Nước mắt của đứa cháu lấy trộm tiền dì ruột

Ngày 09/09/2014 15:21 PM (GMT+7)

Bình thường, nếu bị hại xin rút đơn kháng cáo, vụ án sẽ được khép lại. Tuy nhiên, chủ tọa vẫn nhận thấy sự oán trách nên đã giải thích để bị cáo hiểu hơn tấm lòng người dì ruột.

Lấy tiền chữa bệnh cho cha

Nguyễn Minh Đức (SN 1991, ngụ tỉnh Gia Lai) sinh ra trong một gia đình khó khăn tại Thừa Thiên Huế. Khi Đức còn nhỏ, cha mẹ chuyển vào tỉnh Gia Lai theo dạng kinh tế mới. Cũng vì điều này, tuổi thơ của Đức trôi qua trong sự thiếu thốn. Năm Đức tốt nghiệp cấp 1, vì không có tiền đóng học phí nên đành nghỉ.

Lúc này, Đức có người dì giàu có đang sống tại TP.HCM, nghe tin đứa cháu mới chớm lớn đã phải nghỉ học nên đón lên nuôi nấng. 13 năm trôi qua, Đức sống dưới sự chăm sóc, bao bọc và xem dì như chính mẹ ruột của mình. Để tạo cuộc sống cho cháu, bà trả tiền công trông giữ cửa hàng cho Đức hơn 4 triệu đồng một tháng. Bên cạnh đó, bà còn hứa: “Sau này, khi con cưới vợ, dì sẽ cho 100 triệu đồng để làm vốn”.

Nước mắt của đứa cháu lấy trộm tiền dì ruột - 1

Chủ tọa đã hóa giải được hận thù giữa Đức với dì ruột

Chiều 16/7/2013, người dì lấy tiền hàng được 102 triệu đồng đem về cất trong tủ sắt nhưng quên khóa. Bà bóp cửa phòng nhưng lại quên chìa khóa ở bên trong. Gần tối, Đức mượn chìa khóa phòng của dì để vào lấy đồ nghề. Chợt nhớ, bà nhờ cháu trèo cửa sổ vào lấy chìa khóa giúp.

Vào phòng, Đức thấy “cục” tiền lớn liền lấy, đem giấu vào hốc cầu thang ở sân thượng. Tối, mọi người đã về hết, Đức lấy tiền rồi trèo qua mái nhà kế bên thoát ra ngoài. Ngay trong đêm, Đức đón xe về Gia Lai đưa số tiền này cho mẹ và bảo: “Con mới trúng số, mẹ cầm số tiền này mua thuốc chữa bệnh cho cha”. Người mẹ cứ tưởng là thật vui mừng cầm số tiền lớn.

Hai ngày sau, người dì phát hiện bị mất tiền nên đến công an phường trình báo. Qua truy xét, công an xác định Đức chính là người đã trộm tiền. Ngay khi biết tin, mẹ Đức đem tiền trả lại cho chị gái và Đức ra đầu thú.

Cái kết có hậu

Trước đây, TAND quận Tân Bình mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt Đức 2 năm 6 tháng tù giam. Đức viết đơn kháng cáo xin giảm án. Thế nhưng, bắt đầu phiên tòa phúc thẩm vào ngày 8/9/2014, Đức bật khóc xin rút kháng cáo vì cho rằng mức án này đã có phần nhẹ.

Vị chủ tọa nhận thấy trong giọng nói của Đức có vẻ bất cần, oán thán người dì. Với mong muốn hóa giải hận thù cho hai dì cháu, vị chủ tọa phân tích: “Bị cáo hãy suy nghĩ thật kĩ. Chúng tôi nhận thấy mức án tòa sơ thẩm tuyên có phần nặng”. Đức không nói gì. Vị chủ tọa hỏi tiếp: “Bị cáo có oán giận gì dì của mình không?”. Đức rấm rức khóc nhưng không nói gì. Sau một hồi khuyên nhủ, Đức chấp nhận giữ nguyên bản kháng cáo.

Nước mắt của đứa cháu lấy trộm tiền dì ruột - 2

Mẹ bị cáo cho biết chỉ mong Đức được trở về.

Chủ tọa mời mẹ của Đức lên và hỏi câu tương tự. Bà khóc trong tức tưởi: “Tôi cứ nghĩ trả tiền cho dì nó là hết chuyện. Không thể ngờ bây giờ Đức lại gặp cảnh như thế này. Chồng tôi bị tai nạn, nằm liệt giường suốt 15 năm. Ông ấy mới mất vì không có tiền chữa trị. Khi vụ án mới xảy ra, tôi buồn quá còn định tự tử nhưng không thành. Tôi chỉ mong con tôi được về sớm”.

Nhận thấy nỗi lòng của mẹ con Đức, chủ tọa công bố đơn xin bãi nại của người dì với nội dung: “Sau khi tôi báo việc mất trộm cho công an khu vực, bên công an điều tra đến gặp tôi làm việc. Khi tôi biết Đức lấy số tiền trên về cho cha mẹ cháu và mẹ cháu đã đem tiền trả lại cho tôi, tôi yêu cầu công an khép lại hồ sơ vụ án để cháu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

“Mặc dù bị hại đã rút kháng cáo, nhưng vụ án này được điều tra theo đơn trình bày mất trộm nên Đức vẫn phạm tội, chứ dì của bị cáo có lòng tốt”, chủ tọa nói. Chủ tọa nhẹ nhàng: "Pháp luật bên cạnh mang tính răn đe còn có thêm sự khoan hồng và tình cảm. Không chỉ là bị cáo mà còn rất nhiều trường hợp khác, hãy suy nghĩ thật kĩ để đừng rơi vào con đường sai trái".

Dường như đã hiểu được những lời tâm huyết của chủ tọa, cả Đức lẫn mẹ đều rưng rưng nước mắt. Đức cho biết: "Từ trước đến nay, dì luôn quan tâm mình. Trong suốt thời gian qua, bị cáo cứ nghĩ dì là người đẩy mình vào con đường tù tội. Tuy nhiên, thông qua đây, bị cáo nhận thức, mình làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Bây giờ, bị cáo mong sớm được trở về để làm lại cuộc đời, làm ăn lo lắng cho mẹ và nuôi em ăn học".

Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là nguy hiểm, gây hoang mang cho xã hội. Tuy nhiên, nhận thấy bị cáo còn nhỏ, lấy tiền về cho gia đình, nạn nhân và bị cáo có quan hệ ruột thịt, nạn nhân đã có đơn xin bãi nại, hoàn cảnh gia đình khó khăn, số tiền đã được trả lại… nên quyết định giảm án từ 2 năm 6 tháng còn 6 tháng 12 ngày tù, bằng với thời gian tạm giam, tuyên trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa.

Mức án vừa được tuyên, cả Đức lẫn mẹ đều khóc. Người mẹ chắp tay, vái lạy HĐXX: “Tôi đội ơn các vị đến suốt đời. Nếu không có sự thấu tình, đạt lý của các vị thì tương lai của con tôi như thế nào”. Tất tả hỏi đường chạy đến trại giam Chí Hòa để đón con, người mẹ cho biết thêm: “Cách đây mấy hôm, đứa con gái nhận được giấy báo đậu đại học Bách Khoa TP.HCM. Nay, Đức về, niềm vui của gia đình được nhân đôi”.

Khôi Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự