Thảm sát ở Bình Phước: Tâm lý nghi phạm qua lời luật sư

Ngày 19/07/2015 13:52 PM (GMT+7)

“Đứng trước vụ việc này, chúng tôi cũng cảm thấy bị áp lực và cũng cảm nhận sẽ bị dư luận ném đá. Nhưng, chúng tôi vẫn phải làm vì đây chính là trách nhiệm của luật sư”, luật sư Vinh cho biết.

PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Kim Vinh, Trưởng đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, một trong ba luật sư được chỉ định bào chữa cho hai đối tượng Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến.

Ông Vinh cho biết: “Quá trình tiếp xúc ban đầu cho thấy, lời khai của Dương và Tiến giống như những lời khai mà trước đó cả hai khai trước CQĐT. Mặc cho cả hai được lấy lời khai ở hai nơi hoàn toàn khác nhau”.

Chờ công lý thực thi

Trước câu hỏi của PV: “Liệu các luật sư đã phác thảo được “kịch bản” bào chữa cho hai bị can Dương và Tiến hay chưa?”, luật sư Vinh cho rằng: “Bây giờ chưa có “kịch bản” gì, bởi mới chỉ tiếp xúc ban đầu nên chưa thể xác minh rõ. Do đó, tôi cũng chưa thể lên phương án như thế nào. Để lên được phương án bào chữa thì chúng tôi phải tiến hành làm việc với Dương và Tiến cũng như thu thập các tình tiết liên quan nhiều hơn nữa.

Còn hướng bào chữa, tất nhiên phải tìm những tình tiết nhằm làm giảm nhẹ tội cho bị cáo. Tuy nhiên, đối với Dương và Tiến, cả hai bị can đã nhận tội giết người mà số người bị hại không phải một mà là sáu người thì mức độ phạm tội của hai bị can này là quá rõ ràng”.

Thảm sát ở Bình Phước: Tâm lý nghi phạm qua lời luật sư - 1

Bị can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến tại CQĐT.

Nói về việc là luật sư chỉ định bào chữa cho hai bị can Dương và Tiến thì ông và đồng nghiệp mình có sợ bị dư luận “ném đá” hay không? Luật sư Hoàng Kim Vinh cho hay: “Mức độ phạm tội của Dương và Tiến quá hung ác, gây phẫn nộ cho dư luận cả nước, chính vì thế khi được chỉ định bào chữa cho hai bị can này, nhiều người đã nghi ngại không dám nhận. Nhưng, thực tế và theo quy định của pháp luật, cũng như đảm bảo quyền con người, chúng tôi vẫn phải làm.

Hơn nữa, việc làm này nói lên tính nhân đạo của pháp luật với các bị can, bị cáo. Mục đích mình bào chữa ở đây chính là làm rõ được tính chất nghiêm minh nhưng cũng đầy nhân đạo của pháp luật. Hơn nữa, việc làm này còn giúp cho bị cáo nhận biết được hành vi phạm tội của mình cũng như xác định không oan sai”.

Cũng theo luật sư Vinh, dư luận cũng cần hiểu rõ, việc luật sư bào chữa cho bị cáo không phải là người cãi trắng thay đen mà chỉ góp phần làm cho công lý được thực thi. Hơn nữa, luật sư cũng có nghĩa vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ.

Nó đảm bảo cho người dân yên tâm là ngoài CQĐT và Viện Kiểm sát thì còn có luật sư tham gia cho tiến trình xét xử vụ án được diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, nhấn mạnh yếu tố khách quan.

Ngoài ra, khi đã có luật sư tham gia từ đầu đến cuối sẽ đảm bảo việc không bị lọt tội phạm và sẽ không ai thắc mắc rằng, liệu có chuyện ép cung hay nhục hình trong vụ án hay không. Mặt khác, luật sư với tư cách bào chữa cho bị cáo sẽ giúp tâm lý bị cáo yên tâm, bình tĩnh hơn, khai báo thành thật các thông tin cần thiết để các cơ quan Nhà nước thực thi công lý một cách trọn vẹn.

“Đứng trước vụ việc này, chúng tôi cũng cảm thấy bị áp lực và cũng cảm nhận sẽ bị dư luận ném đá. Nhưng, chúng tôi vẫn phải làm vì đây chính là trách nhiệm của luật sư”, luật sư Vinh cho biết thêm.

Cũng theo luật sư Vinh quá trình tiếp xúc hai bị can thì Tiến có phần bình tĩnh hơn Dương: “Trước khi tiến hành buổi tiếp xúc với hai bị can, chúng tôi có hỏi: “Hôm nay, Dương có thể làm việc được hay không”, thì bị can trả lời: “Sức khỏe bình thường và vẫn làm việc được”. Tuy nhiên, trong quá trình hỏi cung, Dương tỏ vẻ mệt mỏi hơn Tiến”.

Luật sư Vinh cũng cho hay, theo cảm nhận chủ quan của cá nhân ông thì việc bộ Công an khẳng định vụ án chỉ có hai can phạm là hoàn toàn chính xác. Còn đằng sau nó, những ai liên quan hay không thì phải chờ vào quá trình điều tra của cơ quan công an.

Đã có sự đổ lỗi cho nhau giữa hai bị can

Liên quan đến những lời khai và tiếp xúc ban đầu của bị can Vũ Văn Tiến, PV tiếp tục có cuộc trao đổi với luật sư Lê Văn Nam, người bào chữa cho bị can Vũ Văn Tiến Luật sư Nam kể lại: “Quá trình làm việc với chúng tôi, Tiến đã khóc suốt và hối hận về hành vi của mình. Tiến cũng bảo, toàn bộ hành vi gây án và hành động phạm tội trong vụ án của mình là do Dương “chỉ đạo”. Tiến đã bị Dương lừa.

Còn với Dương, bị can này tỏ rõ sự mệt mỏi và gần như lạnh tanh trước toàn bộ những thông tin liên quan đến vụ án”.

“Dương chỉ khóc khi nhắc tới bé N. (bé gái duy nhất còn sống sót của gia đìnhông M.). Còn nguyên nhân tại sao Dương lại có cảm xúc như vậy thì tôi cũng chưa thể biết được”, luật sư Nam cho hay.

Nói về bị can Vũ Văn Tiến, luật sư Nam chia sẻ: “Quá trình tiếp xúc với bị can, theo cảm quan của tôi thì, bản tính con người vẫn còn, chẳng qua bị Dương đặt vào tình thế đã rồi nên “đâm lao đành phải theo lao”. Hơn nữa, Tiến cũng chỉ học hết lớp 4, thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, những điều đó phải để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét trong phiên tòa xét xử”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sớm đưa vụ án ra xét xử lưu động

Chiều 14/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống tội phạm (138/CP).

Vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước cũng được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập như một cảnh báo về tình trạng tội phạm có tính chất nghiêm trọng gia tăng. Trưởng Ban chỉ đạo 138 yêu cầu sớm đưa vụ án ra xét xử lưu động.

Trước đó, ngày 13/7, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ An Giang) và Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) về tội Giết người và Cướp tài sản.

Không thể nhìn mặt mà bắt hình dong?

Ở góc nhìn khác, PV có cuộc trao đổi với tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) về diễn biến tâm lý của các đối tượng gây trọng án mà đặc biệt là hai bị can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến.

Nói về vấn đề này, tiến sỹ Thìn cho rằng: “Tội phạm “thiên hình, vạn trạng” và trong mỗi vụ án có những tính chất, mức độ, phương thức, thủ đoạn hậu quả khác nhau. Và, theo đó, diễn biến tâm lý, hành vi của tội phạm cũng rất khác nhau.

Nhìn lại vụ án ở Bình Phước cho thấy, thủ phạm đã chuẩn bị rất kỹ cho kế hoạch gây án, từ ý định (âm mưu), phương án, phương tiện đến cách thức thực hiện hành động; hành vi che giấu tội phạm, đối phó với cơ quan điều tra...

Khi gây án, đối tượng thực hiện rất quyết liệt, dã man, lạnh lùng, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng. Những điều này đã thể hiện đối tượng là tên tội phạm thực sự nguy hiểm, chai sạn cảm xúc, hành động theo sự thúc đẩy vì mục đích tối thượng là thỏa mãn nhu cầu của bản thân một cách bản năng, không suy nghĩ đến những hậu quả đối với nạn nhân, xã hội và cho chính đối tượng”.

Tiến sỹ Thìn cũng nêu rõ, việc đối tượng chưa có tiền án, tiền sự không phải là “tiêu chí” duy nhất và quan trọng nhất để đánh giá bản chất của tội phạm.

Sự tha hóa nhân cách, đạo đức, lối sống không chỉ được biểu hiện bằng quá khứ phạm pháp mà nó diễn ra “âm thầm”, đa chiều, phức tạp và đến khi có các nguyên nhân, điều kiện phù hợp, nó sẽ bộc lộ bằng hành vi phạm tội.

Nói một cách khác, những vụ giết người ghê rợn, lạnh lùng như trên chủ yếu là hệ quả của sự tác động từ nhiều yếu tố tiêu cực mà không phải là hiện tượng mang tính “đột xuất, bất ngờ”, không phải là việc “bỗng dưng”.

“Nhiều người chúng ta thường thiên về cảm xúc trực giác để đưa ra những đánh giá về bản chất, tính cách con người. Điều này có những hạt nhân hợp lý nhất định, nhưng tư duy một chiều như vậy thực sự là phiến diện, hời hợt, phản khoa học.

Thuyết sinh vật học tội phạm mà điển hình là Lombroso đã coi yếu tố sinh học là cái quyết định sự hình thành, phát triển nhân cách, hệ thống nhu cầu, phẩm chất đạo đức, hành vi ứng xử của con người. Nhưng, tính phản khoa học của nó cũng bị chính nhiều nhà tội phạm học tư sản phê phán. Vì vậy, “nhìn mặt có vẻ hiền lành” chỉ là những nhận thức cảm tính”, tiến sỹ Thìn phân tích thêm.

“Nếu có mâu thuẫn trong lời khai thì mới phục dựng, thực nghiệm hiện trường”

Cho tới thời điểm này, CQĐT Công an tỉnh Bình Phước đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can với hai đối tượng Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến. Tuy nhiên, vì sao CQĐT vẫn chưa tiến hành thực nghiệm hiện trường?

Trước vấn đề này, PV đã đặt câu hỏi với một lãnh đạo thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Phước: “Có một số tình tiết như CQĐT đã công bố đó là vết máu, dấu vân tay và sau khi gọi được cháu V. mở cửa, Dương và Tiến đã ra tay hạ sát nạn nhân và 5 người sau đó... Vậy lời khai của hai bị can Dương và Tiến liệu có mâu thuẫn với chứng cứ tại hiện trường hay không và có cần phải dựng lại hiện trường nhằm làm sáng tỏ những nghi ngờ mà dư luận đưa ra hay không?”.

Tuy nhiên, do vụ việc đang được điều tra nhằm làm rõ sự thật khách quan nên vị lãnh đạo này đã từ chối trả lời PV. “Dư luận xã hội, các nhà báo cần phải tin rằng, CQĐT, Viện Kiểm sát sẽ làm đúng trách nhiệm, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan sai người vô tội”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Trước đó, trả lời câu hỏi của PV báo điện tử VTC, ông Lê Đức Xuân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết: “Vụ án này, bên phía Viện tỉnh cũng đã có yêu cầu đối với cơ quan công an.

Tuy nhiên, có những vụ án đã rõ ràng, chứng cứ thu thập đầy đủ, chứng cứ vật chất, hiện trường, lời khai nhân chứng, đối tượng phạm tội khớp nhau thì không cần áp dụng các biện pháp đó. Việc thực nghiệm hiện trường của vụ án hiện nay vẫn còn đang xem xét, trong tiến trình điều tra xem có mâu thuẫn gì trong lời khai hay không, lúc đó mới phục dựng, thực nghiệm hiện trường”.

Khu giam đối tượng phạm tội nghiêm trọng được quản lý chặt chẽ

Trao đổi với PV, Đại tá Hà Văn Chí, Trưởng phòng PC45, Công an Vĩnh Phúc cho biết, theo quy định chung, khi cơ quan công an đã bắt tạm giam bị can thì sẽ có nơi giam giữ những đối tượng này. Tuy nhiên, tùy theo mức độ phạm tội mà công an đưa những bị can này vào các khu giam giữ khác nhau.

Với bị can gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng khi đã bị cơ quan công an bắt giam, sẽ được giam giữ tại khu vực riêng biệt, có sự quản lý 24/24 giờ của cán bộ công an. Ngoài lực lượng công an làm nhiệm vụ, khu giam giữ với đối tượng gây án nghiêm trọng có thể được trang bị các camera giám sát để phát hiện những tình huống bất ngờ.

Nhận định về việc một số đối tượng gây án sát hại nhiều người, sau khi bị khởi tố bắt giam đã có hành động tự vẫn trong buồng tạm giam hay không, Đại tá Chí cho biết: “Những trường hợp như vậy không phải là không có. Tuy nhiên đối với từng đối tượng cụ thể, vụ án cụ thể thì công an nơi đó cần thực hiện nghiêm các quy định chung của ngành trong việc tạm giam, tạm giữ.

Ngoài việc giám sát chặt chẽ, việc tác động tâm lý như khuyên giải, động viên để khai báo thành khẩn hưởng sự khoan hồng cũng nên được cân nhắc trong quá trình điều tra của cơ quan công an”.

Quyền thừa kế tài sản

Như thông tin mà báo Người Đưa Tin đã đưa về vụ thảm sát Bình Phước, duy nhất bé N. (chưa được 2 tuổi), con ông M., ông chủ của gia đình này, may mắn sống sót. Một vấn đề pháp lý được đặt ra là ai sẽ được hưởng khối di sản mà ông M. để lại. Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ pháp lý, luật sư Giang Hồng Thanh (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, trong Bộ luật Dân sự từ Điều 631 đến 687 quy định chi tiết về việc thừa kế và di chúc.

Theo đó, nếu trước khi mất, vợ chồng ông Lê Văn M., bà Nguyễn Lê Thị Ánh Ng. (bố mẹ bé N.) có lập di chúc thì những người được chỉ định trong di chúc đó được hưởng di sản thừa kế do vợ chồng ông M. để lại.

Nếu vợ chồng ông M. không để lại di chúc toàn bộ tài sản của mình cho ai thì di sản thừa kế của vợ chồng ông M. sẽ được chia theo quy định của Điều 676 Bộ luật Dân sự cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi. Đây sẽ là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vấn đề thừa kế với khối tài sản ông M. để lại.

Công nhân xưởng gỗ Quốc Anh nhận tiền lương lần cuối trong nước mắt

Theo nguồn tin của báo Người Đưa Tin, trong hai ngày 14 và 15/7, trên 170 công nhân của xưởng gỗ Quốc Anh đã được trả lương lần cuối. Người thân của gia đình ông M. đã dùng số tiền 1,7 tỉ đồng để trả. Nhiều công nhân rơi nước mắt khi cầm đồng lương. Đại diện công nhân cho biết: “Công ty Quốc Anh có thông báo, nếu công nhân nào còn muốn làm thì nhận sang hai xưởng gỗ của em bà Ng.. Số lượng tiếp nhận được khoảng 40 người. Họ nói, khoảng nửa năm nữa mới khôi phục lại xưởng gỗ Quốc Anh, nhưng theo tôi, điều này khó mà thực hiện được”.

Đại diện sở LĐ-TB&XH Bình Phước cũng cho biết, đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với liên đoàn Lao động tỉnh, bảo hiểm xã hội để giải quyết các chế độ theo quy định như bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân ở công ty Quốc Anh. Sở này sẵn sàng hỗ trợ để tìm việc làm mới cho công nhân.

Tính thuyết phục của vật chứng trong công tác phá án

Trao đổi với PV, luật sư Hồ Ngọc Diệp, văn phòng luật sư Hồ Ngọc Diệp, đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tin tức, trong buổi họp báo chiều 11/7, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng bộ Công an khẳng định: “Toàn bộ lời khai phù hợp với diễn biến hiện trường xảy ra vụ án. Hung khí gây án, con dao gây án, truy tìm và thu giữ được cả hai con dao, đều dính vết máu, kèm theo nhiều tang vật khác nữa. Ngoài ra, tài sản cướp được cũng được thu giữ hoàn toàn, như điện thoại và laptop kèm theo 4 triệu đồng, kể cả quần của hung thủ mặc cũng là của ông M.. Đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của nghi can”.

Điều đáng nói là, hầu hết các vật chứng quan trọng trong vụ án đều được các trinh sát phát hiện và thu giữ thông qua lời khai báo của nghi can về địa điểm cất giấu. Quy trình thu thập chứng cứ như vậy, sẽ có độ tin cậy gần như tuyệt đối.

Mặt khác, các chứng cứ thu thập được cũng khá đầy đủ và phản ánh khá toàn diện quá trình thực hiện tội phạm của nghi can trong vụ án. Từ góc độ đánh giá chứng cứ, có thể nói, với những gì CQĐT thu thập được, đã có đủ cơ sở chứng minh hành vi phạm tội của các bị can.

Theo Nhóm PV
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giết người ở Bình Phước