần 60 và có tới bốn người con riêng.

Thương cảnh gà trống nuôi con của người đàn ông góa vợ, bà tự nguyện tìm đến chỉ với một mục đích là được sẻ chia những vui buồn, khó khăn mà không hề so đo tính toán. Bà Bích nhớ lại, thời điểm ấy, dù tuổi đã lớn nhưng nom bà vẫn còn rất trẻ. Khi ông đưa bà về ra mắt họ hàng, không ít người đã rỉ tai can ngăn vì họ cho rằng, bà vẫn còn trẻ và đẹp thế, “kiểu gì chả đẻ thêm. Nhà đông con, lấy đâu ra tiền mà lo cho chúng nó”.

Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Hải Phòng vẫn còn nghèo lắm. Cái nghèo len lỏi vào tận cùng trong những con ngõ sâu hun hút ở góc chợ Đà Nẵng, nơi cả gia đình bà sinh sống, chen chúc trong ngôi nhà tập thể chật chội, cũ kỹ. Nghĩ đến tuổi già và sự vất vả của cuộc sống, bà Bích không dám sinh con. Bởi thế, bà dành hết tình thương, sự quan tâm, chăm sóc cho con riêng của chồng, lúc ấy vẫn đang trong độ tuổi ăn học.

Thời điểm ấy, bà Bích vẫn đang là cán bộ làm việc ở sở Điện lực Hải Phòng. Thu nhập của một công chức Nhà nước, dù không mấy dư dả nhưng cũng đủ để gom góp cùng ông trang trải cuộc sống của một gia đình với sáu miệng ăn. Không lâu sau khi con gái đi lấy chồng, bố của bà cũng qua đời. Dù nuối tiếc và xót xa nhưng bà vẫn cam lòng bán đi ngôi nhà từng gắn bó mấy chục năm của bố mẹ để chung sức cùng chồng mua một ngôi nhà mới, rộng rãi hơn để các con được thoải mái.

Thương con chồng hơn bồng con người

Nén lại nỗi xúc động, bà Bích nghẹn ngào: "Dù không đứt ruột đẻ ra nhưng tôi quan niệm "thương con chồng hơn bồng con người” nên dành hết tình thương, trách nhiệm với chúng nó, những mong khi mình già, chúng nó cũng sẽ đáp lại đôi chút. Ấy thế mà sự đời lại không được như thế". Lo cho con chồng ăn học, rồi xin việc làm, dựng vợ gả chồng cho họ, khi con cái đã yên bề gia thất, những tưởng sắp được nghỉ ngơi, an nhàn thì ông đột ngột lâm bệnh. Cơn tai biến ác nghiệt khiến ông nằm liệt giường.

Lúc này, các con của ông đều bận rộn với gia đình riêng của mình, anh chị em thì “kiến giả nhất phận”. Một tay bà tận tụy chăm sóc ông, bất kể sớm tối, nắng mưa. Năm năm ông nằm một chỗ trên giường bệnh là bấy nhiêu thời gian bà bên ông, trực tiếp bón cho ông từng thìa cháo, đút từng viên thuốc, hy vọng có thể giúp ông hồi phục. Nhưng con người khó có thể cưỡng lại số mệnh và quy luật của bệnh tật, dù được bà chăm sóc chu đáo và sự can thiệp của nhiều y bác sỹ giỏi,  ông vẫn ra đi trong sự nuối tiếc, xót xa của bà và con cháu.

Nhưng điều mà bà Bích không ngờ nhất là cùng với nỗi đau mất chồng, bà bắt đầu phải đối diện với những mâu thuẫn từ phía các con. Bất chấp những ngày tang gia bối rối, các con riêng của chồng bà bắt đầu căn vặn bà về cuốn sổ tiết kiệm mà ông để dành cho bà, để bà có thể an hưởng tuổi già. Căn vặn không được, họ quay ra hắt hủi, xua đuổi bà. Cuối cùng, không chịu được những lời chì chiết, bà Bích buộc lòng phải khăn áo rời khỏi ngôi nhà mà bà từng cùng ông chung sống gần 30 năm qua.

Giờ đây, ở tuổi 75, không còn cha mẹ, không có con cái, bà Bích buộc lòng phải trở về Hà Nội nương tựa vào họ hàng. Nhưng tình cảm chị, em bao nhiêu năm xa cách đã không còn như xưa. Một lần nữa, bà Bích lại phải ra đi. Và nơi bà tìm đến là một trung tâm dưỡng lão ở ngoại thành Hà Nội. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Bích chỉ mong mình có được một chốn nương thân, nơi có nhiều người cùng hoàn cảnh với bà để có thể cùng sẻ chia, bầu bạn, để vơi bớt những nỗi buồn của một cuộc đời cô đơn.

Sự thật nghiệt ngã

Bà Bích vẫn nhớ như in lời chồng vẫn nói khi còn sống: "Các con tôi, tôi đẻ ra nên tôi biết tính tình của chúng như thế nào. Đến tôi là bố đẻ mà còn khó sống với chúng thì nói gì đến bà". Bà Bích biết vậy nhưng sự cư xử từ những đứa con riêng của chồng vẫn khiến bà xót xa, đau đớn.

Hồi ức nỗi đau chồng nỗi đau

 Sau nhiều tranh cãi, ngôi nhà cũ cuối cùng cũng được chia một phần cho bà. Dẫu vậy, bà Bích không thể nào quên cái ngày mùa đông mưa rét ấy, sau khi tra xét bà về cuốn sổ tiết kiệm, người con gái thứ của chồng đã lập tức gọi các anh chị em đến và bắt bà phải viết giấy từ bỏ căn nhà cũ để ra đi mà không được mang theo bất cứ thứ đồ đạc nào. Nỗi đau mất chồng chưa lắng dịu được bao nhiêu lại phải chịu nỗi đau phụ bạc từ những đứa con từng được bà yêu thương, chăm sóc khiến bà Bích gần như ngã quỵ. Nhưng biết không thể sống cùng họ, bà Bích đành lặng lẽ ra đi. Bà cũng xác định từ đây mối quan hệ "mẹ con" khi xưa đã không còn chút tình cảm gì.

Theo Đào Bích
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan