Sự khác biệt giữa mầm non và lớp 1 cha mẹ cần biết

Ngày 01/10/2015 09:19 AM (GMT+7)

Nếu ở mẫu giáo, bé được tự do đi lại, nói cười, đùa nghịch, chơi với những đồ chơi cụ thể thì khi vào lớp 1 các em lại phải ngồi yên, tuân theo kỷ luật, học những điều trừu tượng...

Theo TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, trẻ bước vào lớp 1, không nhiều thì ít, đều gặp những hụt hẫng và khó khăn nhất định, phần nhiều do sự khác biệt về môi trường và yêu cầu học tập.

Phụ huynh dựa vào bảng so sánh những điểm khác biệt lớn giữa mầm non và tiểu học dưới đây, từ đó sẽ hiểu bước chân vào trường tiểu học, trẻ sẽ phải trải qua những khó khăn gì và giúp con thích nghi nhanh, tìm được niềm vui khi đến trường.

Sự khác biệt giữa mầm non và lớp 1 cha mẹ cần biết - 1

Bảng so sánh giữa mầm non và lớp 1.

Theo đó, chúng ta có thể thấy sự khác biệt vô cùng lớn giữa 2 cấp học. Có thể chia thành 5 điểm khác biệt chính như sau:

Về hoạt động: Ở mẫu giáo, trẻ chủ yếu là chơi, tự do đi lại nhảy múa, vẽ sai, tùy ý tưởng tượng, không phải thuộc bài, không ai kiểm tra...

Ở lớp 1 thì các em phải ngồi im nghe giảng, tuân thủ giờ giấc, bị kiểm tra bài vở và bị kỷ luật nghiêm khắc...

Về cô giáo: Ở mẫu giáo thì cô giáo giống như mẹ ở nhà, còn lên lớp 1 cô giáo là người quản lý, dạy dỗ, kiểm tra giám sát.

Bạn bè: Giống như anh chị em trong gia đình ở lớp mẫu giáo thì lên lớp 1 đồng đẳng và cạnh tranh.

Giờ ra chơi ở lớp mẫu giáo có nhiều thời gian chơi và nhiều đồ chơi nhưng khi lên lớp 1 chỉ từ 5-10 phút, không được mang đồ chơi đến lớp và không có nhiều thời gian để chơi.

Về thời gian ở nhà, trẻ mầm non không phải lo bài vở còn vào lớp 1 các em phải bù đầu giải quyết đống bài vở cô giáo giao, thậm chí làm bài cuối tuần.

Sự khác biệt giữa mầm non và lớp 1 cha mẹ cần biết - 2

"Nếu cha mẹ bỏ qua vấn đề này mà suy nghĩ con đương nhiên phải vượt qua thì rất thiệt thòi cho các bé. Trẻ vào lớp 1 không nhiều thì ít đều gặp những khó khăn nhất định. Có cháu vượt nhanh, có cháu không vượt qua được thì tìm cách phá đám, nghịch ngợm, học kém.

Khi bé chán học, bố mẹ càng lo lắng, sốt ruột, thúc ép, thuê gia sư về rèn, tăng thời gian cho con học ở nhà, tìm chỗ cho con học thêm… Khi trẻ ở lớp đã mệt mỏi, về nhà cần được vui chơi, chia sẻ để cân bằng thì lại bị nhồi nhét, thúc ép thêm khiến các bé đã chán càng thêm nản.

Như vậy, việc chúng ta cần quan tâm là làm sao để trẻ có thể tiếp nhận sự đổi thay này một cách dễ dàng mà không gặp phải những vấn đề về tâm lý", tiến sĩ Thu Hương nhấn mạnh.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Năm học mới