Sự thật vụ mẹ "nhốt" con gái không cho đi học: Tuần tới, chuyện "giải cứu" sẽ thế nào?

Ngày 25/12/2016 12:14 PM (GMT+7)

"Cưỡng chế, biện pháp mạnh ở thời điểm này là rất khó" – một cán bộ thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội đưa ra đánh giá khi nói về phương án "giải cứu" hai mẹ con...

Trước sự việc người mẹ "nhốt" con gái 11 tuổi trong nhà (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội), không cho đi học hay giao lưu với mọi người xung quanh, nhiều năm qua, chính quyền địa phương và một số cơ quan liên quan đã tiến hành các biện pháp tác động nhưng không có hiệu quả.

Thực tế, sự việc này đã được khá nhiều người biết đến và mong muốn giúp đỡ hai mẹ con chị N và bé H. Nhưng, khi sự việc được thông tin trên báo chí mấy ngày gần đây thì mối quan tâm về biện pháp "giải cứu" họ càng được đẩy lên cao độ.

Tuy nhiên, qua trao đổi với các chuyên gia pháp luật, chuyên gia về bảo vệ trẻ em và một số cơ quan liên quan, chúng tôi nhận được sự đánh giá rằng việc đưa ra biện pháp giải quyết lại... không hề đơn giản và vẫn chưa có phương án cụ thể!

Chiều 23/12, chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Hải Đường - Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Hà Nội) - đơn vị đã theo dõi và hướng dẫn xử lý trường hợp này từ những năm qua.

"Rất khó dùng biện pháp mạnh"

Được biết, sự việc của hai mẹ con chị N được phát hiện từ năm 2014, nhưng mọi sự cố gắng tác động, khuyên giải đến nay đều không có hiệu quả. Bà Đường cho biết: Lâu nay, Sở LĐTBXH Hà Nội vẫn giao chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền, tác động người mẹ và người thân cho bé H được đi học và giao lưu với cộng đồng nhưng đều không có tác dụng.

Sự thật vụ mẹ amp;#34;nhốtamp;#34; con gái không cho đi học: Tuần tới, chuyện amp;#34;giải cứuamp;#34; sẽ thế nào? - 1

Mọi người xung quanh rất khó tiếp xúc với hai mẹ con chị N.

"Mục tiêu đặt ra là phải làm thế nào để có thể tốt nhất cho bé H, để H được đến trường và hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng giờ đây vẫn là phải tác động đối với người mẹ và các thân nhân để trước mắt là đưa người mẹ đi khám, chữa bệnh. Phải thực hiện theo hướng an toàn chứ những gì cưỡng chế, biện pháp mạnh ở thời điểm này sẽ là rất khó".

Vị cán bộ này phân tích thêm, chỉ nên thực hiện biện pháp tác động an toàn và không chủ động tách bé H ra. Đồng thời, cần có sự quan tâm của cộng đồng nhưng không được khiến người mẹ cảm thấy họ bị soi mói, không gây áp lực dồn dập vì "những người như vậy họ sẽ rất nhạy cảm".

Trước hoàn cảnh của bé H, nhiều người đang rất mong muốn H được tách ra khỏi mẹ. Tuy nhiên, theo đánh giá và giải thích của bà Đường thì cách này khó thực hiện; không thể vội vàng mà phải thận trọng, cân nhắc, phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm và sự hợp tác của gia đình. Lý do là bởi:

Thứ nhất, nếu thực hiện các biện pháp mạnh, có thể người mẹ sẽ rơi vào cực đoan và gây ra những sự cố đáng tiếc và khôn lường. Trong khi lâu nay, người mẹ này luôn trong tâm lý sợ con mình bị người khác làm hại.

Thứ hai, việc lập tức cưỡng chế tách bé H ra khỏi mẹ như nhiều người mong muốn thì có thể tốt theo cách nghĩ của người lớn nhưng chưa chắc sẽ là phương án tốt đối cho đứa trẻ này.

Thứ ba, chưa có cơ sở để xác minh mức độ bất bình thường của người mẹ và những dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại của bé H.

Sự thật vụ mẹ amp;#34;nhốtamp;#34; con gái không cho đi học: Tuần tới, chuyện amp;#34;giải cứuamp;#34; sẽ thế nào? - 2

Cộng đồng xung quanh cần giúp đỡ, tác động, không gây áp lực hay khiến họ cảm thấy bị soi mói. Dùng biện pháp mạnh ở thời điểm hiện tại là rất khó - bà Đường đánh giá.

Sẽ mời chuyên gia tâm lý

Bà cũng nhấn mạnh thêm, nếu có đủ cơ sở thì vẫn có thể thực hiện biện pháp mạnh nhưng vẫn phải lường trước những mối nguy hiểm có thể xảy ra:

"Nếu muốn tách bé H ra thì phải khẳng định được môi trường đó là không an toàn. Tuy nhiên, hiện giờ ai có thể khẳng định được điều này? Thậm chí những chuyên gia y tế còn khó khẳng định bởi sự an toàn hay không còn liên quan với mối quan hệ giữa đứa trẻ với mẹ. Nếu mối quan hệ đó lệ thuộc quá nhiều vào mẹ, bởi từ tấm bé đến giờ luôn chỉ sống với mẹ thì liệu bé có chấp nhận ở một môi trường khác không? Mà thông thường, cái gì cực đoan quá thì hậu quả sẽ khó kiểm soát được".

Thông tin thêm về kế hoạch thực hiện "giải cứu" hai mẹ con chị N, vị này cho biết: "Trong tuần tới, chúng tôi dự định sẽ tổ chức cuộc họp với quận Hoàng Mai, sẽ mời cả Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cũng đề nghị mời chuyên gia tâm lý cùng tham gia để xác định xem nên thực hiện phương án cụ thể như thế nào, tác động bao nhiêu "mũi" rồi sẽ xác định các cơ quan, đơn vị liên quan cùng thực hiện".

Được biết, từ khi sự việc được phát hiện đến nay thì chính quyền cũng chưa từng sử dụng biện pháp nhờ đến chuyên gia tâm lý trong việc tác động "giải cứu" này. Theo bà Đường, chuyên gia tâm lý sẽ giúp phân tích và xác định tình trạng của bé H và chị N, đồng thời sẽ giúp đưa ra những cách tiếp cận hiệu quả hơn.

Đến thời điểm này, các cơ quan hữu trách vẫn đang tiếp tục tìm phương án tối ưu để "giải cứu" hai mẹ con chị N. Tuy nhiên, đây là sự việc phức tạp và được đánh giá là "một ca khó", trong khi chị N đang có quyền nuôi con và chưa có ai hay cơ sở nào để xác định tình trạng bất bình thường, mức độ bị xâm hại của bé H nên việc vội vàng cưỡng chế, dùng biện pháp mạnh để tách hai mẹ con họ có thể sẽ rất khó thực hiện.

Theo Nông Thuyết
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự