Rợn người vắt bò lổm ngổm trong mai cua

Ngày 19/06/2014 00:03 AM (GMT+7)

Cạy vỏ mai cua để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, anh Chí Cường (Bắc Quang – Hà Giang) thấy rợn người vì hàng chục con vắt lớn nhỏ đang bò lổm ngổm bên trong.

Những ngày hè nóng nực, canh cua là món ăn được rất nhiều gia đình yêu thích bởi canh cua vừa giúp giải nhiệt, thải chất béo lại nhuận tràng. Không chỉ thế, cua đồng từ lâu đã được mọi người biết đến là món ăn giàu chất dinh dưỡng, nhiều đạm, sắt, chất béo, canxi, có tác dụng giảm đau nhức xương khớp… rất tốt cho sức khỏe… Chính vì thế, hình ảnh bên trong lớp mai cua nhung nhúc hàng chục con vắt lớn nhỏ đang bò lổm ngổm đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng và thậm chí là kinh sợ.

Rợn người vắt bò lổm ngổm trong mai cua - 1

Hàng chục con vắt bò lổm ngổm trong mai cua (Ảnh cắt từ clip)

Cụ thể, theo chia sẻ của anh Cường, khi mua một mớ cua đồng vẫn còn nguyên bùn đất từ người bán, anh sơ chế cua để chuẩn bị cho bữa ăn của gia đình. Tuy nhiên, khi vừa bóc mai của một con cua lên, anh bủn rủn tay chân khi bên trong nó có rất nhiều con vắt. Con lớn nhất, màu hồng liên tục bò bên trong mai, những con nhỏ hơn màu trắng đục liên tục ngoe nguẩy. Không thể đếm chính xác số lượng những vắt, sán này, nhưng theo anh Cường ước lượng, trong một con cua đồng nhỏ này, có ít nhất hàng chục “con vật lạ” ký sinh.

Ngay sau đó, anh Cường cẩn thận quay lại clip, đăng tải trên trang mạng xã hội của mình với lời khuyến cáo dành cho các bà nội trợ khi mua cua về nấu cho gia đình. Ngay lập tức, clip của anh Cường đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng, nhất là những người nội trợ và những người vẫn coi cua là món ăn khoái khẩu ngày hè. Đa số các ý kiến nhận xét đều chia sẻ, họ cảm thấy hoang mang, kinh sợ khi xem clip này và có lẽ sẽ phải “khai tử” món cua ra khỏi thực đơn hàng ngày.

Rợn người vắt bò lổm ngổm trong mai cua - 2

Trong một con cua đồng nhỏ này, có ít nhất hàng chục “con vật lạ” ký sinh. (Ảnh từ clip)

Chị Hồ Thị Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) sửng sốt: “Thật không thể ngờ được là cua đồng lại có nhiều vắt và các con sán, giun đến thế. Nhìn chúng bò nhung nhúc trong thịt cua mà tôi thấy hoảng hốt quá. Món ăn mà mình tưởng rằng sạch, đảm bảo bởi nó có ở tự nhiên, hóa ra lại bẩn đến thế. Chắc sau này tôi sẽ cẩn thận hơn khi mua cua và khi nấu canh cho gia đình mình ăn”.

Chị Mai Kiều Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Hôm qua, mình mua cua về tự làm, trước đó toàn nhờ giúp việc làm. Sau khi lấy gạch cua ra, đổ mai cua đi thì thấy nhiều con sán/đỉa nhỏ xíu màu hồng hồng, hai đầu co vào rồi lại dài ra nhìn rất hãi. Mình kiểm tra lại bát gạch cua đã khêu thì cũng thấy có vài con. Kiểm tra phần thịt cua giáp với mai cua thì chưa nhìn thấy gì, nhưng không đảm bảo là không có con gì cả. Sợ quá, mình đổ hết cả đống cua vừa làm đi, kinh hãi không dám ăn nữa”.

Tỏ rõ sự sợ hãi khi chứng kiến cảnh cua nhung nhúc vắt, chị Nguyễn Thị Thùy (Nguyễn Ngọc Vũ – Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Trời ơi, từ trước đến nay vì chủ quan rằng cua đồng sạch, đảm bảo nên tôi toàn mua cua xay sẵn ngoài hàng. Nếu cua đồng có vắt nhiều thế này thì không biết bao nhiêu năm qua tôi và chồng con đã ăn không biết bao nhiêu con vắt rồi”.

Rợn người vắt bò lổm ngổm trong mai cua - 3

Vụ việc này khiến nhiều bà nội trợ lo lắng

Nói về việc trong cua đồng có vắt, sán, đỉa, anh Hồ Văn Tùng, một người chuyên bán cua cá trong chợ Triều Khúc (Thanh Xuân) cho biết: Cua đồng thường sống ở trong bùn, ao. Tuy nhiên, hiện nay ao đầm, sông suối đều bị ô nhiễm, có nguồn nước rất bẩn nên cua đồng rất dễ có vắt, sán, đặc biệt là vào mùa mưa.

Trao đổi về vấn đề này, TS Phan Thanh Tâm (Bộ môn Công nghệ Thực phẩm – Sau thu hoạch, Viện Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trong môi trường nước bẩn, cua rất dễ bị vắt, sán, đỉa sống ký sinh.

Do đó, khi mua về nấu ăn, cần mua những con cua tươi sống, khi chế biến cần làm sạch, thấy có vật ký sinh thì nên loại bỏ, không nên có tâm lý “tiếc của”. Đặc biệt, để đảm bảo sức khỏe, các bà nội trợ nên mua cua về tự làm, chọn những con cua tươi sống. Khi làm cua, chú ý đến phần mai cua – là nơi vắt, sán trú ẩn. Sau khi làm sạch, nên ngâm thịt cua trong nước muối để vắt, sán nếu có sẽ bò ra.

Không chỉ có vắt, sán, rất có thể trong thịt hoặc thân cua còn có trứng giun sán, ấu trùng bám vào. Vì thế, chúng ta cần tuân thủ quy tắc ăn chín uống xôi, vệ sinh tay chân sạch sẽ khi nấu nướng, tránh để những loại ấu trùng, trứng này đi vào cơ thể, sống ký sinh ở ruột, cơ bắp, não, mắt… rất nguy hiểm.

Xem video (nguồn Youtube):

Một số lưu ý để làm sạch cua:

Nên mua cua tươi sống về tự làm, tuyệt đối không nên mua cua xay sẵn ngoài hàng.

Khi sơ chế, cần rửa cua qua nhiều nước, ngoáy thật kỹ nước để cua thật sạch. Khi làm cua, nên cho thêm một chút muối vào ngâm.

Khi làm, có thể bỏ phần gạch cua đi vì đây là nơi vắt, sán trú ngụ nhiều nhất.

Khi cua đã được giã kỹ và lọc phải để lắng rồi lọc qua lọc lại nhiều lần từ nồi này qua nồi khác. Một kinh nghiệm hữu ích là bỏ vào nồi nước cua (chua nấu) mấy cọng rau răm tươi đã rửa sạch kỹ để vắt, sán có thể bám vào, giúp ta dễ dàng loại bỏ chúng.

Để đảm bảo an toàn, khi nấu canh, nhớ đun nhỏ lửa cho gạch nổi lên rồi dùng vợt inox hớt gạch ra, sau đó đun thật kỹ phần nước canh cua còn lại.

Hồng Hải
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn