Siết bằng lái ôtô

Ngày 07/07/2013 14:35 PM (GMT+7)

Ngày 8/7, Sở GTVT TP.HCM sẽ tổ chức đợt thi sát hạch đầu tiên theo bộ đề mới. Với số câu hỏi lý thuyết tăng thêm, thi sát hạch trên sa hình và đường trường khó hơn, thời gian “đi hình” lại ít hơn trong khi kỳ thi được giám sát chặt chẽ hơn… nên việc lấy được bằng lái xe sẽ không dễ như trước đây.

Bộ đề thi sát hạch cấp bằng lái ô tô mới gồm 450 câu hỏi được các trường dạy từ sau ngày 1/1/2013, thay thế bộ đề thi cũ 405 câu.

Hết kiểu học tủ

Kết cấu của bộ đề này gồm các phần: Khái niệm về quy tắc giao thông đường bộ, nghiệp vụ vận tải, đạo đức nghề nghiệp người lái xe kinh doanh vận tải, kỹ thuật lái ô tô...Đồng thời, theo quy định mới thời gian sát hạch lý thuyết các hạng bằng lái ô tô là 20 phút (rút ngắn 5 phút). Người thi hạng bằng B1, B2 phải trả lời đúng đáp án trắc nghiệm 26/30 câu hỏi và hạng bằng C, D, E là 28/30 câu hỏi. Riêng thi hạng A1 phải trả lời đúng đáp án 12/15 câu hỏi và hạng A2 phải trả lời đúng đáp án 14/15 câu hỏi.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, bộ đề mới “dày” hơn với các nội dung được bổ sung nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống trên đường... Với bộ đề này, các chiêu học tủ, học mẹo trước đây sẽ không có tác dụng.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Mạnh Hùng, học viên sẽ dự thi lấy bằng B1 lần này thì bộ đề quá… “đồ sộ” và có nhiều phần không hợp với hạng bằng mà anh định lấy. “Tôi lấy bằng B1 để chạy xe nhà mà phải “nhồi” cả các câu hỏi về kinh doanh vận tải thì “nặng” và “phí” quá!” - anh Hùng nói. Còn ông Dương Tự Lực, Trưởng phòng Quản lý Sát hạch và Cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT, cho rằng bộ đề 450 câu giành cho mọi đối tượng và có tính liên thông giữa các hạng bằng, nó không giành cho cá biệt từng người. “Anh có bằng B1 rồi nhưng mai này muốn lên hạng B2 hoặc C, D thì việc học 450 câu là đâu có thừa. Lại nữa, không lý anh nói tôi chỉ lái xe trong TP nên không cần học hệ thống biển báo, cách lái xe qua đèo dốc sao?” - ông Lực nói.

Siết bằng lái ôtô - 1
Tuy rút ngắn thời gian thi nhưng nếu học viên học hành bài bản thì việc lấy được bằng vẫn trong tầm tay. Ảnh: LĐ

Hết trả lời theo… mẹo cũ

Đến ngày 6/7, tại Trung tâm Sát hạch lái xe Hoàng Gia, hệ thống thiết bị sát hạch lý thuyết và thực hành đã được cài đặt xong phần mềm mới. Cạnh đó, các camera giám sát, màn hình LCD đã được đặt tại các phòng thi lý thuyết của trung tâm. Theo đó, bốn màn hình LCD 32 inch được lắp đặt để công khai quá trình và kết quả sát hạch lái xe, gồm một màn hình tại hội đồng thi và ba màn hình tại phòng chờ sát hạch để các thí sinh chờ dự thi xem xét và giám sát.

Để vượt qua được kỳ sát hạch lý thuyết đòi hỏi người học phải nắm vững bộ câu hỏi, những người học yếu sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu. Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe Hoàng Gia, cho biết bộ đề mới yêu cầu cách thức làm bài thi khác trước. Cụ thể, một câu hỏi có thể có 2-4 ý trả lời và có 1-2 ý đúng chứ không phải chỉ có một lựa chọn duy nhất như trước. Thí sinh dự thi sẽ phải lựa chọn tất cả phương án đúng mới được chấm điểm, nếu trả lời thiếu ý đúng cũng coi như là sai. “Không còn các kiểu đáp án “mẹo” như “tất cả phương án trên đều đúng”, “tất cả phương án trên đều sai”, “cả hai phương án trên đều đúng”...!” - ông Long nói. Ngoài ra, ở phần thi lý thuyết còn thêm nhiều câu hỏi về biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh…

Khó lùi vào “chuồng” hơn

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, giáo trình mới yêu cầu học viên phải học thêm đi đường zíc zắc, thực hành xe số tự động. Tuy nhiên, các phần học bổ sung này chưa phải thi. Nhưng phần thi thực hành lùi “chuồng” (lùi xe vào nơi đỗ) khó hơn trước do chiều rộng của đường lùi bị bóp hẹp 1,3 m (từ 6,5 m bóp còn 5,2 m) và chiều dài của quãng đường trước “chuồng” bị rút xuống còn 12,8 m (trước đây là 15,25 m). “Với việc đường lùi bị bóp hông và rút ngắn như thế thì người học phải tập nhiều hơn mới mong đỗ. Chưa kể, nếu Bộ không cho đánh tay lái chết (đánh vô lăng khi xe chưa chạy lùi) thì trong vòng 2 phút khó de vô lọt “chuồng” được!” - một học viên của Trường Hoàng Gia cho biết.

Theo một cán bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trước khi bước vào cuộc sát hạch ngày 8-7, sẽ kiểm tra lại toàn bộ các vị trí trên sa hình để nhổ bỏ, xóa hết các vật, vệt chuẩn được các giáo viên dạy lái xe cắm, vẽ cho học viên căn theo khi học lái trước đây. Cạnh đó, với các xe sát hạch sẽ được kiểm tra kỹ, loại bỏ hết các vật căn, “đầu ruồi” như bao thuốc lá, lọ nước hoa…

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe Củ Chi, cho biết thêm hiện nay, với thời gian thi sa hình là 20 phút, chỉ có khoảng 35% thí sinh đi hết 15 phút. Như vậy, khi áp dụng thời gian thi rút ngắn xuống còn 15 phút thì số người thi sa hình bị rớt sẽ rất cao. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Quyền, qua khảo sát chỉ có một số học viên xử lý tình huống, đi trong sa hình chậm, không đạt. Việc rút ngắn thời gian thi vẫn đảm bảo với số đông học viên đậu, lấy được bằng.

Trung tá TRẦN VĂN THƯƠNG, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM:

Nhiều trường hợp người mua bằng gây TNGT

Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông mà tài xế thừa nhận đã mua bằng chứ không hề đi học. Những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì người lái sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự. Do vậy, người dân có nhu cầu lái xe các loại nên ý thức tuân thủ thời gian và chương trình của cơ sở đào tạo để có khả năng đáp ứng yêu cầu thực tế.

Kết cấu và những điểm mới ở bộ đề 450 câu

- Khái niệm và quy tắc giao thông đường bộ: 145 câu.

- Nghiệp vụ vận tải: 30 câu.

- Văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người lái xe: 25 câu.

- Kỹ thuật lái xe ô tô: 35 câu.

- Cấu tạo và sửa chữa xe ô tô: 20 câu.

- Hệ thống biển báo hiệu đ­ường bộ: 100 câu.

- Giải các thế sa hình: 95 câu.

Chụp ảnh nhằm chống thi hộ

Theo quy trình cũ, trên biên bản kết quả thi của học viên có dán ảnh 3x4 (có thể dán trước hoặc sau khi có kết quả). Từ đây đã nảy sinh tình trạng thi hộ hoặc giám thị thông đồng khi nào thí sinh thi đậu thì mới dán ảnh vào.

Nay theo quy định mới, thí sinh vào phòng thi lý thuyết sau khi trình chứng minh nhân dân xong thì chụp ảnh kỹ thuật số để in vào biên bản kết quả luôn (ảnh này cũng được lưu trữ để sau này in lên bằng nhựa). Với cách này, trên biên bản kết quả (thi đạt hoặc không đạt) đều in chính xác khuôn mặt của thí sinh.

Khi bước sang thi thực hành đi trong sa hình (hoặc sau này tiến thêm là trên đường trường) học viên phải ngồi ngay ngắn trước vô lăng để camera chụp ảnh truyền về phòng dữ liệu của trung tâm sát hạch nhằm nhận diện có đúng với khuôn mặt người vừa thi lý thuyết không. Nếu đúng, máy mới phát lệnh cho xe xuất phát.

Ảnh chụp trước khi xuất phát cũng được truyền về để in lên biên bản kết quả sát hạch thực hành.

Theo Lưu Đức - Hoàng Tuyên (Pháp luật TP.HCM)
Nguồn:

Tin liên quan