Ở nơi đám cưới con gái không lấy tiền mừng

Ngày 23/02/2015 14:06 PM (GMT+7)

Nhiều xã ven biển huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho đến nay vẫn duy trì nhiều tập tục lạ, trong đó có tục đám cưới con gái là không được nhận tiền, quà và cả làng thỏa sức được đi ăn... miễn phí.

Tục lệ lạc hậu, vẫn phải “cố gắng duy trì”

Ở các xã như Diễn Bích, Diễn Kim, Diễn Vạn…tục đám cưới con gái không lấy tiền mừng đã có từ xa xưa. Trước đây khi có con gái trong nhà đám cưới, các cụ vui mừng, làm heo, làm gà mời anh em trong nội tộc, bà con láng giềng đến chung vui. Khi có khách đến dự đám cưới của con gái mình, gia chủ mừng khôn xiết họ còn tặng quà cho khách đến tham gia tiệc mừng.

Thời gian trôi qua từ đời này sang đời khác, ở các địa phương này nếu cứ có đám cưới của con gái là khách mời đến ăn uống miễn phí, còn có quà cầm về. Dù thế hệ sau này, biết đây là tập tục lạc hậu ảnh hưởng đến văn hóa, kinh tế của nhiều gia đình, xã hội nhưng hầu hết họ không thể xóa bỏ được mà vẫn phải “cô gắng” duy trì và bỏ dần.

Ở nơi đám cưới con gái không lấy tiền mừng - 1

Một đám cưới tại xã Diễn Bích.

Để hiểu rõ hơn về tập tục lạ này chúng tôi đã trao đổi với ông Bùi Xuân Diệu, bí thư chi bộ (xóm tiền tiến, Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An). Ông Diệu cho biết: “Từ đời xa xưa, các gia đình có đám cưới của con gái đã không lấy tiền, lấy quà. Họ sống bằng tình cảm, tình nghĩa anh em xóm làng với nhau. Thực ra mà nói, ngày xưa các cụ có tư tưởng là quý trọng con trai hơn, nên khi đám cưới con trai thì tổ chức linh đình còn con gái thì chỉ làm qua loa một chút thôi. Hơn nữa với quan niệm con gái lấy được chồng, đó là một niềm vui cần phải có tiệc lớn để đãi mọi người.

Trải qua nhiều thế hệ tập tục này đến nay đã lạc hậu, ngày xưa chỉ có mâm hoa quả, miếng trầu, bữa cơm gia đình. Đến nay nếu gia đình nào có đám con gái thì mất cả hàng chục triệu, tốn kém lắm. Mấy năm gần đây, các xã bạn đã dần bỏ được thủ tục này, còn riêng xã Diễn Kim đang trong quá trình “bỏ dần” chứ bỏ đột ngột thì mất tình đoàn kết anh em, láng giềng. Ban văn hoá xã cũng liên tục tuyên truyền vận động người dân để họ hiểu rõ vấn đề này hơn”.

Anh N.P.L (xóm Tiền Tiến, Diễn Kim, Diễn Châu) cho biết: “Nhà có ba đứa con gái, 2 đứa đầu đã xây dựng gia đình, 2 đám cưới trước thì gia đình vẫn làm tiệc miễn phí, mời những gia đình trước đây cũng có đám cưới con gái, mà họ đã “lỡ” mời gia đình mình, rồi anh em họ hàng đến soạn đám cưới giúp. Tuy kinh tế nghèo khó, nhưng cũng phải cố gắng vay mượn tiền làm đám cưới cho con, đẹp mặt đẹp lòng và trên hết là trả ơn cho làng xóm.

Sắp tới làm đám cưới cho đứa con gái thứ 3, tôi sẽ làm theo chủ trương của nhà nước, quyết tâm loại bỏ dần thủ tục này, đám cưới cũng sẽ được tổ chức như các đám trước kia, nhưng số lượng khách gia đình sẽ giảm, cố gắng “tìm cách” để nhận quà hợp tình hợp lý, để không phải mất lòng, qua đó mọi người sẽ hiểu rõ và làm theo thôi".

Chính quyền vận động tuyên truyền, dân bỏ dần thủ tục

Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim là các xã ven biển, bãi ngang dân cư động đúc họ chủ yếu sống bằng nghề đi biển, làm nông và nghề muối. Mỗi năm, các địa phương này có hàng trăm đám cưới, trong đó 50% là cưới con gái. Đám cưới con trai thì nhận quà mừng, nhưng cưới con gái thì không. 

Trao đổi với ông Phạm Văn Hùng, chủ tịch UBND xã Diễn Bích, ông Hùng chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền vận động, tuy nhiên thay đổi còn chậm, vì còn nhiều mối quan hệ chồng chéo. Song đến nay đã có khoảng hơn 20% đám cưới con gái đã nhận quà mừng. Thế hệ trẻ thời này, nhận thức tốt và hiểu mọi việc hơn họ quyết tâm xóa bỏ thủ tục, nếu cứ tiền lệ như thế thì thủ tục lạc hậu sẽ được bỏ hoàn toàn”. 

Từ khi chính quyền vào cuộc tuyên truyền vận động bà con về nếp sống văn hóa mới, nhiều gia đình đã mạnh dạn áp dụng bỏ thủ tục lạc hậu. Qua đó giảm thiểu áp lực về kinh tế, nhiều đám cưới đã không còn tổ chức linh đình, không tổ chức mời cả làng đi cưới như xưa.

Chị N.T.T (sinh năm 1990), xã Diễn Bích nói: “Sắp tới em làm đám cưới bố mẹ em cũng đã bàn bạc với gia đình sẽ không tổ chức linh đình, mời ít nhưng nhận quà luôn, để trang trải một phần kinh phí. Chứ không đám xong là nợ nần chồng chất, vợ chồng ôm cả một đống nợ. Nhà em sẽ nhận quà, dần sau đó làng xóm, anh em nếu có đám cưới con gái họ cũng sẽ nhận quà. Như thế cuộc sống sẽ ngày một văn minh hơn".

Tiến Dũng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan