Thịt lợn tăng giá 5.000 đồng/kg

Ngày 12/12/2013 06:13 AM (GMT+7)

Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán sắp đến, nhu cầu sản xuất, dự trữ của các doanh nghiệp tăng làm tăng giá nhưng cũng sẽ có nhiều yếu tố tác động làm giảm giá hàng hóa.

Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính dự báo, tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, có nhiều nguyên nhân tác động đến việc tăng giá như sức mua có khả năng thanh toán trong dịp cuối năm tăng, mặt bằng giá thị trường chịu tác động tăng bởi một số yếu tố như nhu cầu sản xuất, chế biến và dự trữ thực phẩm cũng như hàng hoá khác phục vụ Tết Dương Lịch và Tết Nguyên Đán 2014 tăng.

Chắc chắn không có tăng giá đột biến

Bên cạnh đó, yếu tố mùa vụ đặc trưng trong khoảng thời gian này là thời tiết lạnh tại khu vực phía bắc cùng với dịp Lễ tết sắp đến nên nhu cầu đối với một số mặt hàng thực phẩm, nhiên liệu, may mặc, mũ nón, giầy dép, giao thông công cộng... tăng có thể tác động gây tăng giá.

Tuy nhiên, cũng có nhân tố kéo giá lại là dự báo diễn biến giá một số hàng hoá thiết yếu trên thị trường thế giới chỉ biến động nhẹ. Giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng ổn định như giá điện, than bán cho sản xuất điện, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, thực phẩm, đường, xi măng, thép....

Ngoài ra, việc các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn thị trường, dự trữ, chuẩn bị hàng hóa phục vụ cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán 2014 cũng sẽ là yếu tố tác động giúp giảm giá.

Nguồn cung hàng hoá nói chung, hàng hóa thiết yếu nói riêng tiếp tục được bảo đảm cùng các chương trình khuyến mại, giảm giá cũng được nhiều doanh nghiệp, địa phương thực hiện trong những tháng cuối năm cũng sẽ góp phần hạn chế phần tăng giá. Thêm vào đó, sức mua của thị trường còn yếu, tác động tăng giá do tâm lý được hạn chế là những yếu tố góp phần giảm áp lực tăng giá thị trường.

Trước lo ngại giá cả hàng hóa tháng cuối năm, đặc biệt là những mặt hàng có nhu cầu cao trong Lễ Tết sẽ bị đẩy giá lên cao, gây sốt giá cục bộ, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, chắc chắn giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ không tăng đột biến.

Theo ông Chiến, hiện đã có gần 30 tỉnh, thành phố gửi báo cáo về dự trữ hàng hóa tết dịp cuối năm. Đây đều là những mặt hàng thiết yếu, do đó sẽ có tác dụng đáng kể trong việc bình ổn và điều tiết giá cả, góp phần đáng kể vào việc kiểm soát, hạn chế đầu cơ và tăng giá đột biến.

Giá thực phẩm đã giảm nhẹ

Trong tháng qua, giá một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, rau xanh hầu hết giảm nhẹ so với tháng trước, chỉ có thịt lợn tăng giá nhẹ.

Cụ thể, giá thịt lợn hơi tăng 1.000 đồng/kg-2.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá phổ biến khoảng 40.000 đồng/kg-49.000 đồng/kg; Miền Nam, giá phổ biến khoảng 40.000 đồng/kg-48.000 đồng/kg.

Do giá lợn hơi tăng nên giá thịt lợn ngoài các chợ cũng tăng nhẹ, khoảng 5.000 đồng/kg. Giá thịt lợn ba chỉ từ 90.000 đồng/kg - 95.000 đồng/kg. Sườn lợn 90.000 đồng/kg - 95.000 đồng/kg tùy chợ.

Tuy nhiên, giá thịt bò và thịt gà lại giảm nhẹ. Thịt bò thăn tại miền Bắc, giá phổ biến khoảng 230.000 đồng/kg-245.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg-7.000 đồng/kg; Miền Nam giá phổ biến khoảng 230.000 đồng/kg-235.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg.

Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch tại miền Bắc giá phổ biến khoảng 120.000 đồng/kg-125.000 đồng/kg, giảm 5.000 đông/kg-7.000 đồng/kg; Miền Nam giá phổ biến khoảng 110.000 đồng/kg-115.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg.

Trứng gia cầm cũng giảm từ 1.000 đồng/chục – 2.000 đồng/chục. Cụ thể, trứng gà công nghiệp loại 1 từ 23.000 đồng/chục-24.000 đồng/chục, giảm 2.000 đồng/chục; trứng vịt từ 28.000-30.000 đồng/chục, giảm 1.000-2.000 đồng/chục.

Giá rau, củ, quả một số loại như khoai tây 15.000 đồng/kg-17.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg-3.000 đồng/kg. Cà chua 15.000 đồng/kg-18.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg-2.000 đồng/kg. Bắp cải 12.000 đồng/kg-15.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.

Thịt lợn tăng giá 5.000 đồng/kg - 1

Rau xanh là nhóm mặt hàng được dự báo sẽ tăng giá vào dịp Tết (Ảnh: Người lao động)

Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như cá chép, tôm, mực ống khá ổn định. Hiện cá chép khoảng 70.000 đồng/kg-85.000 đồng/kg. Tôm sú 187.000 đồng/kg-195.000 đồng/kg; cá quả 117.000 đồng/kg-120.000 đồng/kg.

Hiện, các Bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bình ổn giá trong tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Tăng cường kiểm tra mặt hàng giò, chả, trái cây, rau xanh…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cao Đức Phát vừa chỉ thị cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban Nhân dân các cấp tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Trong đó, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết có nguy cơ cao như: cơ sở và sản phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm; cơ sở xếp loại thấp trong đợt kiểm tra, đánh giá phân loại của Bộ.

Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý, yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra các chợ đầu mối, chợ bán buôn các mặt hàng nông sản thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong các dịp Tết như thịt, giò, chả, thủy hải sản, trái cây, rau, củ, quả; các tỉnh biên giới và khu vực lân cận với các tỉnh biên giới cần chú trọng kiểm soát, xử lý các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng thời, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu các cơ quan chức năng công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm vi phạm và các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo để người dân được biết.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan