"Tiền không rơi vào đầu, chưa chắc Hào Anh đã ăn cắp"

Ngày 07/07/2015 23:35 PM (GMT+7)

Hào Anh gần giống với nhiều người trúng số độc đắc ở Việt Nam bỗng chốc có số tiền lớn... đưa họ vào cuộc sống lãng phí, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Nguyễn Hào Anh được biết đến từ hơn 5 năm trước đây (tháng 4.2010), 14 tuổi, được giải cứu khỏi trại tôm giống Minh Đức (huyện Đầm Dơi, Cà Mau). Hào Anh bị vợ chồng chủ trại tôm giống và người giúp việc nhiều lần hành hạ bằng cách ép uống nước tiểu, dùng kìm kẹp môi, đũa than nóng chích vào người...

Sau đó, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ Hào Anh với số tiền trên 800 triệu đồng, đến 18 tuổi Hào Anh được nhận đủ số tiền. Hào Anh mua đất, cất nhà gần 600 triệu đồng, số tiền còn lại Hào Anh nhanh chóng tiêu xài hết, rồi có những ứng xử không đúng với người thân như đuổi mẹ ruột ra khỏi nhà của mình mua...

Ngày 6.7, cơ quan công an xác nhận Nguyễn Hào Anh, 19 tuổi, bị Công an huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng bắt giữ về tội “trộm cắp tài sản” (trộm bộ máy tính để bàn).

Trước câu chuyện của Hào Anh, từ góc nhìn kinh tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu - người lập ngân hàng Việt đầu tiên ở Mỹ, hiện nay là tư vấn cho Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietBank - nhớ lại câu chuyện “con cá và cần câu”. Giúp người khác bằng “con cá” nhìn chung không có hiệu quả.

quot;Tiền không rơi vào đầu, chưa chắc Hào Anh đã ăn cắpquot; - 1

"Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Từ một đứa trẻ có 800 triệu, nay Hào Anh đang trong trại tạm giam về tội trộm cắp. Ông thấy gì từ việc này? 

- Hào Anh nhận được tiền từ các nhà hảo tâm thể hiện tính nhân ái của xã hội Việt Nam, ai gặp khó khăn được mọi người xúm vào giúp đỡ. Rất nhiều người vì thế mà làm lại được cuộc đời. 

Tuy nhiên, các nhà hảo tâm dường như không tính đến chuyện quản lý sau khi cho Hào Anh một số tiền lớn. Kết quả, với Hào Anh dường như không có sự đổi đời nào cả. 

Đưa một số tiền lớn cho đứa trẻ không được hưởng nền giáo dục thích ứng, nhất là lại trong trường hợp bị bạo hành thì có thể dự đoán ngay được chuyện xài tiền không hiệu quả. 

Câu chuyện của Hào Anh khiến tôi nghĩ lại chuyện “con cá và cần câu”. Giúp người khác bằng “con cá”, không giúp bằng việc làm để “câu được con cá” nhìn chung không có hiệu quả. 

Có giả thiết cho rằng, chính việc Hào Anh có “tiền rơi vào đầu” (800 triệu đồng) càng khiến cuộc sống tồi tệ hơn, bằng chứng là cậu đi ăn trộm?

- Nếu không có số tiền 800 triệu đồng, chưa chắc Hào Anh vướng vào tội ăn cắp máy tính để rồi bị tạm giam như hiện nay. Từ việc nhận được số tiền lớn, đưa Hào Anh vào tình trạng tệ hơn là trước kia. Đó là việc rất điển hình trong xã hội. 

Rất nhiều người trúng số độc đắc ở Việt Nam cũng vậy, bỗng chốc có số tiền đưa họ vào cuộc sống lãng phí, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hãy thử khảo sát những người trúng số độc đắc, có bao nhiêu người đổi đời từ số tiền được thưởng.

Chuyện này có thể lý giải thế nào, thưa ông? 

- Qua trường hợp của Hào Anh thấy rằng, các trẻ em Việt Nam chưa có kiến thức về quản lý tài chính. Hào Anh đã vi phạm nguyên tắc rất cơ bản về quản lý tài chính. 

Ở nước ta, chuyện giáo dục về quản lý tài chính rất yếu kém. Hầu như chưa có chương trình tầm cỡ địa phương hay quốc gia để giáo dục cho con em. Đây là thiếu sót rất lớn. 

Việt Nam đi từ xã hội nông thôn, không bao giờ nghe thấy chuyện quản lý tài chính. Thông thường được đồng nào hay đồng đó, được vụ mùa có số tiền lớn là đi ăn chơi. 

Do vậy, giáo dục kỹ năng quản lý tiền cần thiết như các môn học phổ thông trong nhà trường vậy. Do đó, trong giáo dục quốc gia cần phải đưa ra vấn đề này. 

Tôi nhớ, ở Mỹ, cách đây 10 - 15 năm, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) xây dựng chương trình giáo dục tài chính rất căn bản. Trong chương trình đó, họ giáo dục tại sao một người phải có tài khoản ngân hàng, cần bảo mật ra sao, chi tiêu thế nào... đưa vào dạy ở các cộng đồng thiểu số. 

Chương trình này rất được hoan nghênh, vì nhiều người Mỹ cũng rất mơ hồ trong quản lý tài chính cá nhân. Ngay cả ở một xã hội như Mỹ cũng làm chuyện đó, huống chi ở các nước kém phát triển hơn.

Thưa ông, tôi thấy Hào Anh khá giống với nhiều người dân tôi biết đến, họ có tiền cố gắng xây nhà thật to cho dù không bao giờ bước lên tầng 3-4. Sau đó thiếu tiền sinh hoạt, thậm chí ốm đau không có tiền thuốc, lại phải bán nhà, hoặc chưa kịp bán đã qua đời, nhà bỏ không?

- Theo nguyên tắc, thu nhập cá nhân chia làm 3 phần: Sinh hoạt, tiết kiệm và đầu tư. Tuy nhiên, người dân thường vi phạm nguyên tắc cơ bản quản lý tài chính, đó là “không bao giờ được phép lấy tiền sinh hoạt để đầu tư”. 

Lẽ ra, khoản tiền sinh hoạt phải được bảo đảm trước, sau đó mới đến đầu tư. Nhưng người nông dân thường dồn tất cả tiền vào đầu tư xây dựng, đến lúc ngã bệnh, biến cố lại không còn tiền sinh hoạt, tiết kiệm để chi trả.

Nhưng cũng nguy hiểm hơn nữa, nhiều người vi phạm nguyên tắc, dùng tiền tiết kiệm, đầu tư để xài sinh hoạt hoang phí. Câu chuyện của Hào Anh vi phạm nguyên tắc này. 

Ông vừa nói, giáo dục quốc gia cần phải đưa ra vấn đề quản lý tài chính. Tuy nhiên, điều này dường như có chút mâu thuẫn với quan niệm thường gặp của nhiều người Việt không thích dạy trẻ sớm về giá trị đồng tiền?  

- Khi còn bé, theo mẹ đi chúc Tết, tôi nhớ nhiều người khoe đầy hãnh diện: “Con tôi ngoan lắm, chúng nó chẳng biết đến tiền là gì”. Nhưng tôi cho rằng, đó là quan niệm sai lầm, từ đó nảy sinh ra nhiều hệ quả cho cá nhân, xã hội.

Tôi cũng nói thêm, không chỉ vấn đề tài chính, người Việt của mình thường cho rằng kiến thức tình dục không cần thiết phải dạy sớm cho con trẻ. 

Hậu quả là gì? Rất nhiều bé gái đi phá thai vì không hiểu biết, nhiều trẻ em lãng phí, nhà giàu không biết tiền để làm gì nên lao vào các cuộc chơi, trở thành tệ nạn xã hội. Hai vấn đề này đang gây bức xúc cho xã hội.

Có lẽ chương trình giáo dục về “quản lý tiền” cần thiết đưa vào chương trình giáo dục ngay từ tiểu học. Đương nhiên, các nhà làm chương trình phải nghiên cứu phù hợp với mức độ hiểu biết của các em. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Công Thọ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vụ hành hạ dã man cháu Hào Anh