TPHCM: Trông giữ trẻ từ 6 – 18 tháng chưa "đắt hàng", vì sao?

Ngày 09/10/2015 08:34 AM (GMT+7)

TPHCM là địa phương đầu tiên thực hiện nhận giữ trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non từ năm 2014. Sau một năm triển khai thí điểm, mô hình này vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Có trường, có cô nhưng thiếu trẻ

Tại quận Thủ Đức có 3 trường mầm non công lập thí điểm mô hình giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi với tổng số 51 trẻ. Trong đó, nhóm trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi tại mỗi trường chỉ khoảng từ 3 - 8 bé, còn lại thuộc nhóm từ 13 đến 18 tháng tuổi.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các quận huyện thực hiện thí điểm khác, đặc biệt số trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi học tại các trường thí điểm trông giữ này rất ít, trường nào nhiều nhất là 13 bé, còn lại đều dưới 10 bé/trường, có những trường chỉ có 1 – 2 bé gửi như Mầm non Sơn Ca (quận 12), Mầm non Hoa Hồng, Mầm non 19/5 (quận Bình Tân), Mầm non thị trấn Củ Chi 2… Thậm chí, như Mầm non Phượng Hồng (quận Tân Phú) không có bé nào trong độ tuổi này được gửi, mặc dù trường đã đầu tư lớp và cô trông.

TPHCM: Trông giữ trẻ từ 6 – 18 tháng chưa quot;đắt hàngquot;, vì sao? - 1

Chăm sóc trẻ 6 - 18 tháng tuổi tại Mầm non Hoa Phượng Đỏ (Gò Vấp, TPHCM)

Lý giải điều này, phòng giáo dục đào tạo các quận huyện cho biết, không phải người dân không có nhu cầu mà vì khung giờ chưa hợp lý nên nhiều người không sắp xếp được. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó phòng giáo dục đào tạo quận Thủ Đức cho biết, số trẻ trong độ tuổi từ 6 – 18 tháng là 6.118 trẻ, đa phần là con công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Vì vậy nhu cầu gửi con sớm, đón con muộn là rất lớn. Trong khi đó các trường chỉ nhận giữ trẻ từ 7 giờ sáng đến 16 giờ 30. Vào trường công không tiện, nhiều người chấp nhận gửi con tại các nhóm trẻ gia đình. 

Hiện nay, quận Thủ Đức có 267 nhóm trẻ gia đình không phép, tăng 2,2 lần so với năm ngoái. Vì thế, phòng giáo dục quận đang tính đến phương án sẽ tổ chức trông trẻ của công nhân tăng ca đến 8 – 10h tối.

Giáo viên e ngại

Chất lượng nuôi giữ trẻ cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Hiện đa phần các giáo viên đều e dè khi nhận trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi vì thu nhập không tăng nhưng lại rất vất vả. Nhiều cô phải vừa làm, vừa học do chưa quen.

Bà Nguyễn Ngọc Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức cho biết:  “Các cô mới làm nên khi phân công nhóm các cô lo sợ vì không biết mình nhận cháu như thế nào, chăm sóc cháu ra làm sao… Chế độ ăn của các cháu nhiều khi cũng khiến các cô lo mặc dù các cô đã được học, được bồi dưỡng rồi”.

Khó khăn lớn nhất mà các trường đang gặp phải hiện nay là đội ngũ giáo viên. Các giáo viên có tay nghề vững vàng thì lại lớn tuổi khó có thể đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc kỹ lưỡng, ẵm bồng trẻ nhỏ thường xuyên. Trong khi đó, các giáo viên trẻ lại thiếu kinh nghiệm nên thường ngán ngại nhóm trẻ này. Đa số các trường không có hợp đồng với nhân viên nuôi dưỡng do không có định biên, vì thế nếu chỉ trông chờ vào đội ngũ giáo viên thì sẽ không đủ để chăm sóc trẻ ở lứa tuổi này.

Kinh phí thực hiện cũng là một vấn đề không nhỏ. Bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó phòng Giáo dục – Đào tạo quận Gò Vấp kiến nghị, với độ tuổi này, thành phố nên nâng mức ngân sách cấp trên đầu trẻ nhằm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các trường. Đồng thời, cũng cần xem xét lại các khoản thu để vừa đảm bảo quyền lợi cho phụ huynh vừa ổn định kinh phí cho các trường. 

Với trẻ 6-18 tháng, chế độ ăn yêu cầu rất cao. Do vậy mức thu 27.000 đồng/ngày hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Cùng với đó là mức vệ sinh phí cũng vậy. Theo các cô trực tiếp chăm sóc trẻ, trẻ 6-18 tháng đi tiêu, tiểu, nôn ói rất nhiều, phải sử dụng rất nhiều giấy mềm, giấy ướt loại tốt trong khi chỉ thu 20.000 đồng/bé/tháng thì không đủ cho trường chi trả.

Theo lộ trình, năm học 2015 – 2016, sẽ có thêm 4 quận, huyện mới sẽ tiếp tục thí điểm nhận trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi. Như vậy toàn thành phố sẽ có 12 quận huyện với 41 trường nhận trông giữ trẻ ở độ tuổi này.

Theo Bạch Dương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự