Ô nhiễm hồ Ngọc Khánh, người dân dễ mắc những bệnh gì?

Ngày 20/05/2016 13:20 PM (GMT+7)

Trước tình trạng ô nhiễm ở hồ Ngọc Khánh, nếu không được giải quyết triệt để người dân sống quanh khu vực này dễ mắc các bệnh về hệ hô hấp, tiêu hóa…

Lâu nay vấn đề ô nhiễm môi trường đang khiến dư luận vô cùng bức xúc, trong số đó là ô nhiễm nguồn nước, mặt nước ở các kênh sông, mặt hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội, điển hình trong số đó là hồ Ngọc Khánh. Các cư dân sống tại khu vực này đã rất nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý vấn đề này, nhưng thực tế vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Một người dân sống ở khu vực hồ Ngọc Khánh chia sẻ: “Hồ Ngọc Khánh mới được cải tạo xong vào cuối năm ngoái. Cảnh quan khang trang hơn rất nhiều.

Ô nhiễm hồ Ngọc Khánh, người dân dễ mắc những bệnh gì? - 1

Cảnh ô nhiễm ở hồ Ngọc Khánh sau khi vớt tảo được hơn 1 tuần (ảnh chụp ngày 18/5).

Tuy nhiên vì nhiều lý do mà tảo lục phát triển cực kỳ hôi thối. Vấn đề này đã được các báo đài đề cập đến nhiều. Chính quyền và chủ đầu tư cũng đã có những biện pháp rất tích cực trong việc dọn tảo và rắc thuốc.

Các biện pháp trên đã phát huy tác dụng nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, khoảng 2 tuần. Đến 3 ngày hôm nay tảo lại mọc nhiều như cũ và hôi thối khủng khiếp. Có nghĩa là các biện pháp cũ chỉ giải quyết được vấn đề trong ngắn hạn chứ không được dài hạn.

Vậy cần có sự tham gia quyết liệt hơn của chuyên gia nước ngoài để giúp giải quyết tình trạng này”.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước – Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, công trình cải tạo hồ Ngọc Khánh được khởi công từ tháng 6/2015 và hoàn thành tháng 2/2016.

Sau khi thi công xong, toàn bộ nước thải sinh hoạt đã được tách không chảy vào hồ. Sau khi hoàn thành thi công, đơn vị đã thực hiện duy trì vệ sinh 1 lần/tuần giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2016.

Ô nhiễm hồ Ngọc Khánh, người dân dễ mắc những bệnh gì? - 2

Các công nhân thường xuyên vệ sinh hồ nhưng chưa giải quyết được triệt để.

Riêng đối với tình trạng rêu xanh, tảo mọc, bốc mùi hôi thối trên hồ Ngọc Khánh, ông Hùng cho biết, đối với các hồ sau khi cải tạo thường xuất hiện tảo, tảo phát triển mạnh trong điều kiện dư ánh sáng và hệ sinh thái chưa ổn định (dư Nitơ).

Đặc biệt, trong tháng 4/2016 đã có những trận mưa trên 10mm và mực nước hồ đã lên cao hơn 2,5m. Trong điều kiện nắng đầu hè nên tảo lục phát triển mạnh, đầu tháng 5/2016 bắt đầu chết và nổi váng trên mặt hồ gây ô nhiễm, bốc mùi.

Hiện tại, biện pháp khắc phục tình trạng này là huy động công nhân trục vớt rêu tảo và rác thải, sau đó cho vào bao kín rắc vôi và hóa chất để tiêu diệt tảo và tránh ô nhiễm. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ khắc phục được tình trạng trên tại hồ Ngọc Khánh.

Trước tình trạng ô nhiễm tại hồ Ngọc Khánh trong suốt thời gian qua, các chuyên gia kiến nghị, cơ quan nhà nước đặc biệt là bên môi trường phải nhanh chóng vào cuộc giải quyết triệt để vấn đề, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

“Về cơ bản người dân sẽ không bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ngầm, vì giờ người dân sử dụng hệ thống nước sạch trong đường ống chứ không sử dụng nước giếng như ngày xưa. Nhưng vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe đó chính là việc ô nhiễm mặt nước, bốc mùi hôi thối sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tuần hoàn và tiêu hóa của con người”, một chuyên gia môi trường nhận định.

Theo đó, việc người dân thường xuyên hít phải khí xú uế bốc lên từ hồ sẽ gây nên các chứng bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là trẻ nhỏ khi hệ hô hấp chưa hoàn thiện, nếu lâu dẫn sẽ gây nên những bệnh hô hấp mạn tính nguy hiểm. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm này còn gây nên các bệnh về mắt, đặc biệt là viêm kết giác mạc. Không chỉ có vậy, các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, kiết lỵ sẽ có nguy cơ bùng phát vì tình trạng ô nhiễm khiến các loại vi khuẩn có hại phát triển nhanh chóng.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự