Thực hư việc chữa khỏi ung thư giai đoạn cuối

Ngày 05/03/2015 00:06 AM (GMT+7)

Thông tin BV Trung ương Huế chữa khỏi được bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bằng tế bào gốc đã gây xôn xao dư luận. Nhiều bệnh nhân ung thư hy vọng sẽ được cứu sống khi cái chết đang cận kề.

Ghép tế bào gốc có thể chữa khỏi được cho tất cả bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối? Phương pháp này đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới? Để hiểu hơn về vấn đề này phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Bá Đức, nguyên giám đốc BV K Trung ương, một trong những chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về điều trị ung thư.

- Vừa qua, BV Trung ương Huế có công bố là chữa khỏi được ung thư giai đoạn cuối bằng phương pháp ghép tế bào gốc, Giáo sư đánh giá thế nào về thành công này?

Đến nay, tất cả các nền y học thế giới cũng như của Việt Nam đều chữa ung thư dựa vào các phương pháp kinh điển gồm: phẫu thuật cắt bỏ khối u; xạ trị và hóa trị. Ung thư chia làm hai thể: thể đặc các khối u và thể máu. Với thể đặc các khối u thường có chỉ định phải mổ để cắt bỏ khối u, còn thể máu chỉ mổ trong một vài trường hợp đặc biệt.

Phương pháp xạ trị là dùng tia phóng xạ, hiện nay là dùng máy gia tốc chiếu vào vùng có tế bào ung thư để diệt tế bào ung thư. Với những loại ung thư không thể mổ được như ung thư vòm họng hoặc các ung thư có khối u ở vị trí đặc biệt nếu phẫu thuật sẽ làm tổn thương cơ quan lành hoặc trường hợp khối u đã lan rộng mà bác sĩ không biết ranh giới đến đâu để mổ cho hết thì sẽ có chỉ định dùng phương pháp điều trị xạ trị.

Với phương pháp thứ 3 là hóa trị dùng trong các trường hợp bệnh nhân đã điều trị xạ trị nhưng tế bào ung thư đã lan rộng, mà trong y học thường dùng từ chuyên ngành là di căn. Với trường hợp ung thư đã có di căn bắt buộc phải hóa trị, dùng hóa chất tiêm vào cơ thể để hóa chất chạy khắp theo hệ thong tuần hoàn, tác động lên khắp cơ thể.

Từ trước đến nay, đây vẫn là 3 phương pháp điều trị ung thư kinh điển được toàn thế giới áp dụng, tùy vào từng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định nên áp dụng phương pháp điều trị nào ở từng giai đoạn.

Chữa ung thư giai đoạn cuối

GS Nguyễn Bá Đức, nguyên giám đốc BV K Trung ương khẳng định, để chữa khỏi ung thư bệnh nhân cần được điều trị giai đoạn sớm

- Vậy việc điều trị ung thư bằng ghép tế bào gốc có phải là mới không thưa Giáo sư? Đây có phải là phương pháp chữa khỏi ung thư hoàn toàn kể cả với bệnh nhân giai đoạn cuối?

Ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư không phải là phương pháp mới, thế giới và Việt Nam đều đã áp dụng. Tôi cần phải nói rõ rằng tế bào gốc không phải hoàn toàn để chữa ung thư mà là để khắc phục các tác dụng phụ của hóa chất trong điều trị ung thư. Bản thân tế bào gốc không chữa được ung thư, nói chữa khỏi ung thư bằng tế bào gốc là không chính xác.   

Phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư cần phải hiểu cho đúng. Với bệnh nhân ung thư, khi điều trị xạ trị liều cao hay hóa chất, mặt tích cực là tiêu diệt được tế bào ung thư. Nhưng mặt tiêu cực của nó là gây tổn thương, độc hại đến tế bào lành, đặc biệt là điều trị hóa chất. Tế bào lành dễ bị tổn thương nhiều nhất trong bệnh nhân ung thư là tế bào tạo máu trong tủy xương, bởi tế bào này rất non, chưa trưởng thành biệt hóa để làm các chức năng theo sự phân công của cơ thể. Chính vì thế, bệnh nhân ung thư khi có điều trị xạ trị liều cao hay hóa chất rất dễ bị suy tủy, khiến cơ thể không thể sản xuất được tế bào tạo máu gây giảm bạch cầu, hồng cầu. Tình trạng suy tủy nặng sẽ khiến bệnh nhân tử vong.

Làm thế nào để khắc phục được tác dụng phụ suy tủy của bệnh nhân ung thư, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu. Tế bào gốc tạo máu được ghép có thể lấy từ bản thân người bệnh hoặc lấy từ người khác, chống lại tình trạng suy tủy của bệnh nhân ung thư.

- Phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu có được dùng rộng rãi cho tất cả bệnh nhân ưng thư không?

Phương pháp ghép tế bào gốc trong bệnh nhân ung thư có chỉ định hết sức chặt chẽ, cụ thể. Chỉ trường hợp chúng ta nghi ngờ hóa trị mạnh khiến bệnh nhân bị suy tủy, cận kề với cái chết mới nên ghép tế bào gốc. Nếu hiểu bất kỳ bệnh ung thư nào cũng có thể ghép tế bào gốc là hiểu sai, là lạm dụng.

Từ trước đến nay, người ta dùng nhiều phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị cho bệnh nhân ung thư máu, bởi đây là đối tượng bị ung thư ngay trong tủy xương. Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nhân bị ung thư máu, thường lấy tế bào gốc của người khác ghép cho bệnh nhân, bởi nếu chính tế bào của người bệnh rất dễ dính tế bào ung thư còn sót lại.

Hiện nay, ở Mỹ người ta cũng đã bắt đầu ghép tế bào gốc trong điều trị cho nhiều loại ung thư khác nhau, tuy nhiên họ vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu, chưa coi ghép tế bào gốc là phương pháp thường quy chữa ung thư giống như 3 phương pháp kinh điển phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.

Có trường hợp bệnh nhân ung thư được ghép tế bào gốc, chống suy tủy, không bị tử vong do suy tủy nhưng bệnh ung thư vẫn có thể trở lại.

Đừng hiểu nhầm tế bào gốc tác động vào tế bào ung thư, coi như đây là biện pháp giúp phục hồi cơ thể, phục hồi dòng máu, tủy xương, chống biến chứng suy tủy, chứ không phải để chữa ung thư. Phương pháp này rất tốn kém, cần có chỉ định chặt chẽ, hợp lý chứ không phải có thể dùng được cho tất cả các bệnh nhân ung thư.

- Vậy thưa Giáo sư, có thể điều trị khỏi cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối không?

Với bệnh nhân ung thư nếu điều trị ở giai đoạn sớm thì khả năng khỏi hẳn càng cao, bệnh không tái phát lại. Nhưng nếu điều trị giai đoạn muộn, khả năng tái phát rất lớn, rất khó khỏi.  

Bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn do tỷ lệ tái phát cao nên bác sĩ thường có chỉ định dùng hóa chất mạnh, liều cao với hy vọng đánh, diệt nhiều tế bào ác tính hơn. Vì dùng hóa chất liều cao nên cơ thể người bệnh có nguy cơ bị chết do ngộ độc hóa chất nên người ta tìm phương pháp thể thế là lấy tế bào gốc ra, sau khi điều trị hóa chất liều cao thì ghép tế bào gốc cho bệnh nhân để chống suy tủy. Việc tái phát bệnh ung thư không bác sĩ nào có thể dự đoán được, nó có tái phát hay không dù người bệnh có điều trị bằng 3 phương pháp kinh điển hay ghép tế bào gốc.

Trong điều trị ung thư, bệnh nhân nào không tái phát lại bệnh trong 5 năm trở lên được coi là chữa khỏi bệnh. Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân ung thư điều trị giai đoạn sớm đã khỏi 5 năm, thậm chí có bệnh nhân ung thư vú không tái phát bệnh trong 40 năm.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự