Phụ huynh lo lắng vì “cháy” vaccine tiêm dịch vụ

Ngày 31/03/2014 10:37 AM (GMT+7)

Nhiều ngày qua, cư dân tại TPHCM và Hà Nội có con em trong độ tuổi tiêm chủng đang trong tình trạng lo lắng khi đúng lịch hẹn, họ đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng dịch vụ thì lại nhận cái lắc đầu vì... hết vaccine.

Lỡ hẹn

Sáng 28/3, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh (trú quận Thủ Đức, TP HCM) đưa con gái gần 7 tháng tuổi đến BV Nhi Đồng 2 chích ngừa vaccine cúm dịch vụ theo lịch hẹn. Tuy nhiên, vợ chồng chị chưng hửng vì nhân viên ở đây lắc đầu “Hết vaccine rồi. Anh chị chịu khó ra ngoài kia xem thông báo nghen...”.

Hóa ra, khu vực tiêm chủng dịch vụ tại đây đã hết vaccine ngừa cúm gần tháng qua. Điều khiến vợ chồng chị Thanh lo lắng là chưa có thông tin khi nào mới có vaccine để đưa con đi tiêm tiếp. Trong buổi sáng ấy, có không ít cặp vợ chồng cùng hoàn cảnh bị lỡ hẹn như vợ chồng chị Thanh và đều trong tâm trạng lo lắng bởi họ đã cố gắng theo đuổi chương trình tiêm chủng dịch vụ vừa tốn tiền, vừa xa xôi...

Phụ huynh lo lắng vì “cháy” vaccine tiêm dịch vụ - 1

Trẻ được tiêm ngừa đúng ngày, đủ liều sẽ giúp bố mẹ yên tâm. Ảnh: Đỗ Bá

Không chỉ BV Nhi Đồng 2 mà hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM có bố trí khu vực tiêm chủng dịch vụ đều trong tình trạng “cháy” vaccine ngừa cúm. Bên cạnh đó, 3 loại vaccine dịch vụ khác cũng không còn là 6 trong 1, 5 trong 1 và vaccine ngừa thủy đậu.

TS.BS Cao Hữu Nghĩa-phụ trách khu vực dịch vụ khám- tiêm chủng thuộc Viện Pasteur TPHCM chia sẻ: “Các bậc phụ huynh không cần đi nơi này nơi kia hỏi, vì hết vaccine đang là tình trạng mà hầu hết các cơ sở y tế tại thành phố đang vướng phải”.

Hiện các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM có dịch vụ này đều nỗ lực đảm bảo lợi ích của khách hàng, qua đó cũng là đảm bảo lợi ích của đơn vị mình. Vì thế tình trạng “hết vaccine tiêm dịch vụ” là điều mà không nơi nào mong muốn. Theo TS.BS Trần Quang Tuấn- Phó Giám đốc Bệnh viện An Sinh, tình trạng hết vaccine là do “đứt nguồn cung”. Theo BS Tuấn, nguồn cung các loại vaccine tiêm chủng dịch vụ hầu hết là của những đơn vị nước ngoài và khi họ thông báo “hết” thì các cơ sở y tế cũng đành chịu.

Từ góc độ chuyên môn, TS.BS Cao Hữu Nghĩa cho hay, với những loại vaccine cần chích ngừa nhiều mũi (ví như 2 mũi chẳng hạn), nếu chưa hoàn tất mũi thứ 2 và để kéo dài quá lâu thì tác dụng của mũi thứ nhất sẽ giảm khá nhiều, thậm chí sẽ phải chích lại từ đầu. Vì vậy, tình trạng thiếu hụt vaccine mà chưa biết khi nào mới có trở lại như hiện nay, ngoài hậu quả không thể hoàn thiện khả năng ngừa bệnh của trẻ, còn khiến các bậc phụ huynh thêm phần tốn kém.

Bộ Y tế đang rốt ráo vào cuộc

Hiện dịch thủy đậu đang có xu hướng lan rộng và 20.000 liều vaccine thủy đậu đã về Việt Nam, nhưng người dân có nhu cầu tiêm phòng vẫn phải đợi thêm một thời gian nữa.

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), không giống như 11 vaccine thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia hàng năm được Bộ Y tế  chủ động dự trù theo kế hoạch và cung ứng miễn phí cho trẻ em trên toàn quốc, vaccine phòng bệnh thủy đậu là sản phẩm được cung cấp theo nhu cầu của thị trường. Vì thế, việc đảm bảo cung ứng sản phẩm này là do dự trù của các cơ sở tiêm phòng dịch vụ, cơ sở khám bệnh và chữa bệnh theo nhu cầu thị trường để đặt hàng các đơn vị kinh doanh, nhập khẩu vaccine cung ứng. Tuy nhiên, bệnh thủy đậu đôi khi diễn biến thất thường dẫn đến việc dự trù của các cơ sở kinh doanh chưa sát với thực tế gây khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung như thời gian này.

Trước tình trạng “cháy” vaccine thủy đậu, Cục Quản lý dược đã cho phép nhập khẩu khẩn cấp 77.800 liều theo hình thức giấy phép nhập khẩu chưa có số đăng ký. Đây là  biện pháp trong trường hợp khẩn cấp để đảm bảo cung ứng thuốc khi có dịch bệnh diễn biến phức tạp. 77.800 liều vaccine thủy đậu trên đang được nhà sản xuất khẩn trương kiểm tra chặt chẽ chất lượng an toàn trước khi xuất xưởng và khi về Việt Nam phải được Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế kiểm định theo quy định.

Hiện nay, 20.000 liều vaccine thủy đậu có số đăng ký đã được nhập về Việt Nam. Tuy nhiên, vaccine không giống như thuốc tân dược (khi nhập khẩu về có thể lưu hành và cung ứng  ngay cho bệnh nhân), sau khi nhập khẩu phải mất khoảng thời gian kiểm định về độ an toàn trên động vật thí nghiệm và một số trường hợp kiểm định tính sinh miễn dịch, nên thời gian từ khi nhập khẩu đến khi lưu hành, cung cấp cho thị trường sẽ dài hơn.

Hãy đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ theo lịch của Bộ Y tế

Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng nhận định, người Việt Nam chưa có thói quen tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine ngừa thủy đậu lại được cung ứng theo đường tiêm dịch vụ nên các đơn vị nhập khẩu không muốn nhập nhiều, sợ không bán được. Vì thế, cứ mỗi khi có dịch, nhiều người lại đổ xô đi tiêm, dẫn đến tình trạng thiếu vaccine. Chính vì thế muốn phòng bệnh cho con, các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm chủng của Cục Y tế dự phòng chứ đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Đưa trẻ đi tiêm chủng là một việc làm hết sức cần thiết của các bậc phụ huynh vì lợi ích trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhằm để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau cho con em mình, tiêm ngừa giúp ngăn chặn được nhiều đại dịch bệnh nguy hiểm.

Theo Thanh Giang - T. Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan