Rong ruổi "săn" đào, quất sau Tết

Ngày 09/02/2014 05:38 AM (GMT+7)

Nếu như trước Tết, đào, quất được "săn" về chơi Tết thì sau Tết, khi đào đã tàn, quất đã rụng cũng được "săn tìm" bởi các tay thu gom về trồng lại. Nhộn nhịp chẳng khác trước Tết.

Với nhiều gia đình, đào, quất sau khi chơi xong Tết không còn giá trị gì nên đa phần bỏ đi. Nhưng, với những thợ cây, nhiều cây đào, cây quất, đặc biệt là loại gốc, loại thế thì vẫn rất có giá trị bởi có thể "đầu tư" để trồng lại cho Tết năm sau. Cũng bởi vậy, sau Tết không ít thợ cây rong ruổi trên các con phố Hà Nội để "săn" đào gốc.

Sau Tết, khi nhà nhà chơi xong các gốc đào cũng là thời điểm mà các thợ cây vườn đào nhà ông Đỗ Văn Lan, (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội), vất vả di chuyển các gốc đào quay trở lại vườn.

Theo ông Lan, đây là công việc mà nhà vườn phải chịu chi phí vận chuyển nằm trong hợp đồng thuê đào trước Tết để bắt đầu chuẩn bị các công đoạn làm đào cho Tết năm sau.

Rong ruổi quot;sănquot; đào, quất sau Tết - 1

Rong ruổi săn các gốc đào bỏ đi về trồng lại

Tại thời điểm này, không khí lao động tại vườn đào Nhật Tân, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội không thua kém là mấy so với thời điểm trước Tết.

Các lao động thời vụ như: xe kéo, ba gác, xe tải nhỏ và cửu vạn làm việc không ngơi tay. Di chuyển từ gốc đào lớn mà người chơi vừa chơi xong Tết để các thợ cây bắt đầu làm lại.

Theo những thợ cây lâu năm, không phải gốc đào nào cho thuê trước Tết cũng được làm lại, trồng lại sau Tết, bởi, đa phần đào gốc Nhật Tân hiện tại được cấy ghép từ các gốc đào rừng, thế nên trung bình một gốc đào này chỉ có tuổi thọ khoảng 5-7 năm là cho ra hoa đẹp như ý.

Do đó, chỉ những gốc đào còn đẹp, còn tuổi thọ mới được giữ lại để trồng cho Tết năm sau. Những gốc đào đã già cỗi dù đẹp vẫn không còn giá trị sử dụng nên phải bỏ đi.

Cũng bởi vậy, mà trên khắp các con phố Hà Nội, không khó gì để bắt gặp những thợ cây rong ruổi "săn" các gốc đào về trồng lại.

Tại một đoạn đường Giáp Bát, có tới ba xe máy nối đuôi nhau, mỗi xe chở tới 4-5 gốc đào thế. Anh Nguyễn Văn Nam quê Thường Tín, Hà Nội cho biết, từ sáng đến giờ đi quanh quanh phố Hà Nội 3 anh em cũng thu được hơn chục gốc đào. Một phần từ nguồn người chơi thuê trước tết giờ lên lấy lại về trồng, một phần xin, nhặt, mua lại được từ nhà dân bỏ đi.

Rong ruổi quot;sănquot; đào, quất sau Tết - 2

Nhà vườn tất bật trồng lại các gốc đào đã chơi Tết

Giá thu mua các cây đào thế, đào gốc này cũng tùy loại to, nhỏ, đẹp xấu khác nhau. Nhưng nhìn chung giá không đáng kể vì người bán cũng không còn nhu cầu chơi, trồng lại nên giá thu mùa gốc đào này chỉ từ mấy chục đến 100-200.000 đồng.

Bên cạnh đào thì quất các loại từ to, nhỏ, thế, dáng nào cũng được các thợ cây thu mua, nhặt về để trồng lại. Giá các loại xác cây quất trung bình có giá từ 50.000 đến 100.000đ/cây loại nhỏ. Loại to đại thì giá có thể đến 200-300.000 đồng, nhưng khá ít.

"Chỉ có những thợ chơi cây, hoặc người biết chơi cây mới biết được giá trị của những thế, gốc đào có thể trồng, làm lại được từ những cây đào bỏ đi. Không ít gốc, thế đào dáng độc nhất, vô nhị có giá hàng chục triệu được "nhặt" về từ những cây đào mà người chơi bỏ đi sau Tết". Một thợ cây kỳ cựu ở làng đào Nhật Tân chia sẻ.

Những gốc đào, quất sau Tết phần lớn được các gia đình chơi xong bỏ đi, nếu có bán cũng chỉ ở mức rất rẻ. Chị Nguyễn Thu Thủy nhà ở phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Trong Tết, tôi mua một gốc đào gần 2 triệu đồng về chơi. Giờ cây đã tàn nhưng chưa biết xử lý ra sao. Vì cây cũng khá to nên công nhân thu gom rác không chở, đành phải chờ xem có người thu gom cây đi qua rồi gọi vào cho".

Với nhiều người thu mua đào, quất sau Tết, việc thu mua này lời lãi khó tính được bởi thu mua, không bán lại mà lấy phôi trồng cho Tết năm sau. Việc đầu tư chăm sóc cả năm, tốn không ít chi phí nhân công, rồi còn phụ thuộc vào thời tiết mới quyết định lỗ lãi được nếu đến Tết năm sau.

Mặc dù Tết vừa qua, hầu hết các chủ vườn đào đều cầm cự ở mức hòa vốn hoặc lãi lờ khôn đáng bao nhiêu. Song, sự nghiệp trồng đào, quất, làm đẹp những ngày Tết đã gắn bao thế hệ, làm nên nét đặc sắc của một vùng đất. Bởi vậy, dù chưa biết Tết năm sau thị trường đào, quất diễn biến ra sao, những người thợ cây ngày ngày vẫn rong ruổi trên các con phố, ngõ ngách của Hà Nội để "săn" những gốc đào, quất bỏ đi về trồng lại.

Hải Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan