Nước mắt... kẻ cướp

Ngày 12/02/2016 10:36 AM (GMT+7)

Hình ảnh bị cáo sau khi nghe tuyên án đã mừng rỡ ôm đứa con còn mỏng manh bé nhỏ, rồi khóc lặng đi với hàng nước mắt giàn giụa làm lòng chúng tôi cảm thấy nhẹ tênh…

Sau khi công bố xong quyết định đưa vụ án ra xét xử, tôi quan sát bị cáo và những người có mặt trong khán phòng.

Bị cáo là một thanh niên còn trẻ, không nhìn vào hội đồng xét xử mà thỉnh thoảng dáo dác nhìn ra ô cửa sổ của phòng xử. Ngoài đó, một phụ nữ đang bế một đứa bé gái kháu khỉnh có lẽ chưa được tròn tuổi. Mắt bị cáo sáng lên như nhìn thấy một nguồn hạnh phúc vô bờ.

Sau khi vị đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng xong, tôi hỏi bị cáo: - Hành vi mà bị cáo cướp giật chiếc ví tiền của người phụ nữ ở chợ như trong bản cáo trạng đã nêu như vậy có đúng không?

Bị cáo nhìn ra song cửa sổ rồi mới trả lời: - Thưa tòa, đúng! - Mục đích bị cáo cướp giật tài sản của người khác để làm gì?

Bị cáo lại nhìn ra ô cửa sổ, lặng đi một lát rồi mới nói: - Thưa tòa, vì hôm ấy con tôi bệnh, người nó nóng như cục lửa, hai vợ chồng thì không có tiền, nhà cũng chẳng có gì đáng giá để đi cầm cố. Trong lúc quá túng quẫn, bị cáo đi loanh quanh xem có ai sơ hở gì thì trộm cắp bán để kiếm tiền mua đỡ ít thang thuốc cho con. Thấy chị phụ nữ đang mua đồ trong chợ, bị cáo đã giật vội chiếc ví của chị ấy, nhưng chưa kịp chạy thoát thì bị những người trong chợ bắt được.

Tôi hỏi bằng giọng mỉa mai: - Cần tiền mua thuốc cho con hay do bị cáo muốn có tiền tiêu xài mà lười lao động như bản cáo trạng đã nêu? - Thưa tòa, không phải ạ! - Lúc bị cáo thực hiện việc cướp giật thì con của bị cáo được mấy tuổi? - Thưa tòa, lúc đó con của bị cáo chưa đầy một tháng tuổi.

Tôi nhìn vào bản lý lịch của bị cáo, trong đó ghi nhận bị cáo có vợ và con còn nhỏ. Tôi hỏi tiếp anh ta: - Hôm nay vợ của bị cáo có đến dự phiên tòa không? - Thưa tòa có. Vợ con của bị cáo ngoài kia ạ!

Nhìn theo hướng chỉ của bị cáo về ô cửa sổ, vị trí của cô gái trẻ đang bồng đứa bé trên tay. Do nội quy phiên tòa không cho phép đưa trẻ em vào phòng xử án nên vợ của bị cáo đã tìm cách đứng ở ô cửa sổ ấy cho cha được gặp mặt con, vợ chồng được nhìn thấy nhau.

Tôi cho người vợ bế đứa bé vào phòng xử rồi hỏi cô ta: - Quan hệ của chị với bị cáo là thế nào? - Dạ thưa tòa, anh ấy là chồng của con. - Có đúng là hôm bị cáo đi cướp giật là hôm đứa bé này bị ốm không? - Dạ, thưa tòa, hôm đó con của tụi con nóng sốt quá, mà nhà thì nghèo, chỉ có chồng con đi làm nghề bốc vác, nhưng chỉ làm khi nào có hàng mà thôi. Mấy hôm con sinh em bé xong thì chồng con không có việc, nhằm hôm đó con bé nóng sốt rồi lên cơn co giật mà nhà thì chẳng có đồng xu nào cả. Con đâu biết ảnh đi ăn cướp để kiếm tiền mua thuốc cho con bé đâu. Khi công an bắt xong mới báo cho con biết là ảnh đi cướp giật…

Nước mắt... kẻ cướp - 1

(Ảnh minh họa)

Phiên tòa hôm ấy, sau khi nghị án, hội đồng xét xử chúng tôi quyết định tuyên bị cáo có tội, nhưng phạt bị cáo mức án tù bằng với thời gian đã bị tạm giam và trả tự do cho anh ta ngay tại phiên tòa.

Có thể đó là một vở kịch khéo léo của vợ chồng bị cáo để lừa bịp hội đồng xét xử nhằm đánh vào lòng trắc ẩn của chúng tôi... Nhưng chúng tôi luôn tin vào sự hướng thiện của con người.

Sau phiên tòa ấy, VKS đã kháng nghị theo hướng đề nghị cấp Phúc thẩm tăng nặng hình phạt đối với bị cáo vì chúng tôi đã xử quá nhẹ so với mức đề nghị của họ.

Nhưng hình ảnh bị cáo sau khi nghe tuyên án đã mừng rỡ ôm đứa con còn mỏng manh bé nhỏ, rồi khóc lặng đi với hàng nước mắt giàn giụa làm lòng chúng tôi cảm thấy nhẹ tênh…

Theo Cựu thẩm phán Phạm Công Út
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự