Nỗi lòng những thí sinh nghèo đỗ đại học

Ngày 30/07/2014 13:39 PM (GMT+7)

Vất vả lắm mới có đủ tiền để đi thi đại học, đến lúc biết tin đỗ, với nhiều thí sinh nghèo, đằng sau niềm vui ấy lại là nỗi buồn lo trĩu nặng bởi biết lấy đâu ra tiền trang trải cho những tháng năm đại học…

Lo vì… thi đỗ đại học

Biết được kết quả thi đại học đã được mấy hôm nay, nhưng thí sinh Nguyễn Thị Chín (thôn Sông Mã, xã Đền Lư, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) dự thi khối C, ĐH Khoa học xã hội và nhân Văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) luôn băn khoăn, lo lắng. Chín chia sẻ: “Em được 17 điểm, cộng cả điểm khu vực 1,5 điểm nữa. Điểm chuẩn vào Khoa Công tác xã hội mấy năm nay luôn từ 17-20 điểm, nếu không đỗ khoa này, em nộp đơn xét tuyển sang khoa khác hoặc sang trường khác. Nhiều trường công lập cũng chỉ lấy 14 - 15 điểm thôi”. Tuy nhiên, điều Chín lo lắng nhất là gia đình sẽ phải xoay sở ra sao để trang trải cho 4 năm học đại học sắp tới của em.

“Học đại học, biết lấy đâu ra tiền để trang trải mọi thứ? Gia đình em thuộc hộ cận nghèo, kinh tế gia đình trông chờ vào mấy sào lúa, mía. Bố mẹ em cũng già rồi, sức lao động có hạn, nhưng bố mẹ em bảo nếu em đỗ đại học sẽ cố gắng vay mượn, kêu gọi các anh chị cũng đỡ đần. Nhưng em vẫn lo lắm, học hành ở thành phố rất tốn kém. Hồi đi thi đại học, nhà em gom góp đủ kiểu cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng, mấy ngày thi tiêu hết sạch”, Nguyễn Thị Chín chia sẻ thêm.

Tin vui liên tiếp ùa về trong căn nhà nhỏ của cặp thí sinh song sinh Nguyễn Phương Nam - Nguyễn Ngọc Hòa (thôn Lưu Đông, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) khi cả hai em cùng đỗ Thủ khoa đại học. Nguyễn Phương Nam đỗ Thủ khoa ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) với tổng điểm 27,5. Còn Nguyễn Ngọc Hòa đỗ Thủ khoa ĐH Kiến trúc Hà Nội với 26,0 điểm. Điều đáng khâm phục là cả Nam và Hòa đều ở với ông bà nội từ nhỏ do mẹ đi làm xa, còn bố đã mất cách đây 3 năm.

Tân Thủ khoa ĐH Kiến trúc Hà Nội - Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ: “Chuyện học hành, ăn ở của chúng em đều trông cả vào đồng lương hưu ít ỏi của ông bà nội. Trước đây đã vất vả rồi, giờ cả hai anh em cùng vào học đại học sẽ rất tốn kém. Thêm nữa, chị gái em cũng đang học đại học. Nhà có 3 chị em đều đi học, quá sức cho gia đình. Sắp tới, tụi em tính sẽ vừa đi học vừa đi làm thêm để giúp đỡ ông bà”.

Nỗi lòng những thí sinh nghèo đỗ đại học - 1

Thí sinh Nguyễn Thị Chín (tỉnh Thanh Hóa) được mẹ đưa đi thi vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Q.Huy

Những ngày gần đây, câu chuyện gia cảnh của tân Thủ khoa ĐH Bách khoa TPHCM khiến không ít người chạnh lòng. Thí sinh Trần Văn Cường (xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) vừa trở thành Thủ khoa của ĐH Bách khoa TPHCM với 28,25 điểm (Toán: 9 điểm, Lý: 9.25 điểm, Hóa: 10 điểm). Cường sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, bố bị bệnh tim, mất trí nhớ nhiều năm nay. Nguồn thu của cả nhà trông chờ vào 8 sào ruộng và vườn rau. Để giúp con vào giảng đường đại học, mẹ Cường đã ngậm ngùi cầm cố “sổ đỏ” ngôi nhà đang ở để lấy tiền cho Cường ăn học.

Có nên từ bỏ ước mơ?

Câu chuyện của các thí sinh nghèo, đầy nghị lực và quyết tâm thi đỗ đại học nói trên chỉ là một trong những ví dụ, còn rất nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn đang lo lắng cho chặng đường đại học sắp tới. Thời gian qua, từ những hoàn cảnh khó khăn của gia đình các thí sinh, cũng như tỷ lệ thất nghiệp của hàng chục nghìn cử nhân, kỹ sư khiến cho chủ đề “nghèo có nên học đại học” trở thành đề tài được tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Có ý kiến cho rằng, con cái không nên để bố mẹ chịu khổ để “cố tình” vào học đại học, rồi những ý kiến cho rằng nên đi học nghề, đi làm kiếm tiền rồi học sau…

Trần Thanh Tùng – sinh viên năm thứ 4 ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ: “Những năm gần đây, thí sinh nghèo luôn được xã hội nhìn nhận, khâm phục với những thành tích ấn tượng trong các kỳ thi đại học, rất nhiều Thủ khoa xuất thân từ những gia đình khó khăn. Theo em, trước khi đăng ký dự thi đại học, thí sinh có thể tham khảo các ngành, nghề đào tạo miễn phí, cơ hội học bổng… để giảm đi chi phí học tập. Các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận với các tín dụng vay ưu đãi. Khi trở thành sinh viên có thể đi làm thêm có tiền trang trải cuộc sống. Nếu có ước mơ, quyết tâm các bạn ấy sẽ thành công”.

Hơn 200 triệu đồng đến với nữ thủ khoa mồ côi

Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, UBND huyện Trà Bồng có buổi gặp mặt với thí sinh Nguyễn Thị Bích Phượng - Thủ khoa ĐH Phạm Văn Đồng trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2014. Phượng dự thi khối C, đạt 27 điểm (Địa 9,5 điểm; Lịch sử 9,5 điểm và Văn 8 điểm). Phượng mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang ở với ông nội. Tại buổi gặp mặt này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã trao số tiền hỗ trợ 200 triệu đồng do các tổ chức và cá nhân ủng hộ; UBND huyện Trà Bồng trao học bổng 20 triệu đồng; Hội khuyến học huyện Trà Bồng trao học bổng 10 triệu đồng; Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng trao học bổng 10 triệu đồng.

Theo Quang Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot