Tát nhân viên hàng không, nữ hành khách bị phạt tiền

Ngày 12/04/2015 13:54 PM (GMT+7)

Nhận thấy hành khách tên Mai đem theo hành lý xách tay có khả năng vượt quá cân nặng quy định, nhân viên sân bay đã yêu cầu hành khách này đưa hành lý lên cân lại lần nữa thì bất ngờ bị bà Mai tát vào mặt.

Ngày 11/4, tin từ Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết giám đốc cơ quan này đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 nữ hành khách hành hung nhân viên hàng không tại khu vực hạn chế của Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Mức phạt tiền là 7,5 triệu đồng.

Nữ hành khách bị phạt là Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1980), quê ở Hưng Yên, hiện sinh sống tại phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Bà Mai là hành khách có vé đi trên chuyến bay VJ150 hành trình TP HCM - Hà Nội của hãng hàng không Vietjet chiều ngày 7/4.

Ra sân bay, bà Mai đem theo 2 túi hành lý xách tay, 1 túi to và 1 túi nhỏ. Khi đến cửa khởi hành số 16 của ga đi quốc nội, nhân viên mặt đất nhìn thấy bà Mai mang hành lý xách tay có khả năng quá kg so với luật quy định, nên đã yêu cầu hành khách này cho hành lý xách tay vào khung đo trọng lượng hành lý xách tay 1 lần nữa.

Không đồng ý với cách giải quyết của nhân viên hàng không, nhưng bà Mai vẫn đưa hành lý lên cân lại một lần nữa, và rồi dùng tay tát thẳng vào mặt người nhân viên này.

Sự việc ngay sau đó đã được trình báo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền của sân bay Tân Sơn Nhất thụ lý, giải quyết. Biên bản vi phạm hành chính đã được lập, bà Mai cũng đã xác nhận hành vi sai phạm của mình, ký tên vào biên bản.

Tát nhân viên hàng không, nữ hành khách bị phạt tiền - 1

Khung để cân trọng lượng và đo kích thước của hành lý xách tay mang lên máy bay đặt tại cửa khởi hành.

Trước đó, vào khoảng cuối tháng 10/2014, nữ hành khách Trương Thị Thiên T. (sinh năm 1980) cũng đã bị phạt 7,5 triệu đồng do hành hung nhân viên của Vietjet trên chuyến bay từ Hà Nội - TP.HCM.

Theo thông tin từ Vietjet Air, trong lúc di chuyển đến cửa ra tàu bay để chuẩn bị thực hiện chuyến bay VJ8687 từ Hà Nội - TP.HCM, hành khách Trương Thị Thiên T. (sinh năm 1980) đã có hành vi hành hung nhân viên hàng không.

Sự việc trên xảy ra tại sảnh E, sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Hành khách Trương Thị Thiên T. đã làm xong các thủ tục để thực hiện chuyến bay. Tại cửa ra tàu bay, do hành khách mang theo hành lý quá to, cồng kềnh và vượt quá số lượng quy định, không tuân thủ các quy định về hành lý xách tay, cũng không đồng ý ký gửi hành lý nên nhân viên hàng không thông báo hành khách T. không được lên tàu bay. Hãng hàng không Vietjet Air từ chối vận chuyển hành khách này.

Khi bị từ chối vận chuyển, hành khách T. đã rượt đuổi nhân viên hàng không suốt từ cửa ra tàu bay đến khu vực soi chiếu an ninh. Không dừng lại ở đó, nữ hành khách còn có hành vi hành hung, giật, kéo và xé rách áo nam nhân viên hàng không.

Theo quy định của các hãng hàng không Việt Nam, để đảm bảo an toàn cho chuyến nên các hãng hàng không đều có quy định trọng lượng, kích thước hành lý. Hành khách chỉ được đem theo 1 kiện hành lý xách tay có trọng lượng không quá 7 kg, kích thước 56x36x23 cm.

Tại khu vực check in, mỗi hãng đều phải đặt khung đo để cân và đo trọng lượng cũng như kích thước của hành lý mang lên máy bay. Tất cả các trường hợp quá cước đều bị hãng hàng không từ chối vận chuyển theo hình thức xách tay và chuyển sang dạng hành lý ký gửi (phải mua thêm cước).

Đại diện một hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam cho biết, hiện có tình trạng hành khách giấu bớt kiện hành lý xách tay khi cân tại quầy thủ tục. Sau đó dùng phiếu kiểm tra hành lý đã được cân tráo sang gắn vào một kiện hành lý khác to hơn để lên máy bay. Nhân viên hàng không có quyền yêu cầu cân kiểm tra lại tại cửa ra máy bay nếu thấy nghi ngờ quá cước.

Việc mang hành lý xách tay quá cước lên máy bay có thể gây uy hiếp an toàn bay vì làm gãy khung đựng hành lý, hành hóa quá to có thể không để vừa khoang đựng đồ, chiếm dụng vị trí không được để hành lý gây mất an toàn bay. Tùy vào các loại máy bay sử dụng và chính sách kinh doanh, các hãng hàng không đưa ra quy định cân nặng của hành lý khác nhau tuy nhiên hầu hết dựa trên thông lệ quốc tế.

Theo Ngọc Anh (Đời sống pháp luật)
Nguồn:

Tin liên quan