Trải lòng của bác sĩ không dám nói chỗ công tác

Ngày 10/08/2015 11:52 AM (GMT+7)

Không dám nói tên bệnh viện đang công tác, bị coi là làm việc ở nơi “không thuộc đẳng cấp”,…là những khó khăn mà các bác sĩ Bệnh viện 09 đang phải đối mặt hàng ngày khi cởi chiếc áo blue ra ngoài xã hội.

Chỉ khổ những bác sĩ trẻ

Đó là những chia sẻ của Ths.BS Nguyễn Thị Thảo – Phó Giám đốc Bệnh viện 09 Hà Nội khi nói về việc các bác sĩ công tác tại Bệnh viện 09 luôn bị “thiệt thòi” hơn so với các bác sĩ ở bệnh viện khác.

BS Thảo cho biết, nhiều bác sĩ trẻ đang công tác tại bệnh viện khi ra ngoài không dám nói là đang làm việc tại Bệnh viện 09 Hà Nội. Bởi, nhiều người cho rằng đây là bệnh viện HIV, bệnh viện thuộc đẳng cấp thấp hoặc vẫn có những định kiến khi tiếp xúc. Thậm chí có nhiều người còn không biết Bệnh viện 09 là bệnh viện nào.

Trải lòng của bác sĩ không dám nói chỗ công tác - 1

Các bác sĩ Bệnh viện 09 đang điều trị cho một bệnh nhân nhiễm HIV.

“Đối với tôi thì chẳng làm sao cả, tôi đã quá quen rồi. Ngày xưa khi còn làm việc ở Bệnh viện Da liễu Hà Nội, tôi phải đến từng nhà bệnh nhân, khám và điều trị cho những bệnh nhân lở loét khắp người và cũng chịu “quen” cái cảnh mọi người sợ tiếp xúc rồi. Nhưng với các bác sĩ trẻ thì đây lại là vấn đề lớn, vấn đề ở đây chính là sự mặc cảm và nếu ai không có bản lĩnh thì rất dễ bỏ nghề”, BS Thảo tâm sự.

Theo BS Thảo, việc nhiều người “ngại” tiếp xúc với các bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện 09 là do họ nghĩ, đây là bệnh viện điều trị bệnh nhân HIV, là nơi chuyên cai nghiện ma túy, nên các bác sĩ ở đây cũng rất “đáng sợ”. Không chỉ có vậy, họ còn lo lắng nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân sang bác sĩ.

“Thực tế là vậy thật, bệnh viện chúng tôi đã có 7 bác sĩ, nhân viên y tế lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân, trong đó có cả phó giám đốc bệnh viện. Nhưng không vì thế mà chúng tôi hoang mang, lo lắng vì trách nhiệm của chúng tôi là cứu người và điều trị bệnh nhân”, BS Thảo nói.

Gia đình cũng “dị nghị”

Đó là thực tế mà của một nữ bác sĩ trẻ chuyên trách về xét nghiệm (xin được giấu tên theo yêu cầu của bác sĩ) tại Bệnh viện 09, khi chia sẻ với về việc phản ứng của những người xung quanh khi biết mình đang công tác tại Bệnh viện 09 và đang trực tiếp hàng ngày phải làm xét nghiệm cho những bệnh nhân nghiện ma tuý, thậm chí là HIV.

“Điều khiến tôi buồn nhất là đi ra ngoài, khi bạn bè hỏi mình không dám nói nơi mình công tác. Tôi còn nhớ, có lần ra ngoài gặp bạn bè, mọi người hỏi tôi đang công tác ở đâu? Tôi nói đang công tác tại bệnh viện 09, ngay lập tức mọi người có cái nhìn khác ngay.

Thậm chí, có lần đi truyền cho bệnh nhân ở ngoài theo đơn bác sĩ, khi người nhà hỏi, tôi chỉ nói là mình là bác sĩ và đi làm theo đơn của bác sĩ này, bác sĩ kia chứ không dám giới thiệu mình là bác sĩ ở bệnh viện 09”, nữ bác sĩ chia sẻ.

Trải lòng của bác sĩ không dám nói chỗ công tác - 2

Hàng ngày các bác BV 09 phải tiếp xúc với những đối tượng nghiện ma túy trong bệnh viện.

Lý giải nguyên nhân không dám nói tên bệnh viện nơi công tác, nữ bác sĩ nói với vẻ suy tư: “Thực ra, nếu mình làm việc ở Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Bạch Mai …thì mình cũng chẳng ngại nói ra. Nhưng mình làm việc tại Bệnh viện 09, nếu nói ra họ sẵn sàng chửi mình và đuổi mình ngay lập tức. Thực tế, tôi đã có lần bị như vậy, nên những lần sau tôi rút kinh nghiệm”.

Theo nữ bác sĩ này, không chỉ có người ngoài mà ngay cả những người trong gia đình cũng có những “dị nghị” nhất định khi biết đang công tác tại bệnh viện này. “Trước đây, nhiều người trong nhà thường nói với tôi rằng: tưởng nhà có người làm bác sĩ thế nào? Chứ công tác ở đấy thì mất nhờ. Khi nghe những câu nói này, tôi cũng rất tủi thân, nhưng vì yêu nghề vì bệnh nhân nên tôi chấp nhận tất cả, mãi rồi thành quen”, nữ bác sĩ nói.

Trước những định kiến của dư luận với những người mang trong mình căn bệnh HIV cũng như chính các bác sĩ đang điều trị, chăm sóc cho những bệnh nhân này, PGĐ Bệnh viện 09 cho rằng, đây chính là quan niệm đã ăn sâu vào ý thức con người và đây cũng chính là “rào cản” lớn nhất để những người nhiễm HIV, những người nghiện ma túy tái hòa nhập với cộng đồng.

“Ngay cả những bác sĩ điều trị họ còn xa lánh, còn mặc cảm khi tiếp xúc thì những bệnh nhân sẽ như thế nào? Muốn xóa bỏ được những định kiến này thì điều đầu tiên phải làm là thay đổi ý thức của mỗi người, cả cộng đồng và toàn xã hội”, BS Thảo chia sẻ.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự