Rơi nước mắt trong 'trận chiến' với Ebola

Ngày 21/08/2014 15:48 PM (GMT+7)

Chỉ trong vòng 2 ngày 17 và 18/8, đã có thêm 106 trường hợp tử vong vì virus chết người Ebola.

Số ca tử vong tăng đột biến

Theo thông cáo mới nhất được công bố bởi Tổ chức Y tế thế giới hôm qua (20/8), kể từ khi bùng phát hồi tháng 3 vừa qua, đến nay, dịch bệnh Ebola đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.350 người, chủ yếu tại Tây Phi.

Liberia trở thành nơi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nhất với 972 ca mắc, trong đó có 576 ca tử vong. Ngày 19/8, Liberia áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21 giờ tối đến 6 giờ sáng trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola.

Rơi nước mắt trong trận chiến với Ebola - 1

Bé gái bỏ chạy sau khi đội mai táng chuẩn bị thu gom thi thể một người phụ nữ chết do nhiễm Ebola

Chỉ trong hai ngày 17 và 18/8, 3 nước có dịch bệnh do virus Ebola là Guinea, Liberia và Sierra Leone đã ghi nhận thêm 221 trường hợp mắc mới, trong đó có 106 trường hợp tử vong.

WHO cũng cảnh báo về tình trạng thiếu nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác tại vùng "tâm bão" Ebola. Điều này xuất phát từ việc một số hãng hàng không và dịch vụ vận chuyển tạm ngừng cung cấp cho một số trung tâm cư dân ở các quốc gia Liberia, Sierra Leone và Guinea.

Đại diện WHO cho biết họ đang làm việc với Chương trình lương thực thế giới của LHQ để đảm bảo cung cấp đủ nguồn lương thực cho 1 triệu người sống ở khu vực cách ly vì dịch Ebola.

Rơi nước mắt trong trận chiến với Ebola - 2

Một phòng học được sử dụng làm nơi cách ly Ebola

Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, cảnh sát và quân đội nước này đã dùng gỗ và dây thép gai nhằm lập một khu cách ly 50.000 người trong một khu ổ chuột ở West Point, ngoại ô Monrovia để kiểm soát dịch Ebola đang bùng phát mạnh.

Hàng trăm cư dân đã đụng độ với cảnh sát. Trong cuộc tấn công, có tới 30 bệnh nhân nghi nhiễm Ebola đã chạy trốn. Hiện có lo ngại vụ tấn công trung tâm cách ly có thể khiến dịch Ebola lan rộng trong khu ổ chuột – nơi có ít nhất 50.000 người sống.

Mặc dù dịch Ebola chưa có dấu hiệu lắng dịu tại các quốc gia Tây Phi, tuy nhiên, WHO cũng ghi nhận những dấu hiệu đáng khích lệ tại Nigeria và Guinea, nơi các biện pháp phòng ngừa đã bắt đầu có tác dụng.

Những đứa trẻ bị đối xử tệ bạc tại 'tâm bão' Ebola

Vào tuần trước, cả thế giới bị ám ảnh bởi tiếng khóc của một bé gái 12 tuổi bị nhốt cùng thi thể mẹ chết do nhiễm Ebola trong một ngôi nhà khóa kín. Cuối cùng, tiếng khóc của Fatu Sherrif cũng không còn nữa.

Bé gái 12 tuổi này không thể chống lại căn bệnh do Ebola, loại virus đang tàn phá Liberia cùng nhiều quốc gia Tây Phi khác, gây ra. Cả gia đình bé đã tử vong vì Ebola. Người sống sót duy nhất trong gia đình là anh trai của Fautu, cậu bé Barnie (15 tuổi). Fatu Barnie có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Ebola nhưng vẫn bị dân làng xa lánh.

Rơi nước mắt trong trận chiến với Ebola - 3

Thi thể các bệnh nhân nhiễm Ebola được vận chuyển ra chỗ chôn cất ở Liberia

Ngôi làng Ballajah nằm cách Thủ đô Monrovia (Liberia) 150km đã phải chứng kiến những cảnh tượng khốn cùng khi dịch Ebola hoành hành. Đi lại vật vờ như một xác chết, bị dân làng xa lánh, người thân chuẩn bị sẵn quan tài ngay khi biết nhiễm bệnh,... đó là số phận của những bệnh nhân Ebola nơi đây.

Mới đây, cậu bé Saah Exco, 10 tuổi, là một trong 17 người bỏ trốn trong đêm bạo động ở Lyberia đã trở về. Dù chưa có bất cứ kết quả xét nghiệm nào cho thấy cậu bé bị nhiễm Ebola nhưng vẫn bị nhân viên y tế đối xử tệ bạc, lột quần áo và đuổi ra đường.

Rơi nước mắt trong trận chiến với Ebola - 4

Dù chưa có xét nghiệm nào chứng tỏ Saah Exco nhiễm Ebola nhưng các nhân viên y tế từ chối chữa bệnh cho cậu bé vì sợ lây nhiễm.

Những hình ảnh được công bố cho thấy người dân địa phương tò mò tụ tập xung quanh cậu bé Saah Exco 10 tuổi bị bỏ trần truồng ngồi trên một chiếc xô lật ngược trong con hẻm tại khu ổ chuột West Point ở Monrovia, Liberia. Trên người cậu bé, mồ hôi thi nhau chảy từng giọt vì cơn sốt.

Nhiều bệnh nhân Ebola tại Liberia đang bị chính người thân bỏ lại trên những con đường vì họ sợ hãi và tuyệt vọng trong nỗ lực tránh lây nhiễm. Nhưng chính hành động này của họ khiến giới y tế quốc tế lo ngại hơn về sự lây lan virus và làm cho dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Liberia.

Hà Anh (T.H)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch Ebola