Tháng 4 - 6 có thể bị cắt điện

Ngày 11/04/2013 08:02 AM (GMT+7)

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công thương dự báo cho rằng, cung ứng điện trong thời gian tới có thể sẽ rất căng thẳng.

Người dân lo "mất" điện

Thứ 6 tuần trước, khi thức dậy, chị H, trú tại ngõ 173/68/...Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội đã thấy nhà bị mất điện. Chưa đến mùa hè đã bị cắt điện khiến chị H, và những người dân khu vực này băn khoăn không hiểu cắt điện do nguyên nhân gì và lo lắng có thể sắp tới mùa hè sẽ bị cắt điện, không biết vợ chồng sẽ chống chọi với cái nóng nực của mùa hè bằng cách nào, nhà lại có con nhỏ nên chị H. càng lo hơn.

Tại nhiều quận, huyện của TP.HCM, nhiều người dân cũng cho hay đã xảy ra tình trạng cắt điện nhiều lần kể từ đầu tháng 4 tới nay. Điều này càng làm cho nhiều người lo lắng về khả năng thiếu điện, ảnh hưởng tới sinh hoạt của gia đình trong mùa nắng nóng sắp tới.

Liên hệ với Phòng điều độ Điện lực Quận Ba Đình thì chị H. được biết, lần cắt điện cả ngày thứ 6 đó không phải là nguyên nhân thiếu điện mà do rơi vào định kỳ sửa chữa đường dây trước mùa hè.

Tuy nhiên, lo lắng của chị H. không phải là không có cơ sở khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, do tình hình thủy văn các hồ thủy điện các tháng đầu năm 2013 xấu hơn dự kiến đầu năm, tình trạng thiếu nước, hạn hán xảy ra ở một số khu vực nên tình hình cung ứng điện mùa khô 2013 có khó khăn.

EVN cho hay, hiện Tập đoàn này đang thực hiện các giải pháp cân đối các nguồn điện hợp lý, đẩy mạnh tiết kiệm điện và các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển và đời sống người dân, đồng thời ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt của người dân trước.

Tháng 4 - 6 có thể bị cắt điện - 1

Cắt điện ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người dân (Ảnh minh họa)

Chạy điện dầu sẽ tăng giá

Từ tháng 4 tới hết tháng 6 sẽ là thời gian cao điểm về tiêu thụ điện trong năm. Theo EVN, dự kiến, sản lượng điện trên toàn hệ thống sẽ vào khoảng 34,35 tỷ kWh, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong khi đó, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho hay, sắp tới, nguồn thủy điện có thể bị ảnh hưởng nhiều do nước cạn. Tính đến đầu tháng 3 vừa qua, lượng nước về các hồ thượng lưu thấp hơn dự kiến, ở cả các hồ miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên.

EVN cho hay, tính đến ngày 31/3/2013, mực nước tại hầu hết các hồ thủy điện đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Hồ Tuyên Quang “âm” 3,4m, hồ Hòa Bình thấp hơn 6,3m; hồ Hàm Thuận thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái 9,4m; hồ Yaly thấp hơn 5,6m;... Khu vực miền Trung, Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng và kéo dài suốt cả 3 tháng.

Nguồn điện này chiếm gần 30% trong cơ cấu nguồn phát và là nguồn điện giá rẻ. Hệ quả từ việc khô hạn và thiếu nước này là nguồn phát thủy điện sẽ bị căng thẳng, mức dự phòng điện sẽ rất thấp, đe dọa trực tiếp đến việc đảm bảo đủ điện cho mùa khô.

Cấp điện ở các tỉnh miền Nam còn căng thẳng hơn trong thời gian từ tháng 3 tới tháng 6/2013, có thể sẽ không tự cân đối được công suất nội miền và luôn phải nhận công suất từ miền Bắc và miền Trung qua hệ thống truyền tải điện 500-220kV liên kết miền Trung-Nam.

Để đề phòng thiếu điện, Cục Điều tiết điện lực đã lên các phương án dự phòng, trong đó sẽ vận hành tối đa liên tục các nhà máy nhiệt điện tua bin khí từ tháng 4 tới tháng 6 tương ứng là 4.095 triệu kWh, 4.215 triệu kWh và 4.112 triệu kWh. Kèm theo đó là khoảng hơn 3.000 triệu kWh nhiệt điện than mỗi tháng.

Trong trường hợp khẩn cấp, có thể phát thêm các nguồn điện giá cao như nhiệt điện dầu DO hay nhiệt điện dầu FO và mua điện từ nước ngoài. Nếu vậy, giá điện khó tránh nguy cơ tăng giá.

Người dân nên tiết kiệm điện tối đa

Theo Cục Điều tiết Điện lực và EVN, về cơ bản, hệ thống điện quốc gia sẽ đảm bảo cung ứng điện các tháng từ tháng 3 tới tháng 6/2013. Tuy nhiên, trong thời gian trên, nếu không có diễn biến bất thường xảy ra như sự cố lớn các nhà máy điện, lưới điện 500-220kV, nhu cầu điện tăng cao đột biến thì mới đảm bảo.

Điều kiện này là rất khó bởi trong nhiều năm qua, thực tế ở các mùa khô hạn, không ít nhà máy thủy điện đã gặp phải sự cố và phải ngừng hoạt động. Còn về phía các nhà máy nhiệt điện than, nếu vận hành liên tục tối đa, khả năng sự cố các tổ máy là rất cao do giới hạn truyền tải lưới điện 500-220kV khu vực Đông Bắc Bắc Bộ. Ngoài ra, nguy cơ tiềm ẩn sự cố lớn bởi các nhà máy nhiệt điện than khu vực Đông Bắc Bắc Bộ như Hải Phòng, Quảng Ninh, Uông Bí, Cẩm Phả hiện thường xuyên vận hành không ổn định, công suất khả dụng không đạt tối đa theo thiết kế. Nếu phải dùng ten phương án tăng thêm sản lượng điện phát chạy dầu giá cao, khả năng điều chỉnh giá điện sẽ là tất yếu.

Do đó, ngoài nỗ lực của các đơn vị có nhiệm vụ liên quan đến sản xuất, kinh doanh truyền tải điện, người dân và doanh nghiệp được kêu gọi dùng điện tiết kiệm một cách triệt để, góp phần hạn chế nguy cơ bị cắt điện do thiếu điện.

Trần Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan