Nỗi lo của tân thủ khoa tật nguyền

Ngày 05/08/2015 05:00 AM (GMT+7)

Bị teo chân, Sang nuôi hy vọng sẽ trở thành một bác sĩ để có thể tìm cách chữa trị cho mình và giúp đỡ mọi người ở quê hương. Kỳ thi vừa qua, em là một trong bốn thí sinh đạt điểm cao nhất nước. Tuy nhiên, con đường trở thành bác sĩ của em vẫn còn lắm gian nan.

Mấy ngày qua đi đâu người dân tỉnh Quảng Ngãi cũng bàn tán về thủ khoa Kiều Quốc Sang (xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh). Khối B Sang đạt 29,25, trong đó Toán và Hóa 10 điểm, sinh học 9,25 điểm. Cậu là một trong bốn thí sinh cao điểm nhất cả nước và đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi.

Nhà Sang nằm trong một con hẻm nhỏ bên cạnh dòng sông Trà Khúc. Ngày chúng tôi đến, cậu bận bịu cho bò và gà ăn. Thấy người lạ, cậu dạ thưa lễ phép rồi mời vào nhà.

Sang chia sẻ, từ khi biết mình là một trong bốn thí sinh có điểm cao nhất cả nước thì rất mừng. Nhiều người cũng đến thăm. Tuy nhiên, ẩn sau niềm vui là một sự lo lắng lớn.

Nỗi lo của tân thủ khoa tật nguyền - 1

Sang là một trong bốn thủ khoa kì thi tốt nghiệp năm nay

“Em đã nộp hồ sơ xét tuyển vào trường Đại học Y dược TP HCM. Em nghĩ với số điểm này mình sẽ đậu. Nhưng em nghe bảo, ngành y học tốn kém lắm.Trong khi đó, gia đình em nghèo, em sợ mình không đủ kinh phí để theo đuổi đến cùng”, cậu nhìn xa xăm.

Gia đình Sang thuần nông, mẹ suốt ngày ở ngoài đồng ruộng, cha phụ thợ hồ. Mấy hôm nay, dù rất mừng vì con đạt điểm cao trong kì thi tốt nghiệp nhưng ông vẫn phải đi làm. “Bố lo nhập học tốn nhiều tiền nên không dám nghỉ làm”, cậu chia sẻ.

Nhìn vào đôi chân khập khiễng, Sang kể, khi mới tập tễnh đứng đôi chân cậu đã gầy yếu. Vào năm lớp 1, bỗng dưng cậu cảm thấy đau buốt ở chân, không thể đi lại được. Hôm đó bố mẹ làm đồng về đưa cậu đi bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết, cậu bị dịch tràn qua khớp. Dù gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng do không có đủ kinh phí nên bệnh không khỏi, một chân bị teo dần.

12 năm qua, mỗi khi trái gió trở trời, đôi chân lại đau buốt nhưng cậu không dám than với bố mẹ, cậu sợ cơn đau của mình sẽ là nỗi lo lắng của bậc sinh thành. Trước đây, nhiều người từng dự đoán, cậu sẽ không thể làm được việc gì với đôi chân khập khiễng ấy.

Sang cũng hiểu sức khỏe ốm yếu chỉ có sự nghiệp học hành mới có thể giúp gia đình thoát nghèo. Từ đó cậu đặt mục tiêu lấy thành tích học tập làm quà cho cha mẹ. Suốt 12 năm phổ thông cậu luôn đạt học sinh giỏi, giành nhiều học bổng của trường. Riêng học kì 2 năm cuối cấp, vì học lệch nên chỉ đạt học sinh tiên tiến.

Sang vào thi hội đồng thi ở Quy Nhơn. Nhiều bạn bè được người thân đưa đi. Sang biết nếu bố mẹ đi theo thì sẽ mất thêm một khoản chi phí lớn. Do đó, cậu xin bố mẹ được đi một mình. Thi xong cậu tin tưởng vào học lực của mình nhưng không nghĩ đạt điểm cao tới mức ấy.

“Từ năm lớp 2, khi biết đôi chân bị tật nguyền, em nuôi hy vọng sau này sẽ trở thành bác sĩ để có thể tìm chữa cho mình và góp phần giúp đỡ những người ở quê. Bởi vậy, khi nhận được giấy báo kết quả thi, em không ngần ngại nộp hồ sơ vào trường đại học y”, cậu lý giải.

Sang chia sẻ cậu dành nhiều thời gian tìm thêm tài liệu, khách tham khảo để học. Cậu cũng làm nhiều dạng bài tập khác nhau. Cậu lấy việc giúp đỡ bố mẹ chăm lo vườn tược, các loại gia đình… làm trò tiêu khiển.

Một lát sau, mẹ Sang là chị Phạm Hồng Phúc về. Chị kể: “Sang là đứa con ngoan hiền, hiếu thảo. Bận học hành nhưng cháu luôn giúp mẹ chăm bò, gà… Khi đến mùa gặt, cháu cũng ra đồng cùng phụ. Hôm ấy, khoảng 3 giờ chiều, tôi đang cho gà ăn, cháu chạy vào bảo, con có điểm rồi, khối B 29,5 điểm. Tôi mừng quá, ném lon thóc chạy vô nhìn tờ giấy báo điểm thì mới tin đó là sự thật. Đến bây giờ, niềm vui vẫn còn y nguyên”.

Nỗi lo của tân thủ khoa tật nguyền - 2

Chị Phúc khóc khi trò chuyện về cậu con trai "cưng"

Theo lời chị, sau Sang còn một cô em gái. Suốt 6 năm học, em cậu cũng đạt học sinh giỏi. Cậu chính là “thầy giáo”, hướng dẫn em cách học. Vợ chồng chị còn nuôi dưỡng mẹ năm nay đã ngoài 90 tuổi.

Sơn Tịnh là địa phương gần sông, mỗi năm thường hứng chịu nhiều lũ lụt. Năm ngoái, căn nhà xiêu vẹo bị lũ nhấn chìm. Sau đó, vợ chồng chị phải vay mượn một ít tiền cất lại căn nhà nhỏ để ở. Đến nay, số nợ ấy trở thành gánh nặng của gia đình.

Người mẹ chợt lặng buồn khi chúng tôi hỏi: “Chị có dự định cho tương lai của Sang không?”. Chị buồn buồn: “Ở vùng quê này, gia đình nào có con đậu đại học cũng phải đi xa bươn chải kiếm tiền chứ làm ruộng sao nuôi nổi. Vợ chồng tôi cũng vậy”.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Danh (Hiệu trưởng trường THPT Ba Gia) cho biết, đây là học sinh đầu tiên của trường đạt số điểm thi cao nhất cả nước. Mặc dù sang học giỏi nhưng cậu rất khiêm tốn, được bạn bè yêu quý. Ngoài việc học, cậu phụ cha mẹ việc cắt cỏ cho bò, đồng áng… Được biết, khi biết Sang đạt điểm cao, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi thông tin sẽ hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh Đoàn Quảng Ngãi cũng trao tặng học bổng 1 triệu đồng từ Qũy Bảo trợ và phát triển tài năng tỉnh…

Nhật Long
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot