Sao cấm trẻ có HIV học chung?

Ngày 09/07/2015 14:43 PM (GMT+7)

Học sinh lớp 1 nhiễm HIV, các phụ huynh khác phản đối không cho học chung với con mình. Phòng giáo dục cho người đến nhà dạy riêng, tư vấn rồi sau đó mới cho học chung.

Cả hai vợ chồng anh chị ĐVC-PTO đều tham gia trong CLB đồng đẳng vì người nhiễm HIV của tỉnh Bạc Liêu. Cũng từ CLB này mà anh chị đến với nhau sau khi cả hai bên đều đã mắc bệnh, chị mất chồng, anh mất vợ vì căn bệnh HIV.

Đứng trước ngôi nhà tôn trong tiếng gió lồng lộng từ các đầm nuôi tôm, chị O. nói chua chát: “Nhà em hoàn cảnh nó thế. Cả ấp ai người ta cũng dè chừng. Để lũ trẻ được cắp sách đến lớp, đoạn trường gian nan cô ạ”. Cháu ĐVP, con của anh chị, cũng đang bị kỳ thị không được đến trường.

Trường nào cũng từ chối?

Anh ĐVC, cha của P., cho biết năm 2011, cháu P. được gia đình cho đi học tại lớp 1/7 Trường Tiểu học HT, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu. Sau khi thi học kỳ I của lớp 1, cháu P. được công nhận danh hiệu học sinh giỏi. Tuy nhiên, khi nghe thông tin cháu P. nhiễm HIV, cô giáo chủ nhiệm đã mời công an, ban giám hiệu nhà trường cùng gia đình tới làm việc. Sau đó, ban giám hiệu Trường Tiểu học HT đã cho cháu P. nghỉ học. Cháu P. không được tới trường từ đó tới nay.

Hiện nay cháu P. đã 10 tuổi. Tuy chỉ quanh quẩn ở nhà nhưng P. vẫn được cha mẹ dạy học chữ, làm toán với mong ước cháy bỏng là được trở lại trường.

Sao cấm trẻ có HIV học chung? - 1

Chị O. dạy cháu P. học bài tại nhà. Ảnh: M.NGỌC

Để nối lại ước mơ cho con trai, dù mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng vợ chồng anh C. vẫn kiên trì mang đơn, hồ sơ để gõ cửa từ trường đến các phòng giáo dục trên địa bàn TP Bạc Liêu và huyện Hòa Bình để xin cho con được đi học. Tuy nhiên, theo phản ánh của gia đình, các nơi này “không thẳng thừng từ chối nhưng lại không giải quyết, tìm cách né tránh. Có trường thì viện lý do phụ huynh biết có trẻ nhiễm HIV đi học nên phản đối, gây áp lực với ban giám hiệu. Có trường thì hứa hẹn sẽ giải quyết nhưng cứ lần lựa năm này đến năm khác, để đến nay đã bốn năm trôi qua mà cháu P. vẫn chưa thể đến trường” - anh C. bức xúc. Nhìn con tiều tụy trong căn nhà tôn vách thiếc nhỏ bé, dõi ánh mắt xa xăm về phía có tiếng trống trường, có bạn bè, lòng cha mẹ quặn thắt.

Đầu năm học 2014-2015, anh C. đã liên hệ Trường Tiểu học Đông Hải để xin cho con đi học, nhà trường cũng hứa hẹn và đề nghị chờ thêm một năm nữa. Sức chịu đựng có hạn, vợ chồng anh uất ức: “Phải chăng là do cháu P. bị nhiễm HIV mà quyền đi học của cháu bị hạn chế?”.

Sự kỳ thị vô hình

Đã từng có lúc, những ngày còn tuổi mẫu giáo, mỗi khi gia đình đưa P. đến gửi nhà trẻ nào thì phụ huynh liền mang con về hết. Lớp chỉ còn mỗi P. nên cô giáo cũng cho nghỉ luôn. Khi đi học lớp 1, ban đầu P. được học tại trường tiểu học của xã Vĩnh Hậu A nhưng không được, phải chuyển sang học Trường HT (phường Nhà Mát) được một học kỳ thì cũng phải nghỉ.

Chị O. đang thấp thỏm lo lắng bởi sau P., vợ chồng chị còn sinh một cháu trai là ĐVH (sinh năm 2011), cháu H. không bị nhiễm HIV và đang bước vào học mẫu giáo. Năm học vừa rồi, nhà trường đã nhiều lần mời gia đình chị lên để yêu cầu phải cung cấp giấy xét nghiệm, nếu âm tính thì mới cho cháu theo học. Chị O. cung cấp cho chúng tôi đầy đủ các giấy tờ xét nghiệm cháu H. không nhiễm HIV. Không những vậy, nhà trường còn yêu cầu chị phải mang giấy xét nghiệm đó đưa cho từng vị phụ huynh xem thì mới được.

Nhiều phụ huynh phản đối

Chúng tôi mang vấn đề trên làm việc với bà Đỗ Yến Hòa, Trưởng phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu. Bà Hòa cho biết trường hợp của cháu P. có một số khó khăn khách quan. Thứ nhất, do cháu P. đã 10 tuổi (sinh năm 2005) nên nếu bây giờ vào học lớp 1 thì quá tuổi rất nhiều, còn nếu học đúng tuổi thì năm học 2015-2016, cháu phải vào học lớp 5. Với kiến thức của cháu hiện tại, cháu không thể theo kịp chương trình. Điều này rất khó khăn cho nhà trường.

Thứ hai, do cháu còn quá nhỏ, chưa ý thức được cách thức tự phòng, chống bệnh cho bạn bè, cho người khác nên việc ngay lập tức đưa cháu đi học tại trường chung với các bạn khác đã bị phụ huynh các trường phản ứng rất gay gắt. Bằng chứng là lúc cháu còn học lớp 1, chỉ vì bạn không cho mượn viết mà cháu đã cắn ba bạn. Phụ huynh các em học sinh này cũng làm áp lực với trường ghê gớm. Thứ ba, thật sự địa phương cũng rất muốn giúp cho cháu có được môi trường học hành vui chơi lành mạnh, Sở LĐ-TB&XH cũng đã đưa một số cháu nhiễm HIV lên Trung tâm Bảo trợ Linh Xuân để học nhưng đó là khi gia đình đồng ý cho cháu đi. Trường hợp của cháu P., gia đình chỉ muốn cháu được học tại chỗ.

Trưởng phòng Giáo dục TP Bạc Liêu, đơn vị quản lý Trường Tiểu học HT, nơi gia đình cháu P. cho rằng cháu đã bị kỳ thị bị buộc thôi học cho biết nhà trường không buộc P. thôi học mà gia đình tự cho em nghỉ học sau khi gặp sự phản ứng của nhiều phụ huynh.

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo hỗ trợ hòa nhập sớm

Theo bà Lê Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, trường hợp của cháu P. đã có ý kiến chỉ đạo từ UBND tỉnh. Theo đó, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH kết hợp Phòng GD&ĐT huyện Hòa Bình tạo điều kiện để P. có thể tiếp thu được kiến thức bậc tiểu học, sớm hòa nhập. Theo đó, Sở sẽ cùng với Phòng GD&ĐT huyện Hòa Bình cử giáo viên đến tận nhà dạy cháu P. học kiến thức phổ cập tiểu học. Bên cạnh đó còn dạy cháu ý thức được bệnh của mình và có cách tự bảo vệ mình cũng như những người xung quanh. Khi ổn rồi sẽ cho P. đi học hòa nhập ở các trường bình thường bên ngoài.

Cấm yêu cầu học sinh xuất trình giấy xét nghiệm HIV

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối hành vi kỷ luật, buộc thôi học HS-SV, học viên vì lý do nhiễm HIV hoặc thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV.

(Trích Điều 21 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV)

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với HS-SV, học viên hoặc người đến xin học.

(Trích Điều 22 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định khác về phòng, chống HIV/AIDS)

Theo M.Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự