Sức mạnh của 'thủy triều đỏ' khiến cá chết hàng loạt ra sao?

Ngày 28/04/2016 09:06 AM (GMT+7)

“Thủy triều đỏ” sẽ làm sự giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng ô-xy trong nước, nhưng tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, từng làm ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, tảo nở hoa không thể khiến cá chết đột ngột, tức thời như ở miền Trung được.

Sau nhiều tiếng chờ đợi, tối ngày 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp cung cấp thông tin báo chí liên quan đến vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung. Đây là cuộc họp báo “dị thường, có một không hai” vì ngoài việc đọc biên bản, không một cơ quan báo chí nào được đưa ra câu hỏi liên quan đến vấn đề này.

Nguyên nhân "nước đôi" từ kết quả họp báo

Trong 10 phút ngắn ngủi, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã cung cấp 2 nhóm nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.

Sức mạnh của thủy triều đỏ khiến cá chết hàng loạt ra sao? - 1

Trong cuộc họp báo tối qua, Thứ trưởng Võ Tấn Nhân cho biết chưa có bằng chứng kết luận về mối liên quan với hoạt động của Formosa đến vấn đề cá chết hàng loạt

Ngoài ra, phát biểu trong buổi họp báo tối qua, Thứ trưởng Nhân lại khẳng định: "Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng kết luận về mối liên quan với hoạt động của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt”.

Đồng thời, qua số liệu quan trắc và đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, môi trường nước biển chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định.

Lý giải sức mạnh của Thủy triều đỏ

Nhìn vào những thông tin trên, dù chưa kết luận cuối cùng, nhưng nhiều khả năng nguyên nhân do cá chết hàng loạt sẽ là do tảo nở hoa hay còn gọi là thủy triều đỏ. Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng thường gặp không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Hiện tượng này ngày càng gia tăng trong những năm gần đây một phần cũng là do yếu tố con người tạo nên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm (Viện Hải dương học - Nha Trang), mầm mống của tảo sẵn có trong nước biển nên có thể "nở hoa" bất cứ ở đâu khi gặp điều kiện thuận lợi, chẳng hạn như nhiệt độ tăng, việc trao đổi nước kém, hoặc điều kiện dinh dưỡng trong môi trường tăng, hay ô nhiễm môi trường biển...

Sức mạnh của thủy triều đỏ khiến cá chết hàng loạt ra sao? - 2

Hiện tượng thủy triều đỏ do tảo nở hoa

Theo đó "thủy triều đỏ" hay tảo nở hoa là cách gọi để chỉ hiện tượng bùng nổ về số lượng của tảo biển. Sự "nở hoa" của tảo có khi làm nước biển màu đỏ, có khi màu xanh, màu xám hoặc như màu cám gạo... Hiện tượng nở hoa của tảo thường đồng hành với sự giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng ô-xy trong nước, và đó chính là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển trong tự nhiên và nuôi trồng.

Trả lời phỏng vấn báo chí, tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, từng làm ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, tảo nở hoa không thể khiến cá chết đột ngột, tức thời như vừa qua mà không có dấu hiệu rõ ràng. Nó thường xảy ra gần bờ chứ không ở ngoài xa và sẽ gây cá chết tầng mặt chứ không phải tầng đáy.

Còn ông Nguyễn Trường Sơn - Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam thì cho biết, nguyên nhân nước biển bị ô nhiễm do hoạt động của nhà máy, khu công nghiệp... nên cần được chú ý nghiên cứu càng sớm càng tốt.

Thực tế ở Việt Nam, hiện tượng thủy triều đỏ đã từng xảy ra vào hồi tháng 7/2002, khi người dân ở vùng biển Bình Thuận bắt gặp hiện tượng nước biển bỗng đỏ rực, sau chuyển sang xanh thẫm, rồi đen ngòm như nước cống. Cua, cá chết la liệt, san hô chết bạc trắng; rong biển, cỏ biển cũng chết. Hầu hết sinh vật biển bị tiêu diệt. Những ngày sau đó mùi hôi thối bốc lên… Du khách nghỉ dưỡng tại các resort trên bãi biển không dám bước chân xuống nước.

Tuy nhiên, hiện tượng cá chết hàng loạt lần này, thì trước đó chưa hề có một báo cáo công bố về hiện tượng “thủy triều đỏ”. Chỉ duy nhất có thông tin từ đầu năm đến nay, một số đợt thủy triều đỏ xuất hiện khiến nước sông Hoàng Mai, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) lúc có màu đỏ, lúc màu bùn. Nước thủy triều đỏ xâm nhập đã gây thiệt hại và khó khăn cho việc nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đây lại không thuộc khu vực xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt trong thời gian qua.

Tóm lại, dù chưa có nguyên nhân cụ thể và kết luận cuối cùng, mà mới chỉ đưa ra được những nhóm nguyên nhân chung chung sau gần 1 tháng xảy ra hiện tượng trên, có thể thấy sự quyết liệt của các đơn vị, cơ quan chức năng là như thế nào? Nói như ông Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: “Trong thời gian sớm nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cung cấp các kết quả phân tích các độc tố và sẽ đưa ra khuyến cáo về việc tiếp tục hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm”.

Nhưng thời gian sớm nhất là bao lâu, 1 ngày, 1 tuần, thậm chí là 1 tháng hoặc không bao giờ có nữa... thì không ai dám chắc.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự