Tang tóc, sợ hãi bao trùm ngôi làng giữa 'tâm chấn' Ebola

Ngày 15/08/2014 00:05 AM (GMT+7)

Đại dịch chết người Ebola bùng phát mạnh một ngôi làng ở Siera Leon khiến nhiều người tử vong, những người còn lại sống trong sự sợ hãi.

Ngôi làng Njala Ngiema ở Siera Leon (Tây Phi) đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh quái ác, dấu vết của các trận chiến chết chóc vẫn luôn thường trực. Rải rác xung quanh ngôi nhà của các nạn nhân tử vong do nhiễm virus Ebola, những vỏ thuốc rỗng vương vãi khắp nơi, nhiều gói muối bù nước đường đã dùng rồi nằm chỏng chơ trên đống bùn lầy. Thuốc men dường như vô hiệu, và thần chết luôn nhanh chân hơn các bác sĩ...

Hầu hết các ngôi nhà trong làng đều có người nhiễm Ebola: ở đây là 10 người chết, phía xa kia là 4 người chết, trong đó có 3 trẻ em. Cách đó vài mét là ngôi nhà của một người đàn ông lớn tuổi đang sống một mình, vợ ông vừa qua đời vì nhiễm virus Ebola. Ở một ngôi nhà khác, 7 người trong gia đình đã tử vong vì căn bệnh quái ác, một thầy giáo trong làng cho biết. 

Trong một ngôi nhà thấp và dài gần đó, 16 người đã chết, tất cả đều trong một gia đình. Ngoài một ngôi nhà khác, hai bé gái, một lên 6 và một 7 tuổi, ngồi thẫn thờ trước cửa, bố mẹ của hai bé đã qua đời vì Ebola.

Tang tóc, sợ hãi bao trùm ngôi làng giữa tâm chấn Ebola - 1

Thi thể một người đàn ông bên ngoài nhà xác ở Siera Leon

"Chúng tôi đã mất đi quá nhiều người", thầy giáo Sheku Jaya (35 tuổi) nắm chặt bàn tay bé bỏng của con gái nghẹn ngào nói trong nước mắt và sự sợ hãi. 

Ở đất nước có dịch Ebola hoành hành dữ dội như Siera Leon, Njala Ngiema có lẽ là ngôi làng bị tàn phá nặng nề nhất, các quan chức địa phương và quốc tế cho biết. Trong số 500 người tại ngôi làng này đã có 61 người tử vong vì Ebola. 

"Chúng tôi muốn bỏ ngôi làng này để đi", thầy giáo Jaya cho biết. 

Vẫn có rất nhiều người ở lại đây nhưng ngôi làng này dường như đã bị đông cứng. Bên trong những căn nhà tăm tối dường như chỉ còn lại những đồ đạc ít ỏi của các nạn nhân - quần áo rách rưới, giày dép, chiếc đài radio vẫn nằm yên bất động vì không ai đụng đến vài ngày sau đó. 

Không có trường hợp nhiễm Ebola nào mới trong một tháng trở lại đây nhưng dường như những nỗi sợ hãi vẫn bao trùm lên ngôi làng này vì virus chưa có thuốc đặc trị vẫn hoành hành khiến mọi thứ chưa có gì thay đổi. Kể từ khi dịch bệnh tràn qua ngôi làng này và cướp đi sinh mạng của 61 người, ở đây vẫn nhuốn một màu u ám. 

Tang tóc, sợ hãi bao trùm ngôi làng giữa tâm chấn Ebola - 2  

Messi Boa ngồi buồn bã trước cửa nhà ở làng Njala Ngiema sau khi bố mẹ em qua đời vì virus Ebola

Chính phủ Sierra Leone tuyệt vọng trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus Ebola cướp đi sinh mạng của hơn 300 người tại đất nước này. Rất nhiều biện pháp đã được triển khai, nhiều khu vực đã được phong tỏa, các trạm kiểm soát trên đường ở tâm dịch cũng xuất hiện. Hai quận ở miền đông - với khoảng một triệu người dân đã bị cách ly vào cuối tuần trước, chặn giao thông trên trên những con đường chạy qua vùng nhiễm Ebola.

Nhiều khu vực ở đất nước này đã bị cách ly, cô lập hoàn toàn làm dấy lên lo ngại rằng nếu dịch bệnh không xóa sổ những nơi này thì tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm sẽ làm điều đó. 

"Nỗi lo ngại của chúng tôi bây giờ là việc cô lập, cấm di chuyển ở nhiều tuyến đường sẽ làm gia tăng nguy cơ có nhiều người sẽ chết đói hơn là vì Ebola", David Keili-Coomber - thủ lĩnh tối cao cho biết.

Việc cách ly, giống như từng áp dụng với nhiều vùng dọc biên giới của Liberia, cho thấy một thực tế rõ ràng trong trận chiến chống đại dịch: Chính phủ hay các tổ chức y tế quốc tế dường như không thể ngăn chặn nổi dịch bệnh lây lan. Có quá nhiều ngôi làng bị tấn công trong khi có quá ít nhân viên y tế và các nguồn lực khác để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tang tóc, sợ hãi bao trùm ngôi làng giữa tâm chấn Ebola - 3

Tại nhiều căn nhà, đồ đạc của các nạn nhân chết vì Ebola vẫn nằm nguyên bất động, không ai dám chạm tới vì sợ lây nhiễm

"Mỗi tuần, chúng tôi lại nhận được thông tin một, hai ngôi làng mới có người nhiễm virus Ebola. Đó là một thảm họa", anh Anja Wolz - Bác sĩ ở một trung tâm điều trị bên ngoài thị trấn Kailahun nói.

Biện pháp cách ly của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh với ngôi làng Njala Ngiema là quá muộn, dấu hiệu báo nguy hiểm có mặt suốt dọc con đường lầy lội xuyên qua làng. Trước cửa một ngôi nhà có 5 người chết treo vài cái quần. Từ khi Ebola đến, chúng vẫn ở đó mà chưa ai đụng vào. 

Đằng sau ngôi nhà này có 16 người chết, quần áo lấm bẩn, rách rưới vẫn treo thành một hành, không ai dám đụng tới. James Baion, một giáo viên tại khu vực cho biết: ‘Mọi người đều khiếp sợ, chúng tôi đã đã yêu cầu họ đốt chúng đi’.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng số người tử vong vì dịch bệnh Ebola tại Tây Phi đã lên tới 1.069 người. Các nước tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp, đẩy mạnh các biện pháp ứng phó trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Đồng thời, các chuyên gia y tế cũng đang gấp rút chạy đua nhằm sớm tìm ra một loại thuốc đặc trị cho căn bệnh chết người này. 

Xem thêm tin bài về sự kiện Dịch Ebola:

Khủng bố bằng “bom bẩn” Ebola: Ác mộng toàn cầu?

Những hình ảnh đau thương từ vùng tâm dịch Ebola

Số người chết do nhiễm Ebola tăng lên 1.013 người

Đau xót gia đình 9 người thiệt mạng vì đại dịch Ebola

Hong Kong phát hiện trường hợp nghi nhiễm Ebola

Hà Anh (NYT)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch Ebola