Thú vị bài tập đọc lớp 5 được một ông bố phổ thành thơ

Ngày 05/02/2015 19:01 PM (GMT+7)

Từ bài tập đọc "Phân xử tài tình" trong sách tiếng Việt lớp 5, anh Trần Duy Long (Nam Định) đã phổ thành bài thơ mượt mà, dễ nhớ.

"Phân xử tài tình" là bài tập đọc trong sách tiếng Việt lớp 5. Nội dung câu chuyện kể về một vị quan án rất thông minh và công bằng. Vụ án 2 người đàn bà tranh giành mảnh vải và vụ nhà chùa bị mất tiền đều được vị quan này nhanh chóng tìm ra thủ phạm.

Từ câu chuyện có độ dài gần 2 trang giấy, anh Trần Duy Long ở Nam Định đã phổ thành bài thơ 5 chữ vô cùng vần điệu, hấp dẫn. Bài thơ mở đầu như sau: "Xưa, có vị quan nọ/Xử án bậc kì tài/Và nhân dân nhờ đó/Tránh được nỗi oan sai...".

Thú vị bài tập đọc lớp 5 được một ông bố phổ thành thơ - 1

Bài tập đọc "Phân xử tài tình" (Ảnh Tiến Sơn).

Thú vị bài tập đọc lớp 5 được một ông bố phổ thành thơ - 2

Được biết, tác giả bài thơ này, anh Trần Duy Long cũng có con đang học cấp 1. Mặc dù làm trong ngành ngân hàng nhưng với khả năng yêu thơ và làm thơ "bẩm sinh", anh Long đã sáng tác mấy chục bài thơ dành tặng cho cậu con trai.

Riêng với bài thơ "Phân xử tài tình", anh Long được một người bạn gợi ý làm và chỉ mất hơn 30 phút để anh hoàn thành xong tác phẩm. Anh chia sẻ thêm: "Sau khi sáng tác bài thơ này, tôi có ý định sẽ phổ nhiều thơ hơn từ các bài tập đọc ở các năm học khác nhau cho con. Hy vọng từ những bài thơ như thế, con sẽ thấy thú vị hơn trong việc học".

Thú vị bài tập đọc lớp 5 được một ông bố phổ thành thơ - 3

Tác giả bài thơ "Phân xử tài tình" cùng gia đình.

Cùng đọc bài thơ "Phân xử tài tình" của anh Trần Duy Long:

Xưa, có vị quan nọ

Xử án bậc kì tài

Và nhân dân nhờ đó

Tránh được nỗi oan sai.

Một hôm, hai phụ nữ

Lôi nhau đến công đường

“Bà này, ăn cắp vải”

Cùng nói, không ai nhường.

Quan ôn tồn xem xét

Cho người xuống tận nơi

Soát cả hai khung cửi

Cả chợ nơi họ ngồi.

Không tìm ra chứng lí

Việc này, thật khó đây

Người nào mới thực sự

Là chủ tấm vải nầy?

Ngẫm nghĩ, rồi ngài phán

“Tấm vải xé làm đôi

Mỗi người nhận một nửa

Như thế khỏi lôi thôi”.

Thừa lệnh, lính xé vải

Trước mặt cả hai người

Một người bỗng bật khóc

Người kia bỗng mìm cười.

Đập bàn, quan thét lớn:

“Trói ngay kẻ đang cười

Còn hãy đưa tấm vải

Cho con người đáng thương”.

Lần khác, đi lễ Phật

Sư cụ rất buồn rầu

Kể chuyện, tiền bị mất

Không hiểu là do đâu?

Quan biện lễ cúng phật

Mời tất cả mọi người

Giao họ cầm hạt thóc

Vừa ngâm nước rất tươi.

Ta nói mọi người biết

“Chùa ta mới mất tiền

Trụ trì là sư cụ

Hiện đang rất buồn phiền.

Và chúng ta cũng biết

Đức Phật rất linh thiêng

Làm nẩy mầm hạt thóc

Trong tay kẻ lấy tiền”.

Bỗng một tiểu ngấp nghé

Cứ nhìn trong tay mình

Quan liền cho người bắt “

Kẻ có tật, giật mình”.

"Phong trào" phổ thơ từ các bài tập đọc trong sách giáo khoa tiểu học đang được nhiều bậc phụ huynh, giáo viên quan tâm. Bạn Trần Tiến Sơn, quản trị viên nhóm chuyên phổ thơ cho biết: "Nhóm muốn đưa thơ ca vào các bài tập đọc ở tiểu học giúp các em dễ thuộc, dễ nhớ và cho tiết dạy trở nên sinh động.

Hàng tuần các thành viên sẽ đăng các bài tập đọc và mọi người cùng nhau phổ thơ, sau đó, các bài thơ này được giáo viên đưa vào tiết dạy của tuần học. Theo phản hồi, các em học sinh rất thích và hào hứng. Nhóm cũng đang hướng tới việc phổ thơ cho các bài học lịch sử, địa lí thậm chí cả khoa học...

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan