Tai biến y khoa: Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 20/11/2013 07:59 AM (GMT+7)

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Giảm thiểu các tai biến trong y khoa” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 19/11, nhiều ý kiến cho rằng quá tải bệnh viện và chất lượng cán bộ y tế là nguyên nhân làm gia tăng tai biến trong y khoa.

Còn xảy ra tai biến nếu bác sĩ lỗi thời

Tai biến trong y khoa là rủi ro không thể tránh khỏi và không ai mong muốn.  Tuy nhiên, việc gia tăng tỷ lệ tai biến y khoa tại Việt Nam thời gian qua đang khiến người dân giảm sút lòng tin vào ngành y tế.  

Theo GS.TS Bùi Đức Phú – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, một trong những nguyên nhân dẫn tới các tai biến trong y khoa là do tình trạng quá tải bệnh viện.  

“Việc hai đến ba bệnh nhân nằm điều trị trên một gường bệnh ở nhiều bệnh viện hiện nay sẽ gây áp lực rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh. Bởi với việc quá tải bệnh viện thì thời gian khám chữa bệnh của bác sĩ đối với bênh nhân sẽ bị rút ngắn, kiến thức y khoa không đạt yêu cầu. Không những thế việc quá tải bệnh viện còn dẫn đến tình trạng ô nhiễm trong bệnh viện, việc không kiểm soát được tình trạng nhiễm khuẩn đó cũng dễ dẫn tới các tai biến trong y khoa”, ông Phú cho biết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận định, áp lực quá tải ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Việc ghép giường 2-3 người bệnh/giường bệnh cũng dễ xảy ra tai biến, vì có thể tiêm nhầm, uống nhầm thuốc hoặc điều trị nhầm phác đồ nếu người bệnh trùng tên nhau. Chỉ tính riêng lĩnh vực sản khoa, từ năm 2012 đến tháng 9/2013, cả nước ghi nhận 200 trường hợp bà mẹ liên quan đến tai biến sản khoa. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến, con số này trên thực tế sẽ còn nhiều hơn.

Tai biến y khoa: Trách nhiệm thuộc về ai? - 1

Buổi tọa đàm trực tuyến “Giảm thiểu các tai biến trong y khoa” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 19/11

Bác sỹ Phạm Cầm Kỳ, Giám đốc BV Sản Nhi – Ninh Bình thì, ngoài quá tải BV, chất lượng đào tạo bác sỹ hiện nay cũng có vấn đề. Vị bác sĩ này so sánh: “Nếu như ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc đào tạo bác sĩ phải diễn ra 10 đến 15 năm, thì ở Việt Nam chỉ đào tạo có 6 năm, như thế liệu có đảm bảo chất lương?”.

Cũng theo Thứ trưởng Tiến, hiện nay cơ cấu bệnh tật thay đổi gây khó khăn cho công tác chẩn đoán, điều trị. Vì vậy, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đòi hỏi bác sỹ phải cập nhật kiến thức hàng ngày, hàng giờ. Vì nếu sử dụng những kiến thúc cũ, lỗi thời thì rất dễ xảy ra tai biến.

“Bác sĩ phải có tâm, có tầm và thường xuyên trau dồi nghề nghiệp chuyên môn, khi đó mới mong hạn chế được tai biến y khoa”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Xảy ra tai biến dân được đền bù ra sao?

Một vấn đề khác cũng làm “nóng” buổi tọa đàm là việc đền bù cho bệnh nhân sau tai biến. Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, hiện Việt Nam chưa có luật nào quy định lấy tiền nhà nước đền bù cho bệnh nhân sau các ca tai biến y khoa.

“Đại đa số các bệnh viện đều có quỹ, do các bác sĩ nộp chứ hiện nay chưa có luật nào quy định lấy tiền nhà nước đền bù cho các ca tai biến y khoa”, Thứ trưởng Tiến khẳng định.

Về vấn đề này, GS Phú nhận định đó không phải là tiền đền bù, mà là tiền hỗ trợ bệnh nhân. Tiền này do các bác sĩ trong bệnh viện đóng quỹ, mục đích chính của quỹ này là nhằm hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo, chứ không phải nhằm hỗ trợ cho các ca tai biến.

Tại buổi tọa đàm có nhiều câu hỏi của người dân quan tâm đặt ra cho ngành y tế là khi xảy ra tai biến, trách nhiệm thuộc về ai và quy trình xử lý các ca tai biến của ngành y như thế nào.

GS Phú  thì cho rằng: “khi xảy ra tai biến lãnh đạo BV thường tìm lỗi cá nhân mà không suy xét đến lỗi của tập thể. Trong khi để tai biến xảy ra chính là do lỗi của hệ thống, do lãnh đạo BV không đưa an toàn BV lên hàng đầu, thiếu tập huấn và trang thiết bị an toàn”.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện nay khi xảy ra bất kể tai biến y khoa nào ở Bệnh viện, người nhà thường đổ lỗi và buộc tội cho cá nhân. Đó là việc không nên, vì nhiều vụ tai biến lỗi chưa hẳn đã xuất phát từ phía bác sĩ. Vì thế, trách nhiệm của bệnh viện là phải tìm ra được những lỗi tai biến để đề phòng cho những trường hợp sau.

“Vấn đề này đã được Bộ Y tế quy định rõ. Khi xảy ra tai biến chính bệnh viện đó sẽ phải thành lập Hội đồng chuyên môn, để xem lỗi ở đâu và xử lý theo đúng quy định. Nếu chưa thoả đáng thì tiếp tục kiến nghị lập hội đồng chuyên môn trên Sở, Bộ để giải quyết và tìm ra nguyên nhân dẫn đến tai biến”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.

Kết thúc buổi tọa đàm, lãnh đạo Bộ Y tế Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, để giảm thiểu số ca tai biến thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: giảm tải bệnh viện, chấn chỉnh y đức, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh của bệnh nhân, cải tiến quy trình khám chữa bệnh…

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tai biến sản khoa