Sách giáo khoa của TP HCM sát thực tế hơn

Ngày 23/11/2014 13:53 PM (GMT+7)

Tiếp theo SGK môn vật lý được biên soạn và sử dụng từ năm 2011, năm học này, TP HCM tiếp tục sử dụng SGK môn toán lớp 6 bậc THCS và dự kiến tiếp tục biên soạn ở các lớp theo hướng mới

Ông Trần Đức Huyên, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, một trong những người trực tiếp tham gia biên soạn sách giáo khoa (SGK) môn toán, cho biết cuốn sách mới của Sở Giáo dụcvà Đào tạo (GD-ĐT) được biên soạn theo hướng tích hợp, mang tính thực tiễn và ứng dụng, nhất là ứng dụng về kinh tế.

Ứng dụng thực tiễn

Ông Huyên cho biết SGK ở các quốc gia khác trên thế giới có tính ứng dụng rất cao, gần chúng ta nhất là Singapore. Đặc biệt là Nhật Bản và Úc, sách toán của họ được biên soạn với các chủ đề có tính ứng dụng như toán kinh tế, toán trong cuộc sống hằng ngày với những ứng dụng thực tiễn như thống kê lời lỗ trong kinh doanh và toán thuần túy. “Sách toán của chúng ta bao lâu nay chỉ dừng lại ở toán thuần túy, tức là toán lý thuyết và những bài tập sư phạm ứng dụng lý thuyết mang tính hàn lâm, chỉ dành để đào tạo những nhà giáo dạy toán. Chính vì thế có tình trạng học sinh của chúng ta giải bài tập rất giỏi, giải những bài phương trình không thua kém học sinh nước nào nhưng quay lại tự đặt một phương trình khác thì không biết. Đó là lý do vì sao học sinh chúng ta giỏi nhưng kinh tế vẫn thua kém những quốc gia khác” - ông Huyên nhận định.

Sách giáo khoa của TP HCM sát thực tế hơn - 1

Học sinh Trường THCS Hồng Bàng, TP HCM sử dụng SGK vật lý do Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn trong một tiết học Ảnh: HẠ VĂN

Trên thực tế, từ năm 2011, TP HCM đã thí điểm đưa vào sử dụng SGK vật lý do Sở GD-ĐT TP HCM biên soạn ở khối lớp 6 bậc THCS và dần mở rộng đến khối lớp 8 năm 2013. Tuy các trường chỉ sử dụng như sách tham khảo nhưng nhiều giáo viên, học sinh rất thích thú.

Một giảng viên đang trực tiếp giảng dạy môn vật lý Trường THCS Bạch Đằng chia sẻ: Sách có giao diện phong phú, in màu, nội dung y như SGK của Bộ GD-ĐT nhưng có mở rộng ra thực tế, liên quan đến thực tế và cập nhật những kiến thức mới. Chẳng hạn như bài đo độ dài ở lớp 6, ở SGK của bộ yêu cầu tìm thước đo phù hợp thì ở sách của sở mở rộng ra như ngoài yêu cầu tìm thước đo, học sinh có thể dùng những vật dụng gì để đo. Ở sách của sở, thông tin bài bản, hình và chữ hài hòa với nhau trong khi sách của bộ rất cô đọng, yêu cầu ngoài bài học trên lớp, học sinh về nhà tìm hiểu thêm thông tin trên mạng và thực tế, điều này hơi quá sức với học sinh lớp 6, 7. Trong khi sách do sở biên soạn thì hướng dẫn chi tiết hơn.

Mới chỉ để tham khảo

Ông Trần Đức Huyên nói thêm: Khi biên soạn sách, tính ứng dụng và tích hợp là điều kiện tiên quyết. Chẳng hạn như ở lớp 7, học về đo lường thì chúng tôi tích hợp thêm kiến thức về địa lý như đo mực nước biển, rồi từ đó mở rộng thêm như kiến thức về biển thì học sinh được tìm hiểu thêm về Trường Sa, Hoàng Sa. “Tôi tin nếu TP HCM làm tốt thì các địa phương khác cũng sẽ ủng hộ, học sinh vùng miền nào cũng có thể sử dụng sách do TP HCM biên soạn vì một khi internet tỏa rộng thì không lẽ học sinh không biết đến password, không biết đến thẻ ATM. Mà trong khi đó khi dạy về số nguyên trong sách toán thì chúng tôi có đưa những ứng dụng này vào” - ông Huyên nói.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng ý tưởng làm SGK với đội ngũ biên soạn bao gồm những nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường là ý tưởng tốt của

TP HCM vì chỉ những người đang trực tiếp giảng dạy mới biết học sinh mình đang cần gì, thiếu gì, khắc phục được những kiến thức hàn lâm ở bộ sách cũ. Tuy nhiên, nếu có cơ chế được sử dụng sách riêng, cần phải công khai đấu thầu việc in sách để tìm giá hợp lý nhất cho học sinh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường kêu giá sách quá cao, giá sách vật lý lớp 7 do Sở GD-ĐT TP HCM biên soạn 180 trang giá 40.000 đồng trong khi SGK vật lý 7 của Bộ GD-ĐT giá 5.500 đồng (88 trang).

Dù được đánh giá là tốt nhưng nhiều trường THCS tại TP HCM chỉ dùng SGK của TP HCM để tham khảo. Ông Lê Ngọc Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Tăng Bạt Hổ A (quận 4), cho rằng do tính pháp lý của SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn cao hơn nên nhà trường vẫn chỉ dùng SGK của sở như tài liệu tham khảo, mở rộng thêm, không dạy song song vì sợ học sinh quá tải. 

Chờ chủ trương chính thức

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết chủ trương xin bộ SGK riêng cho TP HCM đã được giám đốc sở trình bày trong kỳ họp HĐND TP vừa qua nhưng cụ thể thế nào phải chờ khi Bộ GD-ĐT có chủ trương chính thức. Khi có chủ trương rồi mới dễ huy động đội ngũ chuyên gia, thầy cô giáo tâm huyết và có kinh nghiệm soạn sách. Kể cả nguồn lực tài chính, vì hiện nay chưa có kinh phí để làm. Còn cuốn SGK vật lý và toán của sở chỉ dừng lại ở tài liệu dạy học và được biên soạn sát với khung chương trình nội dung SGK của bộ, chỉ thay đổi những từ ngữ phù hợp với đặc thù vùng, miền.

Theo Đặng Trinh (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan