Thai nhi mắc bệnh tim hiếm gặp, người mẹ từng 2 lần sảy thai quyết giữ lại dù hy vọng mong manh

Ngày 15/06/2017 15:05 PM (GMT+7)

Sau 2 lần sảy thai, dù biết đứa con mình đang mang trong bụng bị suy dinh dưỡng và có bệnh lý tim mạch nhưng người mẹ vẫn quyết giữ lại.

Chồng giấu vợ khi con lên bàn mổ

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Phó GĐ Trung tâm tim mạch trẻ em (BV Nhi Trung ương) cho biết, trung tâm vừa phẫu thuật cho một trường hợp bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh với cân nặng nhỏ nhất từ trước đến nay 1,7kg.

Đó là cháu N.T.P., sinh ngày 31/5/2017, ở Hà Nội. Cháu P. được sinh ra ở tuần thứ 37 của thai kỳ, với cân nặng chỉ 1,7kg.

Theo các bác sĩ, hoàn cảnh gia đình cháu P. vô cùng đặc biệt, mẹ cháu P. đã sảy thai 2 lần trước đó, đây là lần thứ 3 mang thai và có lẽ cũng là cuối cùng. Chính vì lý do đó mà từ khi còn mang thai, biết con bị suy dinh dưỡng và có bệnh lý tim mạch nhưng gia đình vẫn quyết giữ lại.

Thai nhi mắc bệnh tim hiếm gặp, người mẹ từng 2 lần sảy thai quyết giữ lại dù hy vọng mong manh - 1

TS Trường chia sẻ về ca bệnh đặc biệt phẫu thuật tim cho bệnh nhi 1,7kg.

Anh Nguyễn Thanh Bình (bố cháu P.) cho biết, trước đây vợ anh từng 2 lần bị sảy thai, bản thân vợ anh cũng mang trong người rất nhiều bệnh tật. Vì thế lần mang thai thứ 3 này cũng gặp không ít khó khăn.

“Vợ tôi mắc bệnh hen, tiểu đường nên quá trình mang thai phải điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương và tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng của bác sĩ. Dù được bồi bổ nhưng khi sinh ra cháu chỉ được có 1,7kg”, anh Bình cho biết.

Riêng đối với vấn đề con trai mắc bệnh tim, anh Bình cho biết, gia đình đã biết từ khi còn mang thai và đã được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cùng bác sĩ Bệnh viện Việt Đức hội chẩn từ khi còn trong bụng mẹ và cũng đã thông báo những vấn đề phải đối mặt khi cháu chào đời.

“Ngày con tôi chào đời, tôi cũng có mặt tại phòng đẻ, lúc đó người cháu tím tái và được các bác sĩ cấp cứu tại chỗ. Khi ấy để cháu thở được các bác sĩ phải thay nhau bóp bóng liên tục, sau đó cháu được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương”, anh Bình kể lại.

Nhớ lại giây phút khi bác sĩ thông báo sẽ phẫu thuật cho con trai mình, anh Bình kể: “Khi tôi nhận được thông báo cháu sẽ được phẫu thuật, các bác sĩ cũng nói về mọi tình huống có thể xảy ra, thậm chí là tử vong trên bàn mổ. Nhưng nếu không phẫu thuật thì con tôi cũng sẽ rất nguy kịch, vì thế tôi đã đồng ý”.

Giây phút “định mệnh” ấy, anh Bình không dám nói cho vợ biết vì sợ vợ sẽ lo lắng, ảnh hưởng đến sức khỏe sau sinh. “Tôi giấu vợ tôi cho đến khi phẫu thuật được 5 ngày mới dám kể. Khi tôi thông báo thì con đã khỏe hơn và có thể ăn được một ít rồi, vì thế vợ tôi rất vui”, anh Bình nói.

Hiện tại con anh Bình đã được rút ống nội khí quản, ăn được nhưng trong lòng người bố này vẫn còn canh cánh những nỗi lo: “Cháu tiến triển vậy tôi rất mừng, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu, phía trước tôi còn rất nhiều việc phải làm. Từ tận đáy lòng mình, tôi xin chân thành cảm ơn các bác sĩ Trung tâm Tim mạch trẻ em, các bác sĩ khoa gây mê hồi sức đã cứu con tôi”.

Cân não giành lại sự sống cho cháu bé 1,7kg

Trao đổi với phóng viên về trường hợp bệnh nhi P., TS Nguyễn Lý Thịnh Trường cho biết, đúng là hoàn cảnh gia đình bệnh nhi rất đặc biệt, đây cũng là vấn đề gây áp lực cho những bác sĩ điều trị.

“Khi biết hoàn cảnh gia đình cháu P., bản thân chúng tôi là bác sĩ cũng phải suy nghĩ rất nhiều về việc có nên phẫu thuật hay không. Nếu không phẫu thuật thì cháu có nguy cơ tử vong, còn nếu phẫu thuật với cân nặng chỉ 1,7kg thì quả thật cũng không phải điều đơn giản”, TS Trường cho biết.

Thai nhi mắc bệnh tim hiếm gặp, người mẹ từng 2 lần sảy thai quyết giữ lại dù hy vọng mong manh - 2

Rất nhiều bệnh nhi bị bệnh tim bẩm sinh được phẩu thuật khi mới sinh ra. Trong ảnh: Một trường hợp bệnh nhi mắc bệnh tim phức tạp được phẫu thuật thành công khi mới được hơn 1 tháng tuổi.

Nói về tình trạng của cháu P. khi mới vào viện, BS Trường cho biết, khi chào đời, bé P. đã bị tím tái, bão hòa ô xy chỉ khoảng 15-20% (bình thường là 95%), xuất hiện tình trạng sốc tim và được chuyển ngay sang Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương để thở máy. Dù được hồi sức tích cực, toàn trạng của cháu bé vẫn rất nặng, bão hòa ô xy của cháu chỉ lên được 25%.

Sau khi thăm khám, ngoài vấn đề nhẹ cân do suy dinh dưỡng, cháu P. còn bị 5 tổn thương tim kết hợp, điều đó khiến các bác sĩ vô cùng khó khăn khi đưa ra hướng điều trị.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật chuyển lại hai động mạch chủ và động mạch phổi; cố gắng giải phóng hết tắc nghẽn trên đường thoát của tâm thất bằng cách cắt bỏ toàn bộ tổ chức gây hẹp đường ra của tâm thất trái. Đồng thời, vách liên nhĩ được mở rộng và động mạch phổi được siết lại tạm thời để hạn chế suy tim, bảo đảm đủ máu nuôi cho cơ thể cháu bé, tránh phù phổi và suy tim sau mổ.

“Với cân nặng chỉ 1,7kg động mạch vành của cháu chỉ nhỏ bằng đầu tăm, nên khi chuyển lại vị trí của các động mạch, nếu sai lệch chỉ 1/3 đến 1/4mm thì nguy cơ bị xoắn vặn động mạch vành, dẫn đến thiếu máu cấp tính và tử vong rất cao”, BS Trường cho biết.

Ca mổ diễn ra trong vòng 10 giờ đồng hồ, tình trạng của cháu tương đối ổn định và đã được chuyển sang hồi sức. 2 ngày sau khi phẫu thuật, cháu P. được rút nội khí quản và bắt đầu ăn được với số lượng ít.

Được biết, trường hợp trên chỉ là một trong số hàng trăm ca có dị tật tim phức tạp mà các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã thực hiện thành công trong những năm qua.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h